Dự thảo Đề án Tổng thể đơn giản hoá thủ tục hành chính: Mỗi công dân được cấp một "số định danh"

09:40, 19/03/2013
|

(VnMedia) - Theo Dự thảo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân... vừa được Bộ Tư pháp đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, mỗi người sẽ được cấp một số định danh cá nhân gồm một dãy 12 chữ số

Quá nhiều giấy tờ, quá nhiều bất cập

Để quản lý một công dân, hIện có rất nhiều loại giấy tờ, do nhiều các cơ quan nhà nước khác nhau quản lý.

 

Theo đó, Bộ Tư pháp quản lý 3 loại giấy tờ gồm: Giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử.

 

Bộ Công an quản lý 3 loại giấy tờ gồm: Sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân và hộ chiếu phổ thông. Hộ chiếu công vụ và Hộ chiếu ngoại giao do Bộ Công an và Bộ Ngoại giao cùng quản lý, trong đó Bộ Ngoại giao là cơ quan trực tiếp cấp Hộ chiếu, Bộ Công an là cơ quan quản lý số và cung cấp sổ hộ chiếu để Bộ Ngoại giao thực hiện việc cấp.

 

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải quản lý giấy phép lái xe; Bảo hiểm xã hội quản lý Sổ bảo hiểm xã hội và Thẻ bảo hiểm y tế và Thẻ mã số thuế do Bộ Tài chính quản lý.

 

Với đặc thù là giấy tờ phục vụ cho công dân, gắn với các giấy tờ là các thông tin cơ bản của công dân nên mặc dù được các bộ, ngành cấp nhưng trên các giấy tờ công dân đều có ba thông tin chính: họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, ngoài ra, các thông tin khác như: nơi sinh, quê quán, nơi cư trú, quốc tịch, dân tộc... trùng lặp trên rất nhiều giấy tờ công dân.

 

Cùng với các giấy tờ công dân là số hoặc mã số để quản lý như số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số thẻ bảo hiểm y tế, số sổ bảo hiểm xã hội, số giấy phép lái xe... Tuy nhiên, ý nghĩa của mỗi số/mã số khác nhau, trong đó số trên giấy khai sinh, giấy đăng ký kết hôn và giấy chứng tử là số được lấy theo số thứ tự trong sổ nên có sự trùng lặp về con số trong giấy tờ của một số công dân.

 

Trong khi đó, số sổ hộ khẩu, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu, số sổ bảo hiểm xã hội, số thẻ bảo hiểm y tế, số giấy phép lái xe, mã số thuế lại được thiết lập theo trật tự nhất định theo quy định của từng ngành và chủ yếu để phục vụ mục đích quản lý riêng của ngành.

 

Đối với người dân, điều đặc biệt gây khó khăn là có đến trên 70 thủ tục hành chính để giải quyết các vấn đề liên quan đến 10 loại giấy tờ nói trên.

 

Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, việc cấp, quản lý, sử dụng giấy tờ công dân hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt là việc duy trì nhiều con số, chưa có cơ chế sử dụng số định danh cá nhân để quản lý công dân và truy nguyên công dân, vừa gây phiền hà cho dân, vừa gây khó khăn cho các cơ quan quản lý.


 Ảnh minh họa

 Mỗi công dân sẽ được cấp một số định danh cá nhân - ảnh minh họa: Infornet

 

Mỗi công dân một số định danh cá nhân

 

Theo Dự thảo Đề án Tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu quốc gia liên quan đến quản lý dân cư vừa được Bộ Tư pháp đưa ra để lấy ý kiến nhân dân, mỗi người sẽ được cấp một số định danh cá nhân gồm một dãy 12 chữ số, xác lập từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Mã số này sẽ được cấp cho mỗi công dân Việt Nam từ khi đăng ký khai sinh và gắn với họ đến khi chết, không thay đổi trong suốt cuộc đời công dân (ngay cả trong trường hợp công dân thôi/bị tước quốc tịch Việt Nam, khi được trở lại/nhập quốc tịch Việt Nam, số định danh cá nhân không thay đổi), không lặp lại ở người khác, dùng để xác định dữ liệu thông tin công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

 

Theo Dự thảo, số định danh cá nhân được cấp cho mỗi công dân khi đăng ký khai sinh kể từ ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực. Đối với công dân đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật Hộ tịch có hiệu lực, số định danh cá nhân được cấp khi thực hiện thủ tục cấp mới, đổi, thay thế chứng minh nhân dân hoặc đăng ký thường trú. Số định danh cá nhân được ghi trên giấy khai sinh và chứng minh thư nhân dân.

 

Số định danh cá nhân sẽ là số gốc để truy nguyên chính xác về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ yêu cầu quản lý của ngành, lĩnh vực và được sử dụng làm cơ sở để liên kết các thông tin cá nhân trong các cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực. Các ngành, lĩnh vực thực hiện quản lý cơ sở dữ liệu ngành thông qua số định danh cá nhân để kết nối, khai thác thông tin công dân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm thống nhất thông tin.

 

Theo Dự thảo, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có liên quan tiến hành lấy ý kiến nhân dân và soạn thảo Nghị định Chính phủ quy định về việc cấp và quản lý số định danh cá nhân trong thời gian từ tháng 6/2013 đến tháng 05/2014.

Hiện nay, Bộ Tư pháp cũng đang tập trung xây dựng Dự án khả khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Theo đó, các thông tin chứa đựng trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là các thông tin cơ bản nhất của công dân, tối thiểu bao gồm các trường thông tin sau:

(1) Số định danh cá nhân
(2) Ảnh
(3) Họ và tên
(4) Tên thường gọi
(5) Ngày, tháng, năm sinh
(6) Giới tính
(7) Nơi sinh
(8) Quê quán
(9) Dân tộc
(10) Tôn giáo
(11) Quốc tịch
(12) Số chứng minh nhân dân:.......... ngày cấp:.............. cơ quan cấp:............
(13) Nơi thường trú
(14) Nơi ở hiện tại
(15). Nhóm máu
(16) Số hộ chiếu:...............  ngày cấp:.............   cơ quan cấp:.................
(17) Họ tên cha (số định danh cá nhân đối với người Việt Nam và quốc tịch đối với người nước ngoài, không quốc tịch)
(18) Họ tên mẹ (số định danh cá nhân đối với người Việt Nam và quốc tịch đối với người nước ngoài, không quốc tịch)
(19) Tình trạng hôn nhân
(20) Họ tên vợ/chồng (số định danh cá nhân đối với người Việt Nam và quốc tịch đối với người nước ngoài, không quốc tịch)   
(21) Họ tên con (số định danh cá nhân đối với người Việt Nam và quốc tịch đối với người nước ngoài, không quốc tịch)
(22) Ngày, tháng, năm mất


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc