Các địa phương sẵn sàng ứng phó với đại dịch

19:55, 31/10/2012
|

(VnMedia) - Hôm nay (31/10), bản kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch (PPP) của tỉnh Kiên Giang - bản kế hoạch đầu tiên ở Việt Nam được xây dựng trên nguyên tắc toàn diện và cách tiếp cận toàn xã hội, đã được phổ biến rộng rãi thông qua hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi giữa các tổ chức, cơ quan địa phương và quốc tế, nhằm đưa mô hình này đến với các tỉnh khác.

 

Bản kế hoạch được xây dựng cùng với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID).

 

Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết các tỉnh và thành phố lớn trên cả nước đều đã xây dựng kế hoạch PPP cho tỉnh mình. Tuy nhiên, những kế hoạch PPP này đều chủ yếu tập trung vào lập kế hoạch phòng chống đại dịch cho hệ thống y tế và rất ít kế hoạch PPP đi theo hướng tiếp cận toàn xã hội, có sự tham gia của các tổ chức xã hội, của khối kinh doanh và cộng đồng địa phương, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch.

 

Hơn nữa, hầu hết các kế hoạch PPP của các tỉnh đều không có phương án duy trì cung cấp các dịch vụ thiết yếu như lương thực, điện và nước trong và sau đại dịch. Đáng chú ý là những kế hoạch này không có phương án duy trì hoạt động liên tục hay nói cách khác, không tính tới khả năng tỷ lệ vắng mặt tại nơi làm việc sẽ tăng cao, một khi có đại dịch xẩy ra.

 

Dự án Sáng kiến Cúm gia cầm và Đại dịch của USAID (USAID/APII) đã xây dựng bộ tài liệu tập huấn cho lãnh đạo địa phương với sự đóng góp của các ban ngành địa phương và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và 30 cán bộ lãnh đạo các ban ngành của tỉnh Kiên Giang đã được tập huấn về cách tiếp cận toàn xã hội trong xây dựng kế hoạch PPP.

 

Sau đợt tập huấn này, với sự hỗ trợ của Dự án USAID/APII thông qua Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Kiên Giang đã trở thành tỉnh đầu tiên xây dựng thành công bản kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch của tỉnh mình theo cách tiếp cận toàn xã hội, trong đó có tính đến kế hoạch duy trì hoạt động liên tục.

 

Bản kế hoạch này đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt vào tháng 5/2012. Ngoài ra, trong thời gian từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2012, Dự án USAID/APII đã hỗ trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập huấn cho 250 cán bộ xã ở các tỉnh Hà Nam, Hưng Yên, Quang Trị, Kiên Giang và Cần Thơ về cách tiếp cận toàn xã hội để soạn thảo kế hoạch PPP cho cộng đồng của mình.

 

Ông Lê Hoàng Nam - Phó Ban Chỉ đạo Xây dựng Kế hoạch Chuẩn bị và Ứng phó với Đại dịch cúm tỉnh Kiên Giang nói: “Chúng tôi cho rằng, nếu triển khai tập huấn ra khắp cộng đồng dân cư thì chúng tôi sẽ đối phó được đại dịch diễn ra trên địa bàn”.

 

Bản kế hoạch sẵn sàng ứng phó đại dịch của Kiên Giang là bản kế hoạch đầu tiên trên cả nước có kế hoạch duy trì các dịch vụ thiết yếu như điện, nước, nhu yếu phẩm, thông tin liên lạc, ngân hàng, vận tải và vệ sinh công cộng trong tỉnh, trong suốt quá trình xảy ra đại dịch. 
 

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ bắt đầu hỗ trợ các nỗ lực phòng chống cúm gia cầm và đại dịch ở Việt Nam từ năm 2005 và cho tới nay đã cung cấp khoảng 48 triệu USD cho các hoạt động giúp đỡ và hỗ trợ kỹ thuật.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc