6 tháng đầu năm: Phát hiện hơn 500 văn bản vi phạm pháp luật

15:56, 26/07/2013
|

(VnMedia) - Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, Bộ Tư pháp qua kiểm tra đã phát hiện gần 4.000 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp, trong đó có 528 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật…

 

Tại cuộc họp báo Quý II/2013 của Bộ Tư pháp được tổ chức sáng 26/7, ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương (bao gồm cả cấp tỉnh và cấp huyện) đã kiểm tra 251.900 văn bản, phát hiện 9.960 văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp theo quy định. Đặc biệt, trong số đó có 528 văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu vi phạm pháp luật về nội dung và thẩm quyền.

 

Tuy nhiên, theo ông Dũng, tình hình xử lý văn bản có dấu hiệu chưa đảm bảo tính hợp pháp đã có chuyển biến, một số cơ quan ban hành văn bản đã chủ độngphối hợp xử lý kịp thời, nhất là những quy định gây bức xúc trong xã hội như quy định xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chất lượng; quy định không được phát tán thông tin cho người khá dưới bất kỳ hình thức nào trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2013, quy định đối tượng ưu tiên tuyển sinh đại học…

 

Liên quan đến việc thi hành án, ông Hoàng Sĩ Thành, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án thừa nhận, có nơi, có lúc, có người chưa làm hết trách nhiệm. Tuy nhiên, ngành thi hành án mỗi năm thụ lý suýt soát 700.000 ngàn vụ việc, với 60-70.000 tỷ đồng. “Cả ngành đang gồng mình vì số vụ tăng ngày càng nhiều (10%), số tiền tăng đến 51% so với năm 2011. Riêng thành phố Hồ Chí Minh tăng 20% vụ việc và 100% số tiền. Đặc biệt số tài sản kê biên chủ yếu là bất động sản đã mang ra bán đấu giá nhiều lần nhưng không bán được” - ông Thành cho biết.


 Ảnh minh họa

 Ông Hoàng Sĩ Thành, quyền Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án

 

Vụ Vinashin: Hơn 1 nghìn tỷ khó thu hồi

 

Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc chậm trễ trong thi hành án vụ Vinashin, Quyền Tổng Cục trưởng Nguyễn Sĩ Thành cho biết, đây là một việc hết sức khó khăn.

 

“Đây là vụ án lớn, phức tạp, được đông đảo người dân quan tâm. Giá trị thi hành án của vụ này cũng rất lớn, lên đến 1200 tỷ bao gồm án phí hình sự, án phí dân sự, tiền phạt và án theo đơn yêu cầu. Ngay sau khi tòa xét xử xong, Bộ Tư pháp đã chỉ đạo Cục thi hành án Hải Phòng tích cực thực hiện. Tuy nhiên, trong vụ này có rất nhiều khó khăn” - ông Thành nói.

 

Ông Thành cũng cho biết, Bộ đã họp với các bộ ngành liên quan tìm biện pháp giải quyết. Trên cơ sở đó, Bộ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức thi hành án vụ này với những khó khăn trong quá trình thi hành án. Tổng cục Thi hành án dân sự cũng đã thành lập tổ công tác để thường xuyên theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo, nắm tình hình và báo cáo hàng tháng về tiến độ.

 

“Tuy nhiên, kết quả đến nay không được bao nhiêu” - ông Thành nói.

 

Theo ông Thành, có 3 lý do chính, đó là khi tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử đã không áp dụng biện pháp bảo đảm trong việc thi hành án dân sự đối với người thi hành khi tổ chức thi hành án. “Cả 1.200 tỷ nhưng không có bất cứ một biện pháp gì. Tôi không bình luận gì vì nó thuộc thẩm quyền của tòa án” - ông Thành nhấn mạnh. Vì vậy, đến khi thihành án thì không có chút tài sản nào.

 

Hơn nữa, đối với số tiền 1.100 tỷ đồng án theo đơn yêu cầu, muốn thi hành án thì phải có đơn của các doanh nghiệp trong án. Tuy nhiên, dù Bộ Giao thông Vận tải đã có chỉ đạo nhưng do các doanh nghiệp được thi hành án hầu hết là các công ty con của công ty mẹ là tập đoàn Vinashin và họ không có đơn yêu cầu nên không thể thi hành án. Ông Thành cho biết, đến nay, chỉ duy nhất có doanh nghiệp Nam Triệu có đơn yêu cầu.

 

Ngoài ra, khi đi xác minh tài sản của 9 cá nhân phải thi hành án thì cho thấy tài sản có rất ít và hầu hết đã thế chấp ngân hàng.

 

“Lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Hà Hùng Cường có thái độ rất nghiêm túc và kiên quyết chỉ đạo, những tài sản nào qua xác minh có được thì kê biên ngay. Sắp tới, chúng tôi chắc chắn sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo” - ông Thành nói.

 

Kỷ luật một Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án

 

Liên quan đến vụ việc cụ bà Nguyễn Thị Bương tự thiêu trước cổng tòa án, ông Hoàng Sĩ Thành cho biết, cơ quan điều tra tỉnh Phú Yên và cơ quan huyện Đông Hòa đã họp và kết luận không có cơ sở để khởi tố hình sự về cái chết của cụ Bương, khẳng định theo báo cáo của thi hành án địa phương của Phú Yên là việc tự thiêu của cụ Bương cũng không liên quan gì đến việc thi hành án hình sự.

 

Cũng liên quan đến vụ việc cụ Bương tự thiêu, ông Thành cho biết, sẽ xử lý kỷ luật đối với ông Nguyễn Kim Đồng, Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Hòa do đã có hành vi chơi game trong giờ làm việc. Trước đó, báo Người lao động đã cho đăng hình ảnh ông Đồng chơi game trong lúc từ chối tiếp phóng viên vì “mệt”. “Đây là một hành động gây phản cảm trong dư luận. Đơn vị đã tổ chức kiểm điểm, xử lý nghiêm hành vi sử dụng phương tiện của nhà nước để chơi điện tử trong giờ làm việc. Bản thân đồng chí Đồng đã tự nhận thấy thiếu sót của mình và tự nhận hình thức kỷ luật là khiển trách. Tuần sau Hội đồng kỷ luật sẽ họp và kỷ luật khiển trách đối với đồng chí này” - ông Thành cho biết.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc