Hà Nội: Lần đầu tổ chức Lễ hội ông Công - ông Táo

19:00, 01/02/2013
|

(VnMedia) - Vào ngày ông Công - ông Táo 23 tháng Chạp (tức ngày 3/2/2013), lần đầu tiên người dân làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm (Hà Nội) tổ chức lễ rước biểu tượng "ông đầu rau" cao 1,2m, cá chép dài 3,5m và 12 mâm sản vật từ làng gốm Bát Tràng tới trung tâm Thủ đô.

Lễ hội ông Công - ông Táo do làng gốm cổ Bát Tràng thực hiện bằng các nghi thức dân gian, truyền thống. Lễ rước bắt đầu từ làng gốm Bát Tràng với 9 xe kiệu, đội tế nam - tế nữ, sênh tiền và bà con, nghệ nhân làng Bát Tràng. 

Đầu tiên là nghi lễ rước "ông đầu rau" - được làm từ trấu và đất sét. "Ông đầu rau" cao 1,2m, do bàn tay của Hội Nghệ nhân thợ giỏi làng gốm Bát Tràng chế tác. Cùng với đó là phần rước cá chép với chiều dài 3,5m, do nghệ nhân dân gian Hà Nội thực hiện cùng 12 mâm sản vật, lễ vật của địa phương gồm bánh chưng, bánh dày, bánh đậu xanh, kẹo sìu châu, bánh cu đơ, bánh cáy, bánh phu thê, bưởi ngọt, nhãn muộn, mâm ngũ quả…

Ha Noi: No nuc di tha ca tien ong Tao ve troi

Trong Lễ hội có tiết mục tiễn Táo quân như người dân đi thả cá.

Sau lễ diễu hành và tiễn ông Công - ông Táo, 12 mâm lễ sẽ được dâng cúng tại các địa điểm tượng đài Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn, tượng đài Vua Lê Thái Tổ, Hoàng thành Thăng Long, tượng đài liệt sĩ Bắc Sơn, Khu nhà Bác Hồ...

Đây là hoạt động nằm trong chương trình "Hội hoa chợ Tết" tôn vinh làng nghề và hàng nông sản chất lượng cao do thành phố Hà Nội tổ chức.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội tổ chức lễ hội ông Công ông Táo quy mô. Theo văn hoá cổ, Táo quân là vị thần gần gũi nhất với mỗi con người, mỗi gia đình ở Việt Nam. Vào dịp 23/12 âm lịch hàng năm, người dân lại đốt vàng mã, thả cá chép tiễn ông lên chầu trời.

Ngoài lễ hội ông Công ông Táo, tổ chức tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam số 2 Hoa Lư, còn diễn ra hàng loạt  hoạt động như: trưng bày, biểu diễn thư pháp, câu đối Tết và các sản phẩm thủ công; lễ vinh danh nghệ nhân làng nghề Việt Nam; giao lưu bếp làng Việt...


Quỳnh Giang

Ý kiến bạn đọc