Bộ Giao thông làm rõ lý do thu thêm 2 loại phí

17:59, 10/01/2012
|

(VnMedia) - Bộ GTVT cho rằng, việc thu 2 loại phí là cần thiết, vừa để giảm phương tiện cá nhân, vừa để tăng thêm nguồn thu dành cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông. Bộ này cũng cho rằng, nhiều nước trên thế giới đã và đang làm…

 

Liên quan đến Tờ trình về phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, ông Nguyễn Văn Công - Chánh văn phòng Bộ GTVT và cũng là người phát ngôn của Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: Kinh nghiệm của một số quốc gia như Anh, Singapore, Mỹ, Thuỵ Điển, Trung Quốc cho thấy, chính phủ các nước đều đưa ra các biện pháp để hạn chế sự gia tăng về số lượng phương tiện giao thông cá nhân như Luật hạn chế lưu lượng giao thông đường bộ năm 1998 của Ạnh; chính sách đấu thầu quyền đăng ký lưu hành xe ô tô cá nhân của Singapore (kết quả đấu giá quyền đăng ký xe đợt 1, tháng 12/2011 tại Singapore, để có quyền đăng ký lưu hành 1 xe ô tô loại dung tích xi-lanh dưới 1.600 cm3 hoặc xe taxi, chi phí thấp nhất chủ xe phải bỏ ra là 52.392 đô la Singapore, tương đương 855 triệu đồng Việt Nam); Chính sách quay số may mắn để có quyền đăng ký lưu hành xe ô tô cá nhân của thành phố Bắc Kinh, Trung Quốc).

 

Theo ông Công, bên cạnh biện pháp hành chính cần phải có một số giải pháp về kinh tế để giảm thiểu sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng để tham gia giao thông.

 

Mục tiêu của việc bổ sung hai loại phí trên nhằm đưa ra những giải pháp kinh tế cụ thể, đột phá kiềm chế sự gia tăng, giảm dần số lượng phương tiện giao thông cá nhân; giảm tảimật độ phương tiện tham gia giao thông tại các thành phố lớn (đặc biệt là khu vực trung tâm), từ đó kiềm chế, giảm dần ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông.

 

Đại diện Bộ GTVT cũng cho rằng, bên cạnh đó, đề xuất này cũng tạo thêm một nguồn thu đáng kể để chi cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu TNGT (dự kiến số thu phí lưu hành phương tiện giao thông và giảm thiểu TNGT. “Dự kiến số thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đối với xe ô tô khoảng 15.239,080 tỷ đồng/năm).

 

Ông Công viện dẫn: Theo quy luật, nếu chi phí kinh tế cho việc sử dụng một loại phương tiện giao thông nào đó tăng cao thì người dân sẽ thay thế bằng một loại phương tiện khác có chi phí kinh tế thấp hơn. Do vậy, đề xuất này sẽ làm tăng chi phí kinh tế của việc sử dụng phương tiện cá nhân, hướng người dân vào việc sử dụng các loại phương tiện giao thông công cộng. Khi đề xuất này được triển khai, mật độ phương tiện tham gia giao thông được giảm tải, tình trạng ùn tắc giao thông được cải thiện thì chính người dân sẽ được hưởng lợi từ cơ chế do tiết kiệm thời gian, nhiên liệu và giảm hao mòn phương tiện khi tham gia giao thông.

 

Ông Công cho biết, đề xuất này khi được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua, việc thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân có thể triển khai sớm (tuy nhiên cần có thời gian nhất định để xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn).

 

Riêng thời điểm cụ thể để áp dụng việc thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm, ông Công cho biết sẽ do UBND cấp tỉnh quyết định trên cơ sở Nghị quyết của HĐND cho phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội và yêu cầu giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông của địa phương.


 Ảnh minh họa

Bộ GT: Bên cạnh biện pháp hành chính cần phải có một số giải pháp về kinh tế để giảm thiểu sự gia tăng của số lượng phương tiện giao thông cá nhân

 

Trước mắt, thu phí tại 5 thành phố lớn

 

Theo ông Nguyễn Văn Công, đối tượng thu phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ là xe mô tô và xe ô tô chở người từ 9 chỗ ngồi trở xuống. Mức thu phí đối với xe ô tô từ 20 triệu/năm đến 50 triệu đồng/năm (20 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh không quá 2.000cm3, 30 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh từ trên 2.000cm3, 50 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh trên 3.000cm3); mức thu đối với xe mô tô từ 500 nghìn đồng/năm đến 1 triệu đồng/năm (500 nghìn đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3; 1 triệu đồng/năm cho mô tô có dung tích xi lanh từ 175cm3 trở lên).

 

Với xe ô tô đăng ký trong nước, phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ được thu khi kiểm tra cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; cơ quan thu phí là các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới. Với xe ô tô đăng ký nước ngoài, phí được thu khi cho phép ô tô tạm nhập để lưuhành vào lãnh thổ Việt Nam ; cơ quan thu phí là các Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thuộc các Sở GTVT.

 

Theo đại diện Bộ GTVT, với xe mô tô, phí được giao UBND cấp tỉnh quy định cụ thể việc tổ chức thu; trước mắt chỉ thu đối với mô tô ở 5 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM và Cần Thơ. Cơ quan thu phí đối với xe ô tô được để lại 1,5%, cơ quan thu phí đối với mô tô được để lại 5% số thu để chi cho công tác tổ chức thu. Số còn lại được dùng để tạo nguồn chi cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Đối tượng thu phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm là xe ô tô các loại, trong đó miễn thu phí đối với các loại xe công (xe cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập; xe quân đội; xe công an) và xe ô tô buýt. Dự tính giờ cao điểm buổi sáng từ 6 giờ 00 đến 8 giờ 30; buổi chiều từ 16 giờ đến 19 giờ (trừ ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật. Trước mắt tổ chức thu phí sẽ thí điểm ở Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ và Hải Phòng. Khu vực thu và mức thu cụ thể do UBND cấp tỉnhquy định. Dự kiến mức thu 30.000đ/lượt đối vớiô tô chở người đến 7 chỗ và 50.000đ/lượt đối với các loại ô tô còn lại.

 

Phí ô tô vào trung tâm thành phố giờ cao điểm được thu qua các trạm thu phí thông minh (tự động, không dừng); thu một lượt khi xe đi vào trung tâm thành phố. Cơ quan thu phí được trích lại một tỷ lệ nhất định để chi cho công tác tổ chức. Số còn lại dùng để tạo nguồn chi cho các giải pháp chống ùn tắc giao thông và giảm thiểu tai nạn giao thông.

 

Bộ GTVT nên nghe ý kiến của người dân

 

Ngày 28/12/2011, Bộ Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký Tờ trình số 8868/TTr-BGTVT gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng hoàn chỉnh hồ sơ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết bổ sung phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm vào danh mục phí lưu hành phương tiện giao thông cá nhân đường bộ và phí ô tô đi vào trung tâm thành phố giờ cao điểm.

 

Ngay sau đó, rất nhiều ý kiến không đồng tình với Tờ trình này của Bộ GTVT đã được dư luận lên tiếng. Theo đó, các ý kiến cho rằng, việc thu thêm hai loại phí này là làm tăng gánh nặng cho người dân, trong khi việc sử dụng vốn cho các công trình giao thông cũng như thực hiện các biện pháp giảm ùn tắc không được sử dụng thực sự có hiệu quả. Đặc biệt, điều mà phần lớn người dân lo lắng, đó là việc thu phí và hạn chế xe cá nhân trong khi phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

 

Trong khi đó, nhiều ý kiến khác cho rằng, kể từ khi Bộ trưởng Đinh La Thăng hành động quyết liệt, các vấn đề về giao thông đã có nhiều chuyển biến rõ rệt và người dân rất ủng hộ. Tuy nhiên, việc thu phí lần này ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nên Bộ GTVT cũng nên lắng nghe ý kiến của người dân trước khi trình Thủ tướng Chính phủ. “Ví dụ như quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Trước khi quyết định, người dân đã được tuyên truyền và hiểu rất rõ về mục đích cũng như lợi ích của việc đội mũ bảo hiểm nên khi thực hiện, gần như 100% người dân chấp hành nghiêm chỉnh. Vì vậy, đối với việc thu phí lần này, Bộ GTVT nên lấy ý kiến rộng rãi của người dân, của các chuyên gia cũng như các cơ quan liên quan, sau đó nếu thống nhất rồi thì tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu và ủng hộ” - một bạn đọc của VnMedia nêu ý kiến.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc