Không nên “tận thu” từ phí chuyển nhượng xe

09:24, 19/11/2012
|

(VnMedia) - Nhu cầu quản lý nhà nước phải được ưu tiên số một trong quy định “xe chính chủ”, còn việc tận thu từ thuế chuyển nhượng chỉ nên ở mức thấp nhất… Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp UBTV Quốc hội cho biết.

 

Dân khổ, lực lượng chức năng khó

 

Việc triển khai thực hiện đối với nội dung được quy định trong Nghị định 71 được cho là cần thiết, cả lực lượng kiểm tra và ngay cả người mua phương tiện cũng mong muốn trở thành chính chủ của phương tiện này.

 

Tuy nhiên, việc thực hiện quy định này hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Hàng loạt lý do khiến mong muốn của người dân bị cản trở như: Chủ cũ không tạo điều kiện, mua bán lòng vòng khó tìm chủ cũ, thậm chí chủ cũ đã qua đời…

 

Tại Hà Nội hiện cũng đang phổ biến một trường hợp, đó là nhờ người đứng tên hộ phương tiện. Một số người cho biết, cách đây ít năm, do Hà Nội có quy định mỗi người chỉ được đăng ký một chiếc xe nên họ đã phải tìm đủ mọi cách để nhờ người đứng tên hộ khi muốn mua chiếc xe thứ 2, thứ 3. Không ít trường hợp, chính người chủ đại lý bán xe đã tự nhờ một người nào đó đứng tên hộ khách hàng và đến nay, việc tìm lại họ là điều không tưởng đối với chủ xe.

 

Trong khi đó, việc quy định mức sang nhượng xe đang được cho là quá cao (10 - 12% với ô tô), mức phạt cũng rất “khủng” (1,2 triệu đồng đối với xe máy và 10 triệu đồng đối với ô tô) khiến người dân khá bức xúc. Đó là chưa kể đến việc, Nghị định từ khi ban hành đến khi có hiệu lực diễn ra trong thời gian ngắn, công tác tuyên truyền hầu như chưa có nên người dân rất ngỡ ngàng.

 

Đặc biệt, không chỉ người dân mà lực lượng chức năng cũng rất khó xử, thậm chí không dám xử phạt lỗi. Sau 3 ngày quy định có hiệu lực, Bộ Công an đã có cuộc họp báo giải thích rằng, xe đi mượn và xe đi thuê sẽ không bị phạt mà chỉ có xe mua bán và cho tặng mà không chuyển nhượng thì mới bị phạt. Tuy nhiên, quy định làm thế nào để biết được xe đó là xe đi mượn, đi thuê hay là xe mua bán sang nhượng sẽ rất là khó khăn.


 Ảnh minh họa

 Tiến sĩ Đinh Xuân  Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp UBTV Quốc hội

 

Phải lấy ý kiến người dân

 

Liên quan đến việc tuyên truyền phổ biến Nghị định 71, Tiến sĩ Đinh Xuân  Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Lập pháp UBTV Quốc hội cho biết, đây là văn bản cũ đã có từ năm 2010, trước đó cũng đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần, nhưng lần này có nội dung mới với mức phạt cao hơn nhiều lần. Do vậy, việc tuyên truyền phổ biến thông tin nếu làm sớm hơn, kịp thời hơn sẽ đỡ gây xôn xao, không gây sốc cho người dân như những ngày vừa qua.

 

Nghị định 71 chỉ là sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 34, nhưng mức phạt được nâng lên cao hơn, từ 8-10 lần. Quy định cho phép xử phạt vi phạm hành chính được tăng lên cũng đã được quy định trong luật xử phạt vi phạm hành chính mà Quốc hội đã thông qua. Tuy nhiên, việc áp đặt cụ thể, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông là lĩnh vực ảnh hưởng rộng, liên quan đến nhiều người, nhưng việc phổ biến chưa được kịp thời thấu đáo. Đây là một việc phải rút kinh nghiệm” - Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo nhận định.


Lẽ ra trong quá trình xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung phải có khâu lấy ý kiến người dân, đây là trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo, trình văn bản, đó là Bộ Giao thông vận tải. Bộ cần phải đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết” – ông Thảo nói.

 

Riêng đối với sự lúng túng của lực lượng thực thi, ông Thảo cho biết, khi văn bản có hiệu lực, Bộ Công an có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến cho người thi hành công vụ, đó là lực lượng cảnh sát giao thông. Theo đánh giá của tiến sĩ Đinh Xuân Thảo, việc phổ biến Nghị định này đã được Bộ Công an làm tốt. “Trong việc phổ biến một văn bản chung, với 54 điều khoản, thì chỉ có 2 khoản trong một điều dẫn đến những ý kiến trái chiều” - tiến sĩ Đinh Xuân Thảo nhận xét.


Không nên "tận thu"

Không chỉ khó khăn trong việc thực hiện sang nhượng xe, m
ức thuế trước bạ chuyển nhượng xe ô tô giao động từ 10-12%, theo nhiều người dân cũng là quá cao và chưa mang tính khuyến khích hoạt động sang tên đổi chủ mặc dù trong những ngày qua, số lượng người sang tên đổi chủ ô tô đã tăng lên rất nhiều so với trước đây.

 

Về vấn đề này, Tiến sĩ Đinh Xuân Thảo cho rằng, việc thực hiện Nghị định xuất phát từ nhu cầu quản lý nhà nước là trên hết, phải được ưu tiên số một, còn việc tận thu từ thuế chuyển nhượng chỉ nên ở "mức độ nào đó".

Theo tôi, chỉ nên quyết định từ nay về sau, những vi phạm về giao dịch mua bán chuyển nhượng sẽ phải xử phạt, xử lý với mức cao, còn việc giải quyết những tồn đọng hiện trạng thì nên tạo thuận lợi dễ dàng. Thứ nhất, mức thuế trước bạ nên giảm xuống, 10-12% là quá cao. Lệ phí để làm thủ tục giấy tờ cũng cần có mức vừa phải. Thứ hai, không nên quá phức tạp, chia ra các loại xe, đắt - rẻ, mới - cũ… Việc xác định giá trị xe hiện nay dễ phát sinh nhiều tiêu cực, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất, để trong thời gian ngắn nhất, người dân tự giác, chủ động" - ông Thảo đề nghị.

 

Trong chương trình Chương trình tạp chí kinh tế cuối tuần qua, Thiếu tướng Đỗ Đình Nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục cảnh sát Quản lý Hành chính về Trật tự An toàn Xã hội - Bộ Công an cũng cho biết, Bộ Công an đã kiến nghị và Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính chủ trì, trong đó hướng sửa lệ phí sang nhượng sẽ thấp nhất để người dân thực hiện thuận tiện nhất.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc