Hải Phòng: Chính quyền xã cũng bán đất ảo!

13:26, 12/05/2012
|

(VnMedia) – Sợ bản thân và người chồng liệt sỹ thành “ma không nhà”, bà Đỗ Thị Liễu (SN 1944, trú tại Tổ 1, cụm dân cư số 4, phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, Hải Phòng) đã dùng số tiền cả đời tích góp để mua mảnh đất chính quyền xã rao bán. Thế nhưng, 5 năm qua, tiền đã đóng đủ, còn đất thì vẫn biệt tăm.

>>Vợ liệt sĩ cô đơn mong thành "ma có nhà"

Tiền thu xong đã lâu nhưng… đất ở đâu?


Ngỡ rằng gần cuối cuộc đời, bà Liễu đã “may mắn” khi được đăng ký mua suất đất theo chủ trương chính quyền cơ sở. Nào ngờ, lần mua bán ấy lại khiến bà “nếm quả đắng lặng”.

Như VnMedia đã có bài phản ánh về một người vợ liệt sĩ già cô đơn đang ám ảnh bởi nỗi lo trở thành "ma không nhà", năm 2007, để có đủ 30 triệu nộp cho chính quyền xã Hưng Đạo – Kiến Thụy – Hải Phòng, bà Liễu đã phải vay mượn anh em. Thế nhưng, tiền đã nộp đủ nhưng đất như đã hứa, chính quyền vẫn chưa biết lấy ở đâu.

Suốt 5 năm qua, bà Liễu tiếp tục phải tằn tiện những đồng lương hưu ít ỏi, cộng thêm số tiền trợ cấp cho vợ liệt sỹ, để trả khoản tiền bà đã trót vay mượn để đặt cọc mua đất của chính quyền xã. Và cho đến thời điểm hiện tại, bà Liễu cùng 85 hộ dân khác mua đất trong đợt ấy vẫn chưa thể biết, đến bao giờ họ mới nhận được đất.

Ảnh minh họa

5 năm về trước, nhận được thông báo này,
bà Liễu đã đóng đủ 30 triệu đồng tiền đặt cọc mua nhà


Theo tìm hiểu của VnMedia, trong thương vụ bán đất làm nhà ở ấy, xã Hưng Đạo đã thu về gần 4 tỷ đồng tiền mua đất của người dân. Bi hài ở chỗ, chính quyền xã thu tiền của dân trước, sau đó mới tiến hành thu hồi đất để... bán. Tuy nhiên, việc thu hồi đất đã bị “ách” lại khi 62 hộ dân bị thu hồi không đồng ý về giá cả đền bù.

Suốt từ năm 2007 đến nay, bà Liễu cũng như hàng chục hộ dân mua phải đất trên giấy đã liên tục khiếu nại lên nhiều cơ quan, ban ngành các cấp. Tuy nhiên, câu trả lời mà họ nhận được là “chờ đợi”.

Ông Điển, anh trai bà Liễu uất ức nói rằng, đã mấy lần ông định thuê xe chở bà Liễu lên tận thành phố Hải Phòng hỏi cho ra nhẽ. "Sao họ nỡ lừa cả hoàn cảnh đáng thương như em gái tôi? Tức thì nghĩ vậy chứ gia đình tôi cũng là gia đình cách mạng. Làm gì cũng phải nghĩ trước nghĩ sau nên tôi lại thôi. Tuy nhiên, với việc chờ đợi năm này sang năm khác thế này chắc em tôi không sống được đến ngày nhận được đất” - ông Điền nói.

Gần đây nhất, vào năm 2010, quận Dương Kinh đã tiến hành rà soát, kiểm tra và kết luận: Suốt thời gian từ 2004 đến 2007, thành phố Hải Phòng không có quyết định phê duyệt kế hoạch giao đất ở hàng năm nhưng xã Hưng Đạo (nay là phường Hưng Đạo) vẫn được huyện Kiến Thụy chỉ đạo, tổ chức và hướng dẫn các thủ tục xét duyệt cấp đất, thu tiền của các hộ dân. Các cơ quan chuyên môn của huyện như Tài chính – kế toán, TN&MT, Chi cục Thuế đã không thực hiện hết vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và thẩm định phương án thu tiền của dân. Phường đã thu và chi tiền của các các hộ dân khi chưa có quyết định thu hồi và giao đất của cấp có thẩm quyền.

“Đá bóng” trách nhiệm
Ảnh minh họa

"Quả bóng trách nhiệm" cứ lăn qua lại, để những người khốn khổ như bà Liễu sống mỏi mòn trong chờ đợi, thất vọng


Trong buổi làm việc với đại diện UBND phường Hưng Đạo, ông Trần Mai Anh - phó chủ tịch UBND phường - lại cho rằng: “Việc mua bán đất bị ách tắc là do việc tách Quận mới. Việc này các cấp lãnh đạo trước đây thực hiện nên chúng tôi cũng không nắm rõ”.

Cái sai đã thấy rõ từ kết luận của UBND quận Dương Kinh, tuy nhiên, ai đã làm sai, sai đến đâu, chịu trách nhiệm thế nào… đến nay vẫn chưa được làm rõ. Tiếp tục tìm hiểu vấn đề, phóng viên VnMedia đã có cuộc trao đổi với đại diện UBND quận Dương Kinh. Theo ông Trần Trung Hiếu - Chánh Văn phòng UBND quận Dương Kinh, trường hợp cụ thể của bà Liễu, quá trình thu tiền đặt cọc chính quyền xã đã có xét đến chế độ chính sách, đã được ưu tiên. Tuy nhiên, không thể tách riêng trường hợp này để ưu tiên giải quyết trước mà phải chờ đợi cấp trên hướng dẫn giải quyết chung cùng 85 hộ dân khác.

Khi được hỏi, tại sao trong quá trình rà soát, kiểm tra và đưa ra kết luận, quận Dương Kinh đã thừa nhận việc bán đất cho dân như đã xảy ra là có sai trái, nhưng lại không chỉ đích danh cá nhân, đơn vị nào làm sai, ông Chánh văn phòng quận này thoái thác và cho rằng, đó là vấn đề của cấp cao hơn.

Khi chúng tôi tiếp tục đề nghị được tìm hiểu rõ hơn về chủ trương của huyện Kiến Thụy ngày trước, về việc tại sao lại có chủ trương bán đất ấy, số tiền bán đất nhằm sử dụng vào mục đích gì thì ông Hiếu nhất mực khẳng định không biết. Ông Hiếu giải thích, quận Dương Kinh mới thành lập và mặc dù đang phải chịu trách nhiệm giải quyết vấn đề này nhưng lại không được huyện Kiến Thụy bàn giao lại các tài liệu liên quan nên không rõ chủ trương, mục đích việc mua bán đất ấy.(?)

Chánh văn phòng quận Dương Kinh cho biết thêm, quận đã có báo cáo lên thành phố Hải Phòng nhưng: “Hiện vẫn chưa thấy thành phố có biện pháp gì chỉ đạo, xử lý về vấn đề trên”.

Sau báo cáo của quận Dương Kinh thì từ tháng 4/4/2011, UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn số 1575/UBND – ĐC “Giao Sở Tài nguyên và Môi trường cùng sở Xây dựng, sở Tài Chính kiểm tra có báo cáo kết luận rõ tình hình vi phạm, hậu quả, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan…”. Tuy nhiên, từ đó đến nay đã hơn một năm, những hộ dân trót đặt cọc mua đất như bà Liễu vẫn chưa một lần được thấy động thái giải quyết vấn đề của chính quyền các cấp. Họ vẫn phải chờ đợi trong mỏi mòn, vô vọng.

Tiếp tục tìm hiểu ngọn ngành vấn đề, phóng viên VnMedia đã tìm đến Sở Tài nguyên Môi trường Hải Phòng và tại đây, nhóm phóng viên đã có những giây phút tác nghiệp không thể nào quên. Ngay từ cổng ra vào, khi xưng danh là phóng viên báo chí, chúng tôi nhận được cái nhìn thiếu thiện cảm từ người bảo vệ. Tiếp đó, để đảm bảo kiểm soát chặt mọi hành động của chúng tôi, người bảo vệ bỏ mặc vị trí canh gác ở cổng, "hộ tống" PV vào tận văn phòng Sở để xuất trình, khai báo.

Tại văn phòng, PV nhận được câu trả lời “các sếp” bận họp, phải có lịch hẹn mới tiếp. CÁc PV phải đứng ngoài sảnh tầng 1 của Tòa nhà, gọi điện khắp nơi để có được số máy di động của người có trách nhiệm, xin lịch gặp mặt làm việc. Lúc này, người bảo vệ tiếp tục vào tận sảnh để …giám sát phóng viên.

Một lát sau, thấy sự vắng mặt bất thường của một anh bạn đồng nghiệp tôi, người bảo vệ hằn học hỏi xem “anh ta đâu?”. Không nhận được câu trả lời thỏa đáng, ông bảo vệ ngó nghiêng khắp nơi để tìm. Cùng lúc ấy, anh bạn đồng nghiệp tôi đã nhanh chân đến được cửa phòng của một phó giám đốc sở ở Tầng 2, gõ cửa và may mắn “được tiếp”.

Nhận được thông báo đã gặp được vị phó ở phòng làm việc, tôi và cô bạn đồng nghiệp đi về hướng đó thì bị bảo vệ quát giật giọng, bắt ra khỏi Tòa nhà. Sau vài lời đôi co, biết chúng tôi đã được “sếp” tiếp chuyện, ông bảo vệ bực tức trở lại cổng làm nhiệm vụ canh gác.

Sau khi ngạc nhiên hỏi: “ao vào được đây?”, vị Phó Giám đốc miễn cưỡng tiếp chuyện chúng tôi. Cho rằng vấn đề chúng tôi đề cập không thuộc lĩnh vực ông ta phụ trách nên buổi trao đổi không thể diễn ra, trước khi chúng tôi ra về, vị Phó giám đốc Sở này không quên nhắc nhở chúng tôi về một nguyên tắc bất di bất dịch của cơ quan ông là: chỉ làm việc với báo chí qua đường công văn.

Chính quyền cơ sở bán đất trên giấy, các cấp lãnh đạo giải quyết cũng… trên giấy,nhưng tiền bạc đã nộp và nỗi lo trở thành "ma không nhà" của người vợ liệt sỹ là thực tế. Thế nhưng, thực tế ấy chưa biết đến bao giờ mới được giải quyết thỏa đáng!

Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc