Thế nào là “lợi ích nhà nước” trong thu hồi đất?

14:58, 19/11/2012
|

(VnMedia) - Trong Dự thảo luật đất đai có quy định về việc nhà nước được ưu tiên mua đất và tài sản gắn liền với đất vì lợi ích nhà nước nhưng chưa làm rõ khái niệm lợi ích của nhà nước…

 

Sáng nay (19/11), các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Luật đất đai (sửa đổi). Nhiều vấn đề quan trọng đã được các đại biểu mổ xẻ, cho ý kiến, đặc biệt là trong vấn đề thu hồi đất và đền bù.


Vì lợi ích quốc gia cũng phải trưng mua
 

Phát biểu tại Nghị trường, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị khi thu hồi đất và bố trí tái định cư cần nghiên cứu “giá công bằng” theo hướng “đất đổi đất, nhà đổi nhà” khi thu hồi đất để đảm bảo lợi ích của người dân, đồng thời nhà nước hỗ trợ thêm kinh phí để người bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống.

 

Trong khi đó, theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), chỉ nên áp dụng với cơ chế thu hồi đất các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật hoặc do chấm dứt hợp đồng theo pháp luật và tự nguyện. Đối với trường hợp thu hồi vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế xã hội, nên áp dụng cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất với thẩm quyền của nhà nước như Hiến pháp đã quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế.

 

Ông Nam cũng cho rằng, việc nhà nước thu hồi nhưng phải bồi thường theo giá thị trường thực chất là phải mua quyền sử dụng đất của người sử dụng theo giá thị trường. Tuy nhiên, việc nhà nước áp đặt giá cả thị trường sẽ làm mất khái niệm thị trường. Nhưng nếu sử dụng khái niệm trưng mua, thì nhà nước có quyền quyết định trưng mua với quyền hạn của nhà nước như Hiến pháp cho phép.

 

Riêng đối với đất người dân đang chiếm hữu và sử dụng hợp pháp, ông Nam đề nghị nhà nước công nhận quyền sử dụng đất và bảo hộ việc này theo pháp luật dân sự.


 Ảnh minh họa
 

Ủng hộ quy định tại điều 22, theo đó Nhà nước được quyền ưu tiên mua đất và tài sản gắn liền với đất, bởi thực chất đây là quyền ưu tiên mua vì lợi ích nhà nước mà thông lệ quốc tế đã áp dụng, tuy nhiên, đại biểu tỉnh Quảng Nam băn khoăn: “Điều khoản này với quy định xác định hai trường hợp ưu tiên mua nhưng chưa làm rõ khái niệm lợi ích của nhà nước nên chưa thể hình dung được sẽ áp dụng trong trường hợp nào trên thực tế. Vì vậy, cần bổ sung một bản xác định rõ nội dung khái niệm lợi ích nhà nước để Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định hướng dẫn.

 

Theo đại biểu Thân Đức Nam, các trường hợp thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia nên chuyển sang cơ chế nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất, đồng thời sửa đổi lại điều 60 về quyền cưỡng chế, thu hồi đất phù hợp với quy định quyền trưng mua của nhà nước.

Ông Nam cũng cho rằng, nên mở rộng phạm vi làm rõ các trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận mua quyền sử dụng đất với các tổ chức cá nhân đang sử dụng để thực hiện các dự án phù hợp với quy hoạch, đặc biệt cần xác định rõ đây là hoàn toàn là quan hệ dân sự. “Để có thể thực hiện quy định này, nhà nước nên công bố công khai quy hoạch, các khoản thuế và phí nhà nước sẽ thu và nhà nước chỉ nên quản lý về quy hoạch chứ không nên can thiệp sâu vào quá trình của người sử dụng đất và chủ đầu tư” - ông Nam đề nghị.

 

Phát biểu góp ý cho dự thảo, đại biểu Lê Thị Công cũng cho rằng, để tạo nguồn lực đất đai cho đầu tư phát triển, Luật Đất đai cần được sửa đổi theo hướng nhà nước chủ động thu hồi đất theo nhu cầu vào mục đích bảo vệ an ninh quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Các dự án phát triển kinh tế nên giao cho Trung tâm phát triển quỹ đất thực hiện theo thủ tục về đền bù, tạo quỹ đất sạch rồi tổ chức đấu giá, đem lại nguồn thu cho nhà nước và hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

 

Về giá đất, theo Luật hiện hành, khung giá đất do Chính phủ quy định, tuy nhiên đại biểu Lê Thị Công đánh giá, điều này không khả thi, bởi giá đất phục thuộc vào tốc độ đô thị hóa của từng địa phương, tập quán canh tác, giá các loại đất khác nhau ở các vị trí tương ứng, trong khi đó việc xác định giá đất phù hợp với giá thị trường đòi hỏi nhà nước phải tổ chức hội đồng thẩm định đánh giá đất khách quan… Thêm vào đó, việc khảo sát giá đất để công bố vào ngày 1/1 hàng năm gây tình trạng người dân muốn chờ đợi giá mới khi có ý định thu hồi đất, không nhận tiền đền bù, kéo dài thời gian bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án, công tác giải ngân không đáp ứng kịp thời cho việc đầu tư ở các lĩnh vực có trong kế hoạch.

 

Trong dự thảo nên xây dựng giá đất dựa vào giá đất phổ biến trong thị trường, giá chuyển nhượng thành bằng các hợp đồng của các bên liên quan và tham khảo của đơn vị tư vấn khảo sát giá độc lập. Bảng giá đất ban hành sẽ áp dụng ổn định từ 3-5 năm được công bố vào năm đầu kỳ. Trong thời gian đó, nếu có biến động thì UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp” - bà Công đề nghị.

 

Người dân cần “được” hỗ trợ mà không phải “xem xét”

 

Tại khoản 2 Điều 71, quy định nguyên tắc bồi thường hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất có nêu: Người sử dụng đất khi nhà nước thu hồi thì được xem xét hỗ trợ nhằm tổ chức lại sản xuất, bảo đảm đời sống, theo đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đắc Nông) thì, từ xem xét trong trường hợp này là không hợp lý.

 

Trước đây người dân được giao đất hoặc chuyển quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, nay vì quy hoạch sử dụng lại quỹ đất thì bị đặt trong tình thế phải được xem xét hỗ trợ. Mặt khác, nội dung bảo đảm đời sống như quy định là chưa rõ, cần phải ghi rõ là đảm bảo ổn định đời sống. Việc đảm bảo ổn định cần phải xác định ngay từ nguyên tắc, là cơ sở nền tảng cho các bộ luật khác như bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp các điều khác” – đại biểu tỉnh Đắc Nông nhấn mạnh.

 

Đồng quan điểm này, đại biểu Lù Thị Lừu nhấn mạnh thêm, việc bồi thường tái định cư, khi nhà nước thu hồi đất, cụm từ xem xét được quy định nhiều lần trong việc bồi thường (khoản 2 điều 71, khoản 3 điều 74, khoản 6 khoản 7 điều 76). “Quy định cụm từ xem xét là chưa thể hiện hết vai trò của nhà nước đối với người có quyền sử dụng đất khi bị thu hồi. Việc xem xét còn thể hiện rất chung chung, chưa rõ ràng, có thể xem xét thì được hỗ trợ, được mua, được bố trí, nếu không thì để người dân bị thu hồi đất đi đâu? Việc này càng không thể hiện được sự công bằng giữa người có quyền được sử dụng đất và quyền thu hồi đất của nhà nước. Đề nghị bỏ cụm từ xem xét, chỉ nên quy định là “được nhà nước hỗ trợ, được bố trí, được mua là đủ, nếu không đây sẽ là khe hở của pháp luật”” – đại biểu Lù Thị Lừu đề nghị.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc