Bộ Giáo dục xin rút thảo luận "đề án tỷ đô"

11:30, 25/04/2014
|

(VnMedia) - Ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã xin rút nội dung thảo luận về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ra khỏi chương trình làm việc của Quốc hội.


>>Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận trách nhiệm về "đề án tỷ đô"
 

Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, hiện nay Bộ GD&ĐT đang tích cực hoàn thiện hồ sơ về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp ngày 14/4/2014. Việc hoàn thiện và thẩm định bộ hồ sơ này trước khi gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phải có thời gian, nên không kịp hoàn thành để phục vụ cho phiên họp toàn thể Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội ngày 25/4.

Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Ngay tại phiên họp, nhiều đại biểu đã không bằng lòng về chất lượng của Đề án, trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đánh giá Đề án quá sơ sài, chung chung, chưa làm rõ tính khả thi và chưa đủ điều kiện trình ra Quốc hội. Đặc biệt, con số tiền “khủng” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo “tạm tính” lên tới trên 34.000 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD), cũng khiến nhiều người giật mình.

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận


Trả lời phỏng vấn Đài tuyền hình Việt Nam VTV1, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Vinh Hiển cho biết, số tiền 34.000 tỷ đồng sẽ được dùng vào 5 nhóm việc chính. Thứ nhất là biên soạn Chương trình sách giáo khoa, thứ hai là dạy thí điểm chương trình, đánh giá hoàn thiện để ban hành chính thức chương trình của bộ sách giáo khoa, sách giáo viên; tập huấn giáo viên để triển khai đại trà; trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đồ dùng dạy học bổ sung cho các nhà trường khi thực hiện chương trình mới; ứng dụng công nghệ thông tin về xây dựng những kênh thông tin truyền thông riêng cho giáo dục đào tạo. Trong số đó, tiền để biên soạn chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên chiếm khoảng hơn 100 tỷ đồng.

Ông Thứ trưởng Bộ Giáo dục cũng cho rằng, số tiền đó so với Việt Nam là lớn nhưng không lớn so với Thế giới.

Tuy nhiên, cũng liên quan đến Đề án đổi mới Chương trình, sách giáo khoa này, trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Phạm Vũ Luận đã lên tiếng nhận trách nhiệm "sơ suất" của cấp dưới trong việc báo cáo con số bởi hôm đó ông đi công tác nước ngoài.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói rằng, "nếu cần phải có đến 34.000 tỷ để biên soạn chương trình và sách giáo khoa mới thì tôi cũng không đồng tình, cũng là lãng phí và phi lý."

Về nguồn gốc của con số 34.000 tỷ đồng, người đứng đầu Bộ Giáo dục cũng cho biết, "sau khi tìm hiểu chúng tôi được biết là tổng hợp từ kết quả nghiên cứu của các nhóm chuyên gia khác nhau. Trong mấy ngày gần đây, phương tiện truyền thông cũng nói đến con số 34.000 tỷ đồng và nhiều các số liệu tiền nong khác, đó là những số liệu được trích ra từ các kết quả tổng hợp nghiên cứu của các nhóm chuyên gia...."

Ông giải thích thêm rằng "con số 34.000 tỷ đó không có trong tờ trình và những hồ sơ liên quan mà Chính phủ trình sang Ủy ban thường vụ Quốc hội." và khẳng định thêm: "hồ sơ mà chúng tôi đã gửi sang Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các bạn có thể xem và sẽ thấy ở đây không có con số nào về tiền nong cả".

Ngay sau khi Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và Bộ trưởng Phạm Vũ Luận "đăng đàn" trả lời trên truyền hình, nhiều ý kiến của độc giả tiếp tục tỏ ra không đồng tình với những cách giải thích của 2 vị lãnh đạo Bộ Giáo dục. Với Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, nhiều người cho rằng sự so sánh của Thứ trưởng như vậy là không hợp lý, bởi Việt Nam là một đất nước còn nghèo. Trong khi đó, lời giải thích của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng không làm dư luận hài lòng, bởi với một con số tiền "khủng" như vậy, không thể nói chuyện "sơ suất", càng không thể nói là "sau khi tìm hiều" thì Bộ trưởng mới "được biết" về nó, khi mà thuộc cấp của ông đã báo cáo ra Thường vụ Quốc hội.

Cũng liên quan đến đề án này, trên diễn đàn Học thế nào, GS Ngô Bảo Châu đã đưa ra 6 câu hỏi để các thành viên thảo luận bàn tròn. Rất nhiều ý kiến tâm huyết đã được các chuyên gia, các nhà giáo đóng góp..


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc