5 người chết, 20 người bị thương vì bão số 11

15:30, 15/10/2013
|

(VnMedia) - Thống kê nhanh cho thấy, bão số 11 đã làm 5 người chết (3 người ở Quảng Nam, 2 người ở Huế). Bão số 11 cũng làm 20 người bị thương, trong đó 12 người ở Đà Nẵng và 8 người ở Quảng Trị.


Ảnh minh họa

Bão hoành hành ở Đà Nẵng suốt đêm qua và sáng nay đã gây thiệt hại nặng nề


Được biết, 2 người chết ở Huế là 2 em nhỏ đi câu cá bị sóng lớn ập vào cuốn trôi ra biển. 12 người ở Đà Nẵng bị thương trong lúc chằng chống nhà cửa chống bão.
 
Tại Đà Nẵng, rất nhiều cây xanh bị bão quật đổ. Đường Nguyễn Văn Linh, một trong những con đường đẹp nhất thành phố Đà Nẵng đã trở nên tan hoang sau bão. Tại công viên 29/3, bão cũng làm những cây cổ thụ bị quật ngã, bật gốc. Hàng trăm ngôi nhà bị sập hoặc  tốc mái. Tòa nhà Trung tâm hành chính Đà Nẵng bị vỡ nhiều kính.

Đài truyền hình Đà Nẵng cũng bị ảnh hưởng nhiều, tầng 5-6-7-8 bị gió giật tung các cánh cửa.

Thông tin mới nhất cho biết, tại Quảng Trị, gió giật từ cấp 9-10 cùng với mưa lớn đã làm 8 người bị thương, nhiều căn nhà bị sập và tốc mái, cây cối gãy đổ ngổn ngang, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng mất điện. 8 người bị thương được xác định ở các huyện: Vĩnh Linh 1 người, Gio Linh 2 người, 4 người ở Triệu Phong và 1 người ở Hướng Hoá.

Tại huyện đảo Cồn Cỏ, mưa bão đã làm nhiều cột điện gãy đổ, đường dây hư hỏng gây mất điện. Nhiều trụ sở cơ quan, trường học và nhà dân vừa chịu thiệt hại nặng nề sau cơn bão số 10 chưa kịp sửa chữa hoặc vừa mới tu bổ lại cũng bị bão số 11 làm tốc mái, hư hại nặng. Hiện mưa lớn cùng với các dải xoắn mây gió bão tại Khe Sanh (Hướng Hoá) giật trên cấp 10 có thể gây nguy hiểm đến tài sản và tính mạng của người dân cũng như an toàn hồ đập.

Vào lúc 7 giờ và 9h12 phút sáng nay, 2 đoàn tàu đã phải dừng lại ở ga Huế để tránh bão. Lúc 11 giờ trưa nay, tàu đã thông tuyến trở lại.
 
Từ hôm qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát đã “nằm vùng” tại Đà Nẵng để chỉ đạo công tác phòng chống và khắc phục hậu quả của cơn bão. Ngoài việc yêu cầu khẩn trương khắc phục hậu quả, giúp dân ổn định đời sống, Bộ trưởng Cao Đức phát lo ngại nhất là mưa sau bão gây ngập lụt. “Tôi lo ngại nhất là mưa sau bão bởi từ trước tới nay, người chết vì mưa lũ sau bão bao giờ cũng nhiều hơn là trong bão” – Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.

Tin cuối cùng về cơn bão số 11

Trung tâm Khí tượng Thủy văn Trung ương vừa phát đi tin cuối cùng về cơn bão số 11. Do ảnh hưởng của bão số 11, ở Nam vịnh Bắc Bộ và vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định đã có gió giật mạnh cấp 6 – 11, vùng gần tâm bão đi qua gió giật mạnh cấp 12 – 14.

Ở các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6 – 9; các tỉnh từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió giật mạnh cấp 10 – 12. Ở các tỉnh Trung Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa tính đến 13 giờ chiều nay (15/10) khoảng 150 – 300mm, một số nơi có lượng lớn hơn như đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) 424mm, Nam Đông (Huế) 492mm; Bạch Mã (Huế) 659mm; Tam Kỳ (Quảng Nam) 437mm.

Hồi 13 giờ (15/10), vị trí tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 106,7 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão giảm xuống còn cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 9.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được khoảng 15km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó áp thấp nhiệt đới tiếp tục suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 13 giờ ngày 16/10, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 103,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Thái Lan. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, kết hợp với không khí lạnh, ở Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh. Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to có nơi mưa rất to.

Gió mạnh trên vịnh Bắc Bộ còn duy trì; diễn biến mưa sau bão còn phức tạp, cần chú ý theo dõi các bản tin dự báo thời tiết và thời tiết nguy hiểm trên biển.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc