Bí ẩn nguyên nhân mẹ hiền giết hại con đẻ

06:36, 20/05/2013
|

(VnMedia) - Họ, những người phụ nữ giàu tình cảm và vốn là những người mẹ rất yêu con. Thế nhưng, trong lúc quẫn trí, họ đã sẵn sàng ra tay giết chết những đứa con đẻ của chính mình. Họ là những người như thế nào và vì sao lại hành động dã man như vậy?

 Ảnh minh họa

Bà mẹ trẻ này trong lúc giận chồng đã cho thuốc chuột vào sữa để giết chết đứa con 4 tháng tuổi


Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Ngọc Giàu, Trưởng bộ phận chuyên môn, Trung tâm Đào tạo và ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt đã trao đổi với VnMedia về vấn đề này.

- Thời gian qua, có khá nhiều người phụ nữ trong lúc quẫn trí đã phạm tội giết con mà nguyên nhân hầu hết là vì những khúc mắc với người chồng. Thạc sĩ có nhận xét gì về hiện tượng này?

Chúng ta dễ dàng nhận thấy điểm tương đồng của những sự việc trên chính là trình độ học vấn và môi trường sống của người phụ nữ. Mặc dù nguyên nhân tâm lý sâu xa cần phải được phân tích thêm nhưng 2 yếu tố trên khiến cho nhận thức của người phụ nữ không được mở rộng để nhìn thấy nhiều sự lựa chọn khác tích cực hơn. Tâm lý bị dồn nén, không tìm được sự trợ giúp và bế tắc trong giải pháp, cuối cùng, người phụ nữ chọn cách tổn hại chính mình và tổn hại cả đứa con mà mình sinh ra.

- Thạc sĩ có cho rằng sở dĩ có hậu quả nghiêm trọng như vậy là do những người phụ nữ đó đã quá coi trọng việc giữ gìn cuộc hôn nhân dù không hạnh phúc và cuối cùng thì chọn giải pháp tiêu cực?

Hạnh phúc gia đình luôn là mục đích sống và mang lại ý nghĩa cho con người trong cuộc đời không chỉ riêng người phụ nữ. Cho nên, việc xem trọng hạnh phúc gia đình, quan hệ hôn nhân quan trọng hơn những yếu tố khác không phải là một quan điểm sai. Tuy nhiên, cách thức để có và bảo vệ hạnh phúc gia đình ở mỗi người mỗi khác. Người trưởng thành về tâm lý luôn tự chủ, ý thức về giới hạn và tìm kiếm sự giúp đỡ khi khó khăn ngoài tầm với.

>> Khủng khiếp những người mẹ hại con vì người tình


Nhưng với người tâm lý thiếu trưởng thành thì ngược lại. Chính vì vậy, khi xảy ra những mâu thuẫn trong hôn nhân, thay vì phải tự chủ để phân tích khách quan và tìm ra giải pháp tích cực giải quyết vấn đề, người thiếu trưởng thành tâm lý chìm ngập trong cảm xúc, sự lo lắng và những suy nghĩ tiêu cực. Khi họ không có đối tượng để trút giận thì họ sẽ trút lên chính bản thân mình. Những đứa con sẽ rơi vào tình huống không được yêu thương, bị trút giận vô cớ từ người mẹ. Đỉnh điểm, trạng thái tâm lý tiêu cực kéo dài sẽ có nguy cơ biến thành những vấn đề tâm lý nặng hơn và việc mẹ tự tử mang theo con hoặc giết con đều xuất phát từ vấn đề tâm lý nặng này.

- Cũng có quan điểm cho rằng phụ nữ Việt Nam quá phụ thuộc vào đàn ông, trong đó không chỉ phụ thuộc về mặt vật chất mà còn về tinh thần. Họ cố tình bám víu, níu giữ người chồng mặc dù người đó có đối xử tàn tệ với họ bao nhiêu đi chăng nữa?

Một cách tự động thì khi yêu một ai đó thật lòng, con người sẽ có khuynh hướng muốn mình và người đó là một. Trong xã hội truyền thống, người phụ nữ không được khuyến khích ra bên ngoài mà chỉ ở nhà chăm sóc gia đình và con cái. Họ mất đi cơ hội được mở rộng tầm nhìn. Điều đó lại càng củng cố sự lệ thuộc của họ.

Tuy nhiên, như phân tích ở trên, một người có sự trưởng thành về tâm lý thì dù xem trọng chồng nhưng họ luôn tự chủ và ý thức về giới hạn để mọi việc không trở nên quá tồi tệ. Họ sẽ biết cách làm sao để dung hoà mâu thuẫn, họ phân biệt rõ giữa chịu đựng và chấp nhận. Họ biết phải tìm kiếm giải pháp ở đâu nếu bản thân không đủ sức để giải quyết. Cho nên, dù là ở xã hội truyền thống hay hiện đại, nếu tâm lý người phụ nữ trưởng thành, ổn định, tự chủ, họ sẽ không có những hành vi tổn hại chính mình và con cái của họ.

- Nhiều người tuy sống không hạnh phúc nhưng rất sợ sự kỳ thị của xã hội đối với phụ nữ ly hôn. Theo Thạc sĩ, tỷ lệ ly hôn cao có phải là một biểu  hiện của nền tảng gia đình lung lay, hay nó chính là một điểm tiến bộ về giải phóng phụ nữ?

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ có cơ hội khẳng định bản thân trong công việc, được học hành và giao lưu với thế giới bên ngoài. Chính vì vậy,  nhận thức của họ về hôn nhân, về hạnh phúc gia đình có nhiều thay đổi hơn so với trước đây. Một điều đặc biệt là họ ý thức mình có nhiều sự lựa chọn chứ không hẳn chỉ có một lựa chọn duy nhất.

Nếu cuộc hôn nhân của họ không hạnh phúc, bản thân người phụ nữ nhận thức rất rõ dư luận của xã hội vẫn chưa thực sự đồng thuận với người phụ nữ đã từng ly hôn cũng như được - mất sau khi ly hôn. Cho nên, nếu quyết định ly hôn được đưa ra sau những nỗ lực tìm kiếm giải pháp dung hoà nhưng không thành công thì cũng cần có cách nhìn khác về quyết định ly hôn ở người phụ nữ.

- Đối với việc sửa đổi Luật Hôn nhần và gia đình, theo Thạc sĩ, cần phải sửa đổi điều gì để bảo vệ phụ nữ, đặc biệt là những đứa trẻ khỏi bạo lực gia đình và cũng là đề phòng phát sinh những hậu quả nghiêm trọng như những vụ việc từng xảy ra?

Tôi tin là những người nghiên cứu về Luật sẽ có những bổ sung xác đáng. Bản thân tôi đặt kỳ vọng luật pháp sẽ thực sự nghiêm minh, công bằng và giám sát nghiêm túc quá trình thực thi. Bên cạnh đó xử phạt cần có sự kết hợp với biện pháp giáo dục người vi phạm một cách hiệu quả và chọn lựa cách thức truyền thông đến tất cả mọi người đặc biệt những người có trình độ học vấn thấp, khu vực nông thôn vì đây là nơi phát sinh nhiều những vụ việc đau lòng mà truyền thông đã đưa tin.

- Xin cảm ơn Thạc sĩ!


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc