Áp thấp mới hình thành ngay sau khi bão tan

11:28, 01/10/2013
|

(VnMedia) - Siêu bão số 10 vừa quét qua các tỉnh miền Trung thì ngay sáng nay, một vùng áp thấp mới hình đã hình thành trên khu vực giữa Biển đông.
 
Theo Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương, vùng áp thấp này hồi 7h sáng nay (1/10) ở vào khoảng 12.5 – 13.5 độ vĩ Bắc, 111.5 – 112.5 độ kinh Đông nên khu vực Giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có mưa rào và dông. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy và gió giật mạnh.
 
Vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, khu vực Giữa và Nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa) có gió tây nam mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.
 
Theo Dự báo, từ ngày 1/10 đến ngày 3/10, các khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế trời sẽ nhiều mây, có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông.
 
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cũng cho biết, hiện lũ sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên đang lên. Mực nước sáng ngày 1/10, trên sông Tiền tại trạm Tân Châu: 4,21m (trên BĐ2: 0,21m), trên sông Hậu tại Châu Đốc: 3,49m (ở mức BĐ2); tại Long Xuyên: 2,20m (ở mức BĐ2); trên sông Vàm Cỏ Tây tại Mộc Hóa: 1.21m (ở mức BĐ1).
 
Dự báo lũ Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên tiếp tục lên. Đến ngày 6-7/10, vùng đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng đạt đỉnh lũ cao nhất năm. Đỉnh lũ trên sông Tiền tại Tân Châu ở mức 4,4m (xấp xỉ BĐ3); sông Hậu tại Châu Đốc ở mức 3,8m (dưới BĐ3: 0,2m); tại các trạm chính hạ nguồn sông Cửu Long, vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên lên mức BĐ3, có nơi trên BĐ3. Cần đề phòng ngập úng ở vùng đầu nguồn và các vùng trũng thấp ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên.

Nhận định thời tiết tháng 10, chuyên gia Khí tượng Thủy văn cho biết, trong tháng 10/2013 có khả năng sẽ xuất hiện 1-2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó ảnh hưởng đến Việt Nam khoảng 1 cơn.

“Thời kỳ này là thời kỳ chính của mùa mưa ở các tỉnh Trung Bộ, tuy lượng mưa dự báo có khả năng hụt so với trung bình nhiều năm nhưng vẫn có khả năng xảy ra các đợt mưa lớn trong thời đoạn ngắn, vì vậy cần đề phòng lũ lên nhanh trên các sông suối, lũ quét và sạt lở đất đá, đặc biệt tại các khu vực vùng núi nơi có địa hình dốc” – Chuyên gia cảnh báo.

Trong khi đó, lượng mưa ở Bắc Bộ được dự báo phổ biến ở mức xấp xỉ dưới so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, với lượng mưa thấp hơn từ 20% đến 50% so với trung bình nhiều năm.


Ảnh minh họa

Tháp ăng-ten cao 150m của Trạm phát sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam tại Đồng Hới bị gãy, đổ và đè chết hai nhân viên của trạm - ảnh: TTO


3 người chết, hàng chục người bị thương do bão

Theo Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, tổng hợp cho đến 6 giờ sáng nay tại các địa phương có bão đi qua cho thấy, đã có 3 người thiệt mạng và hơn 30 người bị thương, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị hư hại, tốc mái.
 
Cụ thể,  tại tỉnh Hà Tĩnh, tính đến 20h00 tối 30/9 đã có 3 người bị thương nhẹ, 1.369 nhà, 12 điểm trường, 2 trạm y tế, 2 nhà văn hóa bị tốc mái, 203 nhà bị ngập, 160m hàng rào bị đổ; Về nông, ngư nghiệp, có 250 ha lúa, 110 ha khoai lang, 123 ha rau màu, 707 ha muối bị ngập. Ngoài ra, có 14,25km kênh mương bị sạt lở, nhiều cây cối bị đổ và 2 thuyền gỗ tại xã Kỳ Lợ bị sóng đánh trôi.
 
Tại tỉnh Quảng Bình, tính đến 6 giờ sáng nay đã có 3 người chết là anh Lê Thanh Nghị sinh năm 1972; anh Nguyễn Chí Thành sinh năm 1973 (đều do cột ăng ten phát sóng ở thành phố Đồng Hới gãy đè lên) và anh Hồ Trung Thuần sinh năm 1973 (bị tường sập đè lên). Riêng tỉnh Quảng Bình cũng có 13 người bị thương do bão.
 
Về nhà cửa, toàn tỉnh Quảng Bình có 26 nhà bị sập và 89.998 nhà bị tốc mái, 3 trường học ở xã Trọng Hóa, Bệnh viện đa khoa bị tốc mái và Trường Trung tâm chính trị huyện bị sập 100m hàng rào. Tỉnh này cũng có một cột ănten phát sóng bị sập và nhiều cây cối, cột điện bị gãy đổ. Bão cũng làm 28 tàu thuyền bị chìm và hư hỏng tại bến, trong đó 16 tàu bị chìm và 12 tàu bị sóng đẩy lên bãi cát gây hư hỏng.
 
Tại tỉnh Quảng Trị, tính đến 6 sáng nay đã có 17 người bị thương, 11 nhà bị sập, 3.666 nhà bị tốc mái, nhiều lều, chòi, trại chăn nuôi bị hư hỏng; 30 điểm trường học với hơn 200 phòng bị tốc mái, hư hỏng; 3 điểm bệnh viện, trạm y tế bị tốc mái, hư hỏng và 20 trụ sở công cộng khác cũng bị tốc mái cùng hàng chục nghìn há nông, lâm, ngư nghiệp bị thiệt hại.
 
Ngoài ra, công trình cầu máng Như Lệ ở thị xã Quảng Trị bị cũng bị bão làm hư hỏng; 1,2 km đê kè Gio Việt bị sạt lở; 35 cột điện cao thế, 74 cột hạ thế bị nghiêng, đổ; đường dây cao thế, hạ thế bị đứt hơn 100 vị trí.
 
Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, tính đến 16 giờ chiều qua, có 2 người bị thương, 6 căn nhà bị sập, 368 nhà bị tốc mái. Đặc biệt, tại tỉnh này, bão đã làm sạt lở 24,1km bờ sông và hơn 5km bờ biển và 20,5 km đê…


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc