Không được từ chối việc tiếp công dân

18:56, 29/05/2013
|

(VnMedia) - Hội đồng thẩm định Dự thảo Luật Tiếp công dân đề nghị, nếu công dân đến để tiếp tục khiếu nại, tố cáo các trường hợp đã có kết luận thì cán bộ tiếp phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn mà không được từ chối việc tiếp công dân...

Sáng nay (29/5), Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật tiếp công dân.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác tiếp công dân trong giai đoạn hiện nay, Luật Tiếp công dân được coi là đạo luật điều chỉnh đầy đủ nhất về hoạt động tiếp công dân. Theo đó, dự thảo Luật quy định về việc tổ chức, hoạt động tiếp công dân của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại Trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người tiếp công dân; quản lý công tác tiếp công dân; điều kiện bảo đảm hoạt động tiếp công dân.

 Ảnh minh họa

 Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày trước Quốc hội Tờ trình dự án Luật tiếp công dân


Nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Liên quan đến trách nhiệm của người đứng đầu quy định trong Dự thảo Luật, theo thuyết minh của Thanh tra Chính phủ, trên thực tế, ở một số nơi, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm đến công tác tiếp công dân, chưa nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tiếp công dân theo quy định. Để nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác này, Chương II của dự thảo Luật đã quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác tiếp công dân.

Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tiếp công dân, cụ thể là: ban hành nội quy, quy chế tiếp công dân; bố trí Trụ sở tiếp công dân, nơi tiếp công dân tại địa điểm thuận lợi cho việc tiếp công dân; bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ việc tiếp công dân; bố trí đủ người để làm công tác tiếp công dân; chỉ đạo các cơ quan, tổ chức, đơn vị, công chức thuộc quyền quản lý của mình kịp thời xem xét, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền.

Người đứng đầu cũng có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan tiếp công dân và xử lý vụ việc nhiều người cùng khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về một nội dung; kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có trách nhiệm thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định của pháp luật trong việc tiếp công dân; báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân với cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền; có trách nhiệm bảo đảm an toàn, trật tự cho hoạt động tiếp công dân, bảo vệ công dân và người tiếp công dân.

Bên cạnh trách nhiệm chung trong công tác tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cũng có trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân định kỳ hoặc đột xuất; có kế hoạch đi thực tế, tiếp xúc với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, giải trình về những ý kiến, thắc mắc của nhân dân thuộc phạm vi trách nhiệm lãnh đạo, quản lý của mình (Điều 10). Dự thảo luật cũng quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp tiếp công dân định kỳ của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác (Điều 11).

Phát biểu tại Hội trường sáng nay, thay mặt Hội đồng thẩm định, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho biết, Hội đồng thẩm định nhất trí với quan điểm cần xác định trách nhiệm tiếp công dân của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, tuy nhiên, để bảo đảm đổi mới, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả của các cuộc tiếp công dân của người đứng đầu, Hội đồng thẩm định đề nghị cần quy định cụ thể các hình thức tổ chức tiếp công dân của người đứng đầu, như thực hiện kế hoạch tổ chức tiếp công dân tại cơ sở để nắm bắt thực tiễn, có kế hoạch và lịch tiếp công dân định kỳ theo tuần, theo tháng; sẵn sàng đối thoại với nhân dân khi có yêu cầu.


 Ảnh minh họa

  Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày báo cáo thẩm tra Dự thảo Luật Tiếp công dân


Phải tổ chức tiếp công dân khi công dân có yêu cầu

Đối vói các hành bi bị nghiêm cấm, Hội đồng thẩm định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cùng với các hành vi bị nghiêm cấm, cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung thêm các quy định về điều kiện của công dân khi đến địa điểm, trụ sở tiếp công dân của cơ quan nhà nước nhằm bảo đảm hoạt động tiếp công dân được diễn ra thuận lợi, trật tự, an toàn, văn minh, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước cũng như ảnh hưởng đến quyền của công dân khác, như bổ sung các đối tượng không thuộc diện tiếp (trẻ em, người bị mắc các bệnh tâm thần...), văn hoá giao tiếp, ứng xử, trang phục của công dân... khi đến nơi tiếp.
 
Dự thảo Luật quy định cán bộ tiếp công dân có quyền từ chối tiếp những trường hợp đã có kết luận, quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm định cho rằng quy định này chỉ phù hợp với hoạt động giải quyết khiếu nại, tố cáo, còn với hoạt động tiếp công dân, thì cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước là phải tổ chức việc tiếp công dân khi công dân có yêu cầu.

Trong trường hợp công dân đến để tiếp tục khiếu nại, tố cáo các trường hợp đã có kết luận, quyết định có hiệu lực pháp luật thì cán bộ tiếp phải có trách nhiệm giải thích, hướng dẫn cho công dân hiểu về quyền khiếu nại, tố cáo của mình mà không được từ chối việc tiếp công dân.

Những hành vi nghiêm cấm trong Dự thảo Luật Tiếp công dân

Đối với người tiếp công dân, người phụ trách Trụ sở tiếp công dân, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị:
a) Thiếu trách nhiệm trong việc tiếp công dân;
b) Gây phiền hà, sách nhiễu hoặc cản trở người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;
c) Vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân; phân biệt về giới trong khi tiếp công dân;
d) Làm sai lệch các thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp;
đ) Vi phạm các quy định khác của pháp luật về việc tiếp công dân.
2. Đối với người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh
a) Lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh để gây rối trật tự công cộng;
b) Xuyên tạc, vu khống, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân;
c) Đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ;
d) Kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc người khác tập trung đông người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, gây rối an ninh, trật tự công cộng;
đ) Vi phạm nội quy, quy chế tiếp công dân;
e) Vi phạm các quy định khác của pháp luật về tiếp công dân.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc