Lý lịch tư pháp bằng phần mềm công nghệ

15:42, 24/01/2013
|

(VnMedia)- Lý lịch tư pháp là một lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền công dân, nhưng trao đổi cùng đại diện các Sở Tư pháp địa phương thì băn khoăn nhất của họ là không có người để đảm nhiệm công việc này, và nếu có nhân sự thì cũng chưa đáp ứng được yêu cầu. Trong bối cảnh đó, việc áp dụng công nghệ thông tin được xem là một giải pháp căn cơ, lâu dài.

Mới có 1/3 biên chế tối thiểu

Đại diện Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh – nơi được đánh giá là điểm sáng của công tác lý lịch tư pháp (LLTP) cho biết, biên chế là bài toán khó nhất đối với Sở Tư pháp thành phố. Thực tế, lượng công việc của Phòng Lý lịch tư pháp bằng 50% của Phòng Hồ sơ nghiệp vụ Công an thành phố, nhưng biên chế thì chưa bằng 1/10. Hiện nay, biên chế của phòng này là 9/10 – cao nhất so với mặt bằng chung cả nước và cao hơn nhiều so với chỉ tiêu phân bổ tối thiểu mà Quyết định 2369/QĐ - TTg quy định, nhưng đối với một thành phố đang phát triển với khối lượng công việc lớn thì số biên chế này cũng chỉ là muối bỏ biển. Khác với TP Hồ Chí Minh, tuy có đủ nguồn nhân lực nhưng hiện đối với việc quản lý cơ sở dữ liệu của Sở Tư pháp Hà Nội còn đang bỏ ngỏ - tức là chưa có người đảm nhiệm. Đại diện Sở cho biết, việc quản lý và khai thác cơ sở dữ liệu là một nhiệm vụ mới đòi hỏi những nguyên tắc nghề nghiệp nhất định, đòi hỏi tính bảo mật và độ an toàn cao; đồng thời, để khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu, đặc biệt là cơ sở dữ liệu bằng giấy thì người quản lý cần có những kiến thức nghiệp vụ lưu trữ. Vậy, cán bộ quản lý sẽ là cán bộ LLTP hay cán bộ văn thư, lưu trữ?

Đó là những nơi có đủ biên chế, còn những nơi thiếu thì câu chuyện nhân sự càng nóng hơn. Đại diện Sở Tư pháp thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện nay mỗi tháng Sở tiếp nhận gần 300 thông tin lý lịch tư pháp (TTLLTP), 150 thông tin về chứng tử, cải chính hộ tịch và thực hiện việc tiếp nhận, cấp phiếu LLTP cho khoảng 200 trường hợp. Số lượng công việc nêu trên đòi hỏi phải có 5 cán bộ. Tuy nhiên, hiện Phòng LLTP của Sở chỉ có 4 người, trong đó có một số người kiêm nhiệm. 

Theo Quyết định 2369/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ thì biên chế tối thiểu làm công tác LLTP tại các Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ tối thiểu phải có là 203 biên chế. Tuy nhiên, theo thống kê tại 61/63 Sở Tư pháp hiện chỉ có 63 biên chế làm công tác LLTP; có 25/63 Sở Tư pháp vẫn chưa được bổ sung đủ số biên chế chuyên trách tối thiểu (3 biên chế) làm công tác LLTP; 28/63 Sở Tư pháp chưa được bổ sung biên chế. Như vậy, số lượng biên chế làm công tác LLTP còn quá ít, chưa được 1/3 so với số lượng biên chế tối thiểu theo QĐ của Thủ tướng.

Công nghệ thông tin: Giải pháp căn cơ, lâu dài

Ngoài việc “kêu” Bộ chủ quản, UBND về biên chế, thì mỗi Sở có cách chữa cháy riêng để bảo đảm vừa cung cấp yêu cầu tra cứu lý lịch tư pháp cho cá nhân, tổ chức vừa tiếp nhận một số lượng hồ sơ khổng lồ từ ngành công an chuyển sang. Trước vấn đề đặt ra của các địa phương, Bộ Tư pháp cũng đã có công văn số 2513/BTP –TTLLTPQ gửi Giám đốc các Sở, nhưng cũng không tìm ra được hướng giải quyết cụ thể. Trong bối cảnh đó việc áp dụng công nghệ thông tin là một giải pháp căn cơ, lâu dài. Điển hình cho việc áp dụng này có thể kể đến Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh. Theo đó, Sở đã xây dựng phần mềm riêng của mình, kết quả là đã lập và lưu giữ trên 10.000 hồ sơ LLTP và trên 26.000 thông tin về hồ sơ cấp Phiếu LLTP. Trên cơ sở những kết quả đạt được của Sở, Cục Công nghệ - Thông tin, Bộ Tư pháp đã tích hợp phần mềm của Sở và phần mềm hiện có (đã cung cấp cho các Sở) thành một phần mềm ứng dụng chung trong toàn quốc.

Cùng với Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh, các Sở Tư pháp Hà Nội, Đà Nẵng… cũng đã áp dụng công nghệ thông tin để vừa giải quyết được yêu cầu của công việc, vừa chữa cháy việc thiếu nhân sự. Nhưng đó là ở các tỉnh, thành phố lớn, còn ở những địa phương vùng sâu, xa, còn khó khăn thì câu chuyện thiếu nhân sự đang chờ… giải quyết. Bởi, kết quả khảo sát tại 14 Sở Tư pháp của Bộ Tư pháp cho thấy, hầu hết các sở này đều chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa thường xuyên Phần mềm lý lịch tư pháp dùng chung (chỉ sử dụng phần mềm riêng, lại phải thực hiện khâu tích hợp) để phục vụ công tác xử lý thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu tư pháp. Nguyên nhân chính mà các sở nêu lên do đường truyền hệ thống không ổn định, nhiều lúc không thể kết nối, việc sử dụng phần mềm chung tương đối phức tạp với nhiều thao tác. Từ thực tế khảo sát, Bộ Tư pháp cần đánh giá đâu là nguyên nhân chính; đó có phải là lý do chính đáng, khi tại các Sở (không thuộc vùng sâu, xa, khó khăn) đã có phần mềm riêng với những hợp đồng cung cấp dịch vụ của đối tác. Đây là vấn đề mà Bộ Tư pháp cần làm rõ, để đẩy nhanh quá trình ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực LLTP


Báo Điện tử VnMedia

Ý kiến bạn đọc