Bỏ phiếu tín nhiệm xong thì làm gì?

07:28, 29/05/2012
|

(VnMedia) - Một trong những nội dung của đề án Đổi mới hoạt động Quốc hội là hàng năm, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Nhưng, câu hỏi mà đại biểu đặt ra là: bỏ phiếu tín nhiệm xong thì làm gì?

 

Chiều ngày 28/5/2012 , Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động quốc hội, và dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

 

Một trong những nội dung của đề án là hàng năm, Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Một số đại biểu cho rằng, chỉ nên “khoanh vùng” đối tượng cần bỏ phiếu tín nhiệm chứ không nên làm đại trà cho tất cả các chức danh.

 

“Lấy phiếu tín nhiệm thì nên làm hàng năm và chỉ lựa chọn một số chức danh thôi. Theo tôi, nên làm một lần và nếu thấy không đủ phiếu thì... thôi luôn. Tôi cho rằng, cũng chỉ nên chọn những vị trí nhạy cảm, như Bộ trưởng chẳng hạn…” - đại biểu Bùi Thị An nói.


 Ảnh minh họa

 Quốc hội sẽ bỏ phiếu tín nhiệm đối với một số chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn

 

Còn đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) thì nhấn mạnh, cần xác định cụ thể đối tượng bỏ phiếu chứ không nên quy định như hiện tại. Có thể chỉ bỏ phiếu với các thành viên Chính phủ hoặc cũng có thể mở ra với các Chủ nhiệm các ủy ban của Quốc hội.

 

Đặc biệt, quan điểm của đại biểu Lê Nam là cần quy định cụ thể hơn việc xử lý sau khi có kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. “Nếu có những trường hợp số phiếu quá thấp sẽ xử lý ra sao, trong đề án chưa thể hiện rõ” – đại biểu tỉnh Thanh Hóa nói.

 

Đồng quan điểm này, đại biểu Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị, cần quy định rõ việc giải quyết kết quả bỏ phiếu để thấy việc bỏ phiếu tín nhiệm này để làm gì. Theo đại biểu Lợi, không quy định cụ thể thì khi tiến hành, nếu phát sinh nhiều tình huống sẽ lúng túng trong xử lý dẫn đến những tác động thiếu tích cực.

 

Cũng liên quan đến bỏ phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) nêu quan điểm: “lấy phiếu tín nhiệm” hay “bỏ phiếu tín nhiệm” đều có chung một ý nghĩa là các đại biểu bày tỏ trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước và Nhân dân.

 

Làm luật phải đi từ cuộc sống

 

Về hoạt động lập pháp, nhiều đại biểu cho rằng hiện nay công tác soạn thảo và thẩm tra dự án Luật còn nhiều hạn chế. Luật ban hành còn chậm, phải sửa đổi nhiều nên đây cũng là vấn đề cần được xây dựng.

 

Theo đại biểu Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội), làm luật để luật đi vào thực tế cuộc sống, tuy nhiên trong giai đoạn vừa qua, giao việc thẩm tra luật đã có nhiều ý kiến khác nhau giữa các ủy ban, nhiều ủy ban còn sơ sài, và trách nhiệm đóng góp chưa cao.

 

Theo đại biểu An, muốn luật có chất lượng trước hết phải từ chất lượng đại biểu Quốc hội. Do vậy cần phải nâng cao chất lượng của đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là việc giao cho các Bộ, Ngành tham gia chủ trì soạn thảo luật thuộc lĩnh vực ngành đó là chưa hợp lý, bởi các Bộ Ngành thường đặt quyền lợi của mình vào trong đó nên không có sự khách quan. “Nếu luật thuộc lĩnh vực nào mà giao cho Bộ đó thì liệu có đảm bảo tính khách quan không?” Đại biểu Bùi Thị An đặt câu hỏi.

 

 Ảnh minh họa

 Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường thảo luận tại tổ Hà Nội chiều 28/5 - ảnh: Xuân Hưng

Mổ xẻ vấn đề này, đại biểu Lê Nam (đoàn Thanh Hóa) phân tích: “cách làm truyền thống là lĩnh vực nào thì ngành đó làm. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay cũng cần thay đổi cách làm. Tôi thấy đa số các nước người ta không làm như thế nữa, mà họ thuê đội ngũ chuyên biệt làm, viết từng chương, từng điều rồi bảo vệ”.

 

Muốn luật đi vào cuộc sống thì việc làm luật cũng phải đi từ cuộc sống thực tiễn. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường phản ánh: “Trên thực tế, các ý kiến của cử tri thường chỉ phản ánh ý kiến của địa phương mình nên trước kỳ họp, những nội dung liên quan phải để tất cả cử tri được biết, để nhân dân có thể đóng góp ý kiến trực tiếp cho đại biểu Quốc hội” – đại biểu Hường nói.

 

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Chung cho biết, tính thực tiễn của các Bộ luật giảm trong cuộc sống bởi trong quá trình xây dựng, lấy ý kiến… chưa chú trọng khảo sát cuộc sống, chưa sát thực tiễn. Theo đại biểu này, những vấn đề bức xúc nên có khảo sát thực tiễn, hoặc giao cho một số đoàn đại biểu của địa phương có vấn đề bức xúc, hoặc tổ chức hội thảo…

 

Cần nâng cao chất lượng đại biểu

 

Nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội là vấn đề quan trọng, nhưng quan trọng không kém chính là nâng cao chất lượng đại biểu.

 

Theo đại biểu Bùi Thị An, các đại biểu cần cố gắng học hỏi, nâng cao chất lượng để đáp ứng đòi hỏi của nhân dân. Bà an cho rằng, nên rút kinh nghiệm cho khoá sau trong việc lựa chọn đại biểu, để “dù cơ cấu nhưng phải đảm bảo chất lượng”.

 

Đồng quan điểm về việc nâng cao chất lượng đại biểu, đại biểu Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) đề nghị nên yêu cầu các đại biểu nâng cao chất lượng chất vấn qua cách đặt câu hỏi, truy vấn đến cùng…

 

Đồng tình với đại đại biểu An, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn thêm rằng, để nâng cao chất lương hoạt động của Quốc hội thì từng đại biểu cần phải có thông tin đầy đủ. Do vậy, các cơ quan của Quốc hội phải cung cấp thông tin đầy đủ, nhất là những thông tin không thuộc về báo chí, những thông tin được coi là “hơi mật” một chút. Chỉ cần đưa ra các quy chế về bảo mật, xử lý thông tin… để các đại biểu tuân thủ.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc