Việt Nam cần trở lại con đường tăng trưởng cao

07:17, 25/01/2013
|

(VnMedia) - Ngày 24/1/2013, Ngân  hàng Thế giới đã công bố Báo cáo giảm nghèo ở Việt Nam 2012. Theo đó, công tác giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt được kết quả ấn tượng nhưng chưa thật bền vững.

>>
Tết của trẻ ở nơi nghèo nhất Việt Nam 
 
Theo báo cáo, thành tích của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong hai thập kỷ qua rất lớn. Nếu sử dụng chuẩn nghèo “dựa theo nhu cầu cơ bản” như thống nhất từ đầu vào năm 1998, tỉ lệ nghèo tính theo đầu người giảm từ 58% vào đầu thập kỷ 1990 xuống 14,5% năm 2008, và theo chuẩn này tỉ lệ nghèo ước giảm xuống dưới 10% vào năm 2010.
 
Việt Nam cũng tiến bộ đáng kể ở các khía cạnh đời sống khác, từ tỉ lệ nhập học tiểu học và trung học cao và cải thiện về y tế, tới giảm tỉ lệ bệnh tật và tử vong. Việt Nam đã đạt được và, trong một số trường hợp thậm chí còn vượt, các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG).
 
Những cải cách theo cơ chế thị trường nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở tốc độ cao và bền vững đóng vai trò tối quan trọng đối với thành công của Việt Nam, và những nỗ lực đó lại được củng cố thêm bởi các chính sách đảm bảo công bằng trong cung cấp các dịch vụ cơ bản, trong sử dụng đất, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng nhằm đảm bảo người nghèo được tiếp cận cơ hội rộng rãi.
 
Tuy nhiên, báo cáo cũng nhận định, dù đạt được những tiến bộ đáng chú ý nhưng nhiệm vụ giảm nghèo của Việt Nam vẫn chưa hoàn tất, và xét ở một số phương diện, nhiệm vụ đó hiện khó khăn hơn.
 
“Chuẩn nghèo theo “nhu cầu cơ bản” của Việt Nam, được thống nhất vào đầu thập kỷ 90, rất thấp so với chuẩn quốc tế và các phương pháp được sử dụng để theo dõi nghèo từ đầu thập kỷ 90 đến nay đã lỗi thời. Các tiêu chuẩn áp dụng cho Việt Nam khi còn là một nước thu nhập thấp vào thập kỷ 1990 không còn phù hợp với một Việt Nam đang vươn lên thành nước có thu nhập trung bình trong giai đoạn hiện nay.

"Dù hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo trong thập kỷ qua nhưng rất nhiều hộ trong số đó có thu nhập rất sát chuẩn nghèo và vẫn rất dễ tái nghèo do các cú sốc đặc thù (mất việc, tai nạn, gia đình có người tử vong hoặc ốm), hoặc do các cú sốc có liên quan trong toàn nền kinh tế (tác động của biến đổi khí hậu tới lượng mưa và nhiệt độ, đại dịch cúm ở người và động vật, và các tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-09) – báo cáo phân tích.


 Ảnh minh họa

  Giảm nghèo ở Việt Nam đã đạt những kết quả ấn tượng nhưng chưa bền vững - ảnh: Thanh Hà


Báo cáo cũng đánh giá, thành công của Việt Nam đã tạo ra những thách thức mới. Đó là vấn đề khó tiếp cận hơn với những người nghèo còn lại, họ phải đối mặt với những thách thức khó khăn như sự cô lập, hạn chế về tài sản, trình độ học vấn thấp, sức khỏe kém – và tốc độ giảm nghèo hiện nay không còn cùng nhịp với tăng trưởng kinh tế như trước.
 
Theo đó, nghèo trong các nhóm dân tộc thiểu số đã trở thành một thách thức kéo dài. Dù 53 dân tộc thiểu số ở Việt Nam chiếm dưới 15% tổng dân số của cả nước nhưng lại chiếm tới 47% tổng số người nghèo vào năm 2010, so với 29% vào năm 1998. Theo chuẩn nghèo cập nhật phản ánh mức sống năm 2010, tới 66,3% người dân tộc thiểu số được phân loại nghèo, so với chỉ 12,9% ở người Kinh.
 
Việt Nam cần trở lại con đường tăng trưởng cao
 
Sau khi phân tích các kết quả, Báo cáo nêu ra ba lĩnh vực cần tập trung chính sách để tiếp tục công cuộc giảm nghèo. Đó là, Việt Nam cần hạn chế tình trạng bất ổn định vĩ mô, tiến hành thêm cải cách để đưa đất nước trở lại con đường với tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Tuy nhiên, báo cáo không quên nhấn mạnh, chất lượng tăng trưởng cũng có vai trò quan trọng ngang tỷ lệ tăng trưởng.
 
Thứ hai, báo cáo cho rằng, cần có các biện pháp để giúp tăng trưởng kinh tế của Việt Nam mang lại lợi ích cho mọi nhóm dân, cần giảm bất bình đẳng về cơ hội, gồm cải thiện chất lượng giáo dục và thúc đẩy phát triển kỹ năng, đặc biệt ở nông thôn…
 
Báo cáo cũng đề nghị, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng cao và có lợi cho mọi nhóm dân phải được bổ trợ bằng các chính sách bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội hiệu quả. Theo đó, Việt Nam cần bảo vệ việc chi cho mục đích xã hội và trợ giúp xã hội trong quá trình tái cấu trúc kinh tế. Cần đưa vào hoạt động các công cụ có tính bình ổn tự động nhằm bảo vệ thực sự người nghèo trong những giai đoạn bất ổn kinh tế, trợ cấp xã hội và chuẩn nghèo chính thức cần được điều chỉnh theo chỉ số lạm phát… Ngoài ra, công nhân nhập cư cần được tiếp cận bình đẳng các dịch vụ căn bản, hưởng chế độ trợ cấp lưu động (gồm bảo hiểm y tế) và có khả năng tiếp cận cao hơn với các chương trình bảo trợ xã hội.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc