Nhiều đối tượng được nâng mức trợ cấp từ 1/10

12:00, 01/10/2013
|

(VnMedia) - Trong tháng 10 này, các đối tượng: người có công với cách mạng, nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên, cán bộ làm việc trong nghề dự trữ quốc gia sẽ được hưởng phụ cấp… Đây là một trong hàng loạt các quy định có hiệu lực từ 1/10 này.

Nâng mức trợ cấp cho người có công

Theo Nghị định 101/2013/NĐ-CP quy định mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng có hiệu lực từ 20/10/2013, mức chuẩn để xác định các mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng là 1.220.000 đồng, thay vì mức 1.110.000 đồng như hiện nay.

Cùng với việc nâng mức chuẩn, nghị định mới cũng nâng mức trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng, trợ cấp ưu đãi một lần đối với người có công; trợ cấp thương tật đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; trợ cấp thương tật đối với thương binh loại B.

Cụ thể, thân nhân của 1 liệt sĩ sẽ được hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng là 1.220.000 đồng/tháng (quy định hiện hành là 1.110.000 đồng). Trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân của 2 liệt sĩ là  2.440.000 đồng/tháng; đối với thân nhân của 3 liệt sĩ trở lên là 3.660.000 đồng/tháng.

Còn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng sẽ hưởng trợ cấp tiền tuất hằng tháng theo mức trợ cấp tiền tuất đối với thân nhân liệt sĩ; đồng thời, được hưởng phụ cấp 1.023.000 đồng/tháng (hiện nay là 931.000 đồng).

Trợ cấp nhà giáo nghỉ hưu chưa hưởng phụ cấp thâm niên

Theo Quyết định 52/2013/QĐ-TTg, Quy định chế độ trợ cấp đối với nhà giáo đã nghỉ hưu chưa được hưởng chế độ trợ cấp thâm niên trong lương hưu có hiệu lực từ 15/10/2013, các đối tượng: nhà giáo nghỉ hưu đang trực tiếp giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội hoặc giảng dạy, hướng dẫn thực hành tại các xưởng trường, trạm, trại, phòng thí nghiệm, tàu huấn luyện của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở giáo dục đại học công lập...sẽ được hưởng chế độ trợ cấp khi có đủ 3 điều kiện.

Thứ 1, có thời gian trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn thực hành tại các cơ sở giáo dục công lập từ đủ 5 năm (60 tháng) trở lên.

Thứ 2, nghỉ hưu (kể cả trường hợp chờ đủ tuổi để hưởng lương hưu và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu) trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1994 đến ngày 31/5/2011.

Thứ 3, đang hưởng lương hưu tại thời điểm ngày 1/1/2012. Trường hợp đang tạm dừng hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội thì được hưởng trợ cấp sau khi được hưởng lại lương hưu.

Theo Quyết định, mức trợ cấp một lần bằng tiền, được xác định theo công thức: Số tiền trợ cấp = (lương hưu hằng tháng x 10%) x số năm được tính trợ cấp. Trong đó, lương hưu hằng tháng là mức lương hưu đang hưởng tại thời điểm 15/10/2013.

 Ảnh minh họa

Trong tháng 10 này nhiều đối tượng sẽ được tăng phụ cấp.

Người công tác trong nghề dự trữ quốc gia đủ 60 tháng sẽ được trợ cấp

Theo Nghị định 94/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Dự trữ quốc gia, công chức, viên chức, có thời gian công tác tại cơ quan quản lý dự trữ quốc gia chuyên trách đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên; quân nhân, công an nhân dân có thời gian làm công tác dự trữ quốc gia đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính hưởng phụ cấp thâm niên.

Người làm công tác dự trữ quốc gia nêu trên có thời gian làm việc được tính hưởng phụ cấp thâm niên theo quy định đủ 5 năm (60 tháng) thì được hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có); từ năm thứ 6 trở đi cứ mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2013.

Nhiều khoản thu nhập được miễn thuế

Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chính thức có hiệu lực từ ngày 1.10 thì ngoài việc tăng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 4 triệu đồng lên 9 triệu đồng/tháng còn có quy định chuyển từ việc kê khai thuế theo tháng sang kê khai thuế theo quý.

Ngoài ra, Luật còn bổ sung tiền lương hưu nhận được hàng tháng từ quỹ hưu trí tự nguyện được miễn thuế, khoản học bổng nhận được từ tổ chức trong và ngoài nước bao gồm cả tiền sinh hoạt phí cũng được miễn thuế...

Theo Tổng cục Thuế, trước đây các khoản này đều bị tính vào thu nhập chịu thuế. Bởi vậy, với việc thay đổi này, người nộp thuế hoàn toàn có lợi hơn nhiều so với quy định cũ.

Lập Ban chỉ đạo Phòng, chống khủng bố ở 3 cấp

Luật Phòng, chống khủng bố gồm 8 chương, 51 điều, có hiệu lực thi hành từ 1/10/2013. Luật quy định nguyên tắc, chính sách, biện pháp, lực lượng phòng, chống khủng bố; hợp tác quốc tế và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống khủng bố.

Theo quy định của Luật, Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố được thành lập ở 3 cấp: Cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh. Thành viên của Ban Chỉ đạo Phòng, chống khủng bố các cấp làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.

Lực lượng phòng, chống khủng bố gồm các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng được giao thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố và các lực lượng khác được huy động tham gia chống khủng bố. Khi khủng bố xảy ra, nhiều lực lượng có thể được huy động để xử lý vụ việc, trong đó các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Công an nhân dân, Quân đội nhân dân là nòng cốt...

Không mặc áo phao phạt đến 200.000 đồng

Theo Nghị định Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa, từ 15/10 tới, khách đi đò không mặc áo phao sẽ bị phạt 200.000 đồng.

Cụ thể, Điều 55: Vi phạm của hành khách quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện.  

Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không mặc áo phao cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông.
 
Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi: Mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách; Gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.
 
Ngoài ra, hành khách khi vi phạm còn bị tịch thu hàng hóa đối với hành vi mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách.
 
Trước tình trạng thời gian qua xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng do chủ đò chở quá số người quy định, Điểm 6, Điều 54 của Nghị định quy định: Phạt tiền 50.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt từ 5% đến 20% số người được phép chở vi phạm hành chính đối với hành vi chở vượt quá sức chở người của phương tiện vận tải hành khách ngang sông, phương tiện vận tải hành khách theo hợp đồng.
 
Phạt tiền 70.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt trên 20% đến 50% số người được phép chở;
 
Phạt tiền 100.000 đồng trên mỗi người chở vượt quá số người được phép chở, nếu chở vượt trên 50% số người được phép chở...

Nhất Minh

Ý kiến bạn đọc