“Hoạch định chính sách quá coi trọng xử phạt"

15:37, 30/05/2013
|

(VnMedia) - “Việc xây dựng chính sách đã làm cho người dân có cảm giác dường như chúng ta đang thiên về xử phạt hơn, trong khi đây là biện pháp cuối cùng để chính sách đi vào cuộc sống” - Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đánh giá.

 

Sáng nay (30/5), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về báo cáo Kinh tế - xã hội của Chính phủ. Đại biểu Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) đã có những phân tích sâu sắc về chất lượng xây dựng các Nghị định và thông tư.


 Ảnh minh họa

 Đại biểu tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga

 

Theo đại biểu Lê Thị Nga, thời gian qua, bên cạnh những văn bản chất lượng thì việc xây dựng các văn bản của Chính phủ còn có những hạn chế, trong đó khá nhiều Bộ, Ngành còn đề xuất những quy định xa rời thực tế, thiếu tính khả thi, cá biệt còn trái luật.

"Thực trạng này gây bức xúc trong dư luận và làm mất lòng tin của dân, mất uy tín nhà nước, giảm hiệu quả quản lý. Do không khả thi nên nhiều quy định có cũng như không, tạo nên tình trạng nhờn pháp luật của cả người dân và cán bộ thực thi" - đại biểu Lê Thị Nga nhấn mạnh.

 

Theo phân tích của đại biểu tỉnh Thái Nguyên, nhiều quy định bất hợp lý dù mới chỉ là dự thảo nhưng cũng đã gây xáo trộn đời sống tâm lý của người dân, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống sản xuất và kinh doanh, mặt khác còn gây lãng phí về tiền của và thời gian của nhà nước, của nhân dân. Lý do được đại biểu Nga đưa ra là vì doanh nghiệp và người dân thường đón đầu những động thái, những xu hướng thay đổi từ chính sách rất sớm để điều chỉnh tiêu dùng, định hướng sản xuất kinh doanh.

 

Hoan nghênh thái độ cầu thị của một số cơ quan, người có thẩm quyền sau khi lắng nghe phản hồi của cử tri đã kịp thời loại bỏ hoặc đình chỉ những quy định bất hợp lý, tuy nhiên, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, từ góc độ vĩ mô, vấn đề này cần được phân tích nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Đại biểu tỉnh Thái Nguyên đã đưa ra 8 nguyên nhân dẫn đến tình trạng chất lượng xây dựng các Nghị định và Thông tư còn thấp.

Việc xử phạt được... ưu tiên

Nguyên nhân thứ nhất, theo đại biểu Lê Thị Nga, đó là các quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật không được chấp hành nghiêm, không được tổng kết thực tiễn, đánh giá thực trạng, đánh giá tác động. Việc lấy ý kiến người dân được cơ quan soạn thảo thực hiện một cách hình thức chiếu lệ...

"Chất lượng công tác thẩm định của ngành Tư pháp và các bộ ngành theo thẩm quyền chưa thật tốt, giữ vai trò gác cổng nhưng đã để lọt lưới khá nhiều văn bản không đảm bảo, thẩm quyền của Bộ Tư pháp, Cục kiểm tra văn bản còn hạn hẹp, dẫn đến hiệu quả chưa cao" - đại biểu tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

 

Đặc biệt, theo đại biểu Lê Thị Nga, là thứ tự ưu tiên trong việc xây dựng các văn bản chính sách chưa hợp lý. "Việc quy định chế tài xử phạt là cần thiết, nhưng cách xây dựng chính sách của chúng ta đã làm cho người dân có cảm giác dường như chúng ta đang thiên về xử phạt hơn, trong khi đây là biện pháp cuối cùng để chính sách đi vào cuộc sống, đặc biệt là chỉ nên áp dụng sau khi nhà nước đã đảm bảo đủ các điều kiện cho người dân tự giác chấp hành" - đại biểu Nga nói.

 

Đại biểu Lê Thị Nga dẫn chứng một Nghị định mới ký năm 2012, trong khi chưa quy định việc dân phải làm gì thì đã đưa ra mức phạt cụ thể nếu không chấp hành. Không những thế, quy định này còn kèm theo giả định, nếu sau này pháp luật có quy định đó. "Như vậy, chúng ta đã đi ngược lại với nguyên lý chung bởi chế tài xử phạt sinh ra là để nhằm cho quy định được thực hiện nên không thể đưa ra chế tài trước khi có quy định" - đại biểu tỉnh Thái Nguyên nói..

 

Nguyên nhân thứ ba được đại biểu Lê Thị Nga đưa ra, đó là việc xây dựng văn bản pháp luật chưa đảm bảo tính công bằng và nghiêm minh.

Đại biểu Nga lấy ví dụ cụ thể về quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. "Chế tài xử phạt nặng nếu không đội mũ bảo hiểm đã biến mũ bảo hiểm trở thành mặt hàng thiết yếu của người đi xe máy, nhưng trong suốt 6 năm thực thi, các cơ quan có trách nhiệm đã buông lỏng quản lý chất lượng và quản lý thị trường ngay từ khâu nhập khẩu, sản xuất kinh doanh" - đại biểu Nga nhận định.

Nói về tình trạng thực tế khi Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia vào cuộc mới phát hiện ra số mũ không đảm bảo chất lượng tới 70% lưu hành phổ biến cho thấy chủ trương đội mũ bảo hiểm chưa thành công tới 2/3, đại biểu Lê Thị Nga cho rằng, có lỗi của khâu hoạch định chính sách khi quá coi trọng xử phạt trước khi cung ứng đủ mũ có chất lượng cho dân.

Thay xử lý cá nhân bằng... phạt dân

Ngoài nguyên nhân do khâu hoạch đinh chính sách, đại biểu tỉnh Thái Nguyên cũng cho rằng, trong khâu tổ chức thực hiện có trách nhiệm không nhỏ của cơ quan quản lý thị trường, cơ quan quản lý tiêu chuẩn chất lượng. "Nhưng thay vì xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm thì một số Bộ lại đề xuất giải pháp là phạt người tiêu dùng khi họ đang tham gia giao thông. Một giải pháp vừa thiếu nghiêm khắc với cán bộ thực thi công vụ, thiếu công bằng giữa người sản xuất kinh doanh với người tiêu dùng và đặc biệt là thiếu khả thi vì chúng ta không thể chặn hàng chục triệu người đi xe máy để kiểm tra và xử phạt.
Vậy mà một lãnh đạo của Cục quản lý thị trường lại còn hăng hái xung phong để lực lượng này ra đứng đường cùng cảnh sát giao thông để xử phạt" - đại biểu Nga bức xúc nói.

 Ảnh minh họa

Thay vì xử lý nghiêm các cá nhân có trách nhiệm thì một số Bộ lại đề xuất giải pháp là phạt người tiêu dùng - ảnh minh họa


Đại biểu Lê Thị Nga cho biết, cử tri đặt câu hỏi: "Khi thì buông lỏng quản lý, bỏ mặc cho mũ dởm hoành hành, khi thì thắt chặt quản lý đột ngột và đề xuất xử phạt người tiêu dùng. Nếu đề xuất này được chấp nhận thì tất yếu tạo ra một cơn sốt mũ chuẩn, ai bị thiệt hại, ai bị hưởng lợi đằng sau cách làm chính sách như vậy? Số đông người dân đều mong muốn mua được mũ tốt để bảo vệ sức khỏe, việc hàng ngàn tỉ đồng của dân bỏ ra để mua phải 70% mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng để lưu hành 37 triệu xe máy thuộc trách nhệm quản lý của ai, không lẽ chỉ là lỗi của dân?".

Vì sao trì hoãn sửa đổi Nghị định về xăng dầu?

Phân tích về tiến độ ban hành quá chậm các văn bản hướng dẫn luật, không theo kịp yêu cầu cuộc sống, đại biểu Lê Thị Nga cho biết, cử tri rất bức xúc vì tình trạng Luật chờ Nghị định, Nghị định chờ Thông tư làm cho nhiều quy định của Quốc hội không đi vào cuộc sống, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân. Đại biểu này đề nghị Chính phủ cần xác định rõ trách nhiệm của cá nhân để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản hướng dẫn Luật.

 

"Về việc chậm sửa đổi các Nghị định, các văn bản bất hợp lý thì Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu là một minh chứng. Với tầm quan trọng của mặt hàng thiết yếu này, những bức xúc của người dân, của doanh nghiệp và quản lý nhà nước đã nhiều lần được nêu lên trước Quốc hội, cùng với đó là quyết tâm của Chinh phủ về sửa đổi Nghị định, sửa đổi quỹ bình ổn giá, tuy nhiên, đã gần nửa nhiệm kỳ Quốc hội trôi qua với nhiều lần kiến nghị của Cử tri mà Nghị định này vẫn chưa được sửa đổi. Đại biểu Nga đề nghị Chính phủ trả lời Quốc hội về lý do của sự trì hoãn việc sửa đổi Nghị định này.

 

Đối với công tác phối hợp giữa các Bộ, đại biểu Lê Thị Nga dẫn chứng, thời gian qua xảy ra những cuộc tranh luận gay gắt trái chiều giữa các Bộ, một mặt cho thấy không khí dân chủ và bản lĩnh của một số lãnh đạo Bộ khi cương quyết bảo vệ quan điểm trái chiều nhằm tạo thuận lợi cho dân, nhưng đồng thời cũng thể hiện sự hạn chế do quá khác biệt giữa các cơ quan của Chính phủ trong việc đưa ra chính sách cùng vì mục tiêu chung là hướng tới một bộ máy hành chính phục vụ dân. 
 

Về việc thẩm định thông tư và thông tư liên tịch, đại biểu Lê Thị nga nhấn mạnh, đây đều là văn bản quy phạm có tác động lớn đến quyền lợi của người dân nhưng theo luật thì trách nhiệm thẩm định lại giao cho pháp chế của chính bộ ngành soạn thảo mà không phải là Bộ Tư pháp, do đó đã tạo nên tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi, không loại trừ lợi ích cục bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý của mình, đẩy khó khăn cho người dân hoặc cho Bộ khác.

 

Về cán bộ, đại biểu tỉnh Thái Nguyên đánh giá, một số công chức chịu trách nhiệm tham mưu soạn thảo, thẩm định có dấu hiệu quan liêu, năng lực hạn chế, trách nhiệm kỷ luật hoặc trách nhiệm bồi thường do sai phạm không nghiêm. "Nhưng hàng chục năm nay không thấy một cán bộ lãnh đạo nào, một công chức nào bị giáng chức, buộc thôi việc hoặc bồi thường do lỗi đề xuất, thẩm định, ban hành văn bản sai trái" - bà Nga thắc mắc.

 

Không chỉ phân tích những nguyên nhân đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, đại biểu Lê Thị Nga cũng thừa nhận, công tác giám sát của Quốc hội về ban hành văn bản cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Theo đó, từ 2006 đến nay vẫn chưa có một cuộc giám sát tối cao riêng về chuyên đề này, trong khi đó, các cơ quan của Quốc hội phản ứng khá chậm về các văn bản quy phạm, ít theo dõi được quá trình banhành Nghị định hướng dẫn luật.

 

Với những phân tích sâu sắc về các nguyên nhân nói trên, đại biểu tỉnh Thái Nguyên Lê Thị Nga đề xuất 3 giải pháp, đó là: Các cơ quan chức năng khắc phục sớm 8 nguyên nhân nói trên; Quốc sớm tiến hành một cuộc giám sát tối cao về chấp hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Chính phủ cần xây dựng cơ chế thẩm định thông tư khách quan hơn, tiến tới bổ sung vào Luật Ban hành văn bản và tăng thẩm quyền cho cơ quan thẩm tra văn bản sau khi văn bản được ban hành.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc