Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội:: "Có người hai 50 vẫn chưa nhận được sổ hưu"

06:40, 30/05/2012
|

(VnMedia) - Ông Lê Đức Hoà, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Hà Nội cho biết, do tình hình nợ đọng của các doanh nghiệp, việc chi trả bảo hiểm gặp nhiều khó khăn. "Có người 70-80 tuổi, thậm chí hai năm mươi còn chưa nhận được sổ lương hưu" - ông Hoà nói.

 

Chiều 29/5, trả lời câu hỏi của VnMedia về tình hình chi trả bảo hiểm xã hội, ông Lê Đức Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm Hà Nội cho biết, do tình hình nợ đọng của các doanh nghiệp kéo dài, việc chi trả bảo hiểm gặp nhiều khó khăn.

 

Theo ông Hòa, công tác thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 3/2012, tổng số nợ của các loại bảo hiểm nói trên của Hà Nội lên tới 836,2 tỷ đồng, chiếm tổng số 6,2% tổng số thu bảo hiểm xã hội Việt Nam giao cho.

 

Trong số nợ bảo hiểm nói trên, số nợ từ 24 tháng trở lên chiếm 190,2 tỷ đồng.

 

Nguyên nhân của việc nợ đọng bảo hiểm, theo ông Hòa, là do tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, cầu đường, cơ khí, dệt may… nên việc trích nộp bảo hiểm xã hội không được thực hiện kịp thời, đúng quy định. Điều này ảnh hưởng đến việc giải quyết chế độ, chính sách bảo hiểm cho người lao động.


 Ảnh minh họa

 Không phải ai đi làm, khi về già cũng may mắn có được lương hưu - ảnh minh họa

 

Riêng đối với bảo hiểm thất nghiệp, trả lời câu hỏi của VnMedia, ông Hòa cho biết, cả số người và số tiền chi trả cho bảo hiểm thất nghiệp 6 tháng đầu năm 2012, ước tính đều cao hơn cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, so với con số người lao động bị thất nghiệp cần được chi trả thì chắc chắn số người được nhận bảo hiểm thất nghiệp vẫn là rất ít.

 

- Thưa ông, hiện nay việc chi bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện như thế nào?

 

Hiện nay theo quy trình, bảo hiểm thất nghiệp Hà Nội căn cứ vào Trung tâm Giới thiệu Việc làm của Sở Lao động - Thương bình và Xã hội, trên cơ sở đó, Sở ra quyết định chi, và Bảo hiểm xã hội căn cứ quyết định đó để chi bảo hiểm.

 

Vậy theo ông, số tiền có chi và số người được hưởng bảo hiểm từ đầu năm đến nay tăng hay giảm so với cùng kỳ năm ngoái, và đáp ứng được bao nhiêu phần trăm yêu cầu thực tế?

 

Tính đến hết tháng 3/2012, Bảo hiểm Hà Nội đã chi cho bảo hiểm thất nghiệp là 42,672 tỷ đồng, cho 14,544 đối tượng. Tôi có thể khẳng định con số này chắc chắn tăng so với cùng kỳ năm 2011. Tăng bao nhiêu thì chúng tôi đang thống kê.

 

Có một vấn đề là tình hình chi bảo hiểm thất nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề phá sản và nợ đọng của các doanh nghiệp. Đối với những doanh nghiệp nợ đọng, thì không thể đóng bảo hiểm thất nghiệp và do đó, không thể chi bảo hiểm thất nghiệp. Không thể nói rằng, tại Hà Nội hiện nay có nhiều doanh nghiệp, có nhiều lao động thất nghiệp mà lại không chi trả bảo hiểm thất nghiệp. Không thu được tiền nợ đọng đó thì không thể chi trả bảo hiểm thất nghiệp được.

 

Nếu nhìn con số của Bảo hiểm Hà Nội báo cáo là khoảng gần 15 nghìn người được hưởng bảo hiểm thất nghiệp, so với con số mà dư luận nghĩ hoặc so với tình hình thất nghiệp sẽ là quá ít. Đây là một thực tế.

 

Vậy khi người lao động thất nghiệp mà không được chi trả bảo hiểm thì ai là người chịu trách nhiệm, thưa ông? Và Thành phố có biện pháp gì, thưa ông?

 

Câu chuyện này xuất phát tất cả từ nợ đọng. Không những không trả được bảo hiểm thất nghiệp, mà nợ đọng có thể khiến những người 70 tuổi, 80 tuổi cũng không được giải quyết lương hưu. Có những người không may “hai năm mươi” rồi còn chưa nhận được sổ hưu.

 

Vậy thì trách nhiệm ở đâu? Theo tôi, trách nhiệm chính vẫn là ý thức trách nhiệm của người sử dụng người lao động. Còn bảo vệ quyền lợi của người lao động thì có rất nhiều tổ chức, như công đoàn, hoặc các tổ chức xã hội. Còn cơ quan bảo hiểm xã hội là cơ quan thực hiện chứ không phải cơ quan quản lý nhà nước. Bây giờ không có tiền thì không thể có nguồn được. Nghị quyết của Bộ Chính trị là có đóng thì có hưởng.

 

Chính vì thế, nợ đọng phải bị xử lý bằng hình thức mạnh hơn để bảo vệ quyền lợi của người lao động. Năm nay, Bảo hiểm Hà Nội còn phải đi tháp tùng Phó Chủ tịch Thành phố đối thoại với người lao động. Có rất nhiều vấn đề mà chúng ta phải kiến nghị, trong đó đặc biệt là xử lý chủ sử dụng người lao động. Bảo hiểm rất muốn bảo vệ người lao động.

 

Vâng, xin cảm ơn ông!

Theo thống kê của Bảo hiểm Hà Nội, tính đến 31/3/2012, trong số 89 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp bắt buộc trên 24 tháng, thì doanh nghiệp nợ nhiều nhất lên đến trên 9 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có thời gian nợ tiền bảo hiểm lên tới 50 tháng như: Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình Giao thông 246; công ty Cổ phần Sản xuất vật liệu và Xây dựng công trình 119...


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc