"Dấu vết vẫn còn, hãy cho chúng tôi hy vọng!"

07:00, 10/01/2012
|

(VnMedia) - “ Hãy tìm chồng con chúng tôi trên các đảo hoang, đảo san hô, bởi vì các dấu vết vẫn còn. Đây là tâm nguyện của 22 gia đình thuyền viên chúng tôi. Hãy ủng hộ chúng tôi, hãy cho chúng tôi một niềm hy vọng dù mong manh" - vợ máy trưởng Trúc nghẹn ngào.

Lễ kỳ an, kỳ siêu

Ảnh minh họa

Thân nhân thuyền viên tàu Queen trong buổi lễ cầu siêu


Trời về chiều càng lúc càng rét buốt kèm theo mưa rơi mỗi lúc một nặng hạt nhưng dòng người đổ về chùa Thắng Phúc – xã Tiến Thắng – An Lão – Hải Phòng mỗi lúc thêm đông. Nhiều người trong số ấy, họ chẳng phải anh em hay họ hàng của các thuyền viên bị nạn trên con tàu Queen, họ chỉ là những người dân cùng chung nỗi mong mỏi các anh trở về.

Buổi lễ cầu siêu diễn ra trong bầu không khí trang trọng, tôn nghiêm. Có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GTVT - ông Đinh La Thăng, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hải Phòng – ông Lê Khắc Minh cùng nhiều vị quan khách đại diện cho cục Hàng hải, Tổng công ty hàng hải Việt Nam…tất thảy đều rưng rưng xúc động.

Trong nghẹn ngào xúc động, ông Giám đốc công ty vận tải biển Vinaline Queen nói: “Các anh em thuyền viên tàu Vinaline Queen đã coi tàu là nhà, biển cả là quê hương và dù ở vị trí công tác nào, các anh cũng hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Mới hôm qua thôi, các anh còn là đồng nghiệp của chúng tôi, đã cùng nhau kề vai, sát cánh bên nhau vượt qua bao sóng to, gió lớn, đưa những con tàu mang lá cờ Tổ quốc Việt Nam đi khắp năm châu, bốn biển. Không ai ngờ, khi các anh lên đường làm nhiệm vụ cũng là lúc chia tay với đồng nghiệp chưa hẹn ngày gặp lại. Hôm nay đây, chúng tôi từng phút ngóng tin các anh…”.

Sau những lời phát biểu, tiếng tụng kinh đều đều vang lên. Trong mỗi người, ai cũng thầm mong có phép màu, mong 22 thuyền viên mất tích được trở về. Dòng người lần lượt cúi đầu trước chính điện, cúi đầu trước tấm ảnh của 22 thuyền viên lễ tạ.

Đại diện thân nhân gia đình các thuyền viên, bà Trần Thị Thắng – vợ của máy trưởng Lê Bá Trúc – đã xin được phát biểu trong buổi lễ, bà nói: “Chúng tôi vẫn hy vọng là việc tìm kiếm 22 thuyền viên bị mất tích vẫn sẽ được tiếp tục vì dấu hiệu của các thuyền viên bị thất lạc vẫn còn. Chúng tôi rất tin tưởng là một ngày nào đó, chồng chúng tôi, con chúng tôi sẽ trở về. Chúng tôi cầu xin trời phật điều đó.”

Đáp lại lời cầu khẩn của bà Thắng, Đại đức Thích Quảng Minh đã chia sẻ: “Tôi là một vị tu sỹ đã luôn luôn dõi theo suốt từ khi biết tin con tàu bị nạn. Nỗi đau của các vị là nỗi đau của chúng tôi, của nhân dân, của mọi người. Trong tất cả các khổ đau nhất là khổ đau biệt ly. Không gì khổ đau bằng khổ đau vợ mất chồng, cha mất con. Chúng tôi hết sức chia sẻ những thương đau này. Chúng tôi hằng ngày nhất tâm cầu phật , cầu cho anh em được trở về với gia đình, người thân.”

“Cho chúng tôi một niềm hy vọng”

Ảnh minh họa

Bà Thắng cầm trên tay kỷ vật của người chồng


Buổi lễ cầu siêu có sự góp mặt của đầy đủ đại diện 22 gia đình các thuyền viên bị nạn. Họ là những người cha, người mẹ ngóng tin con, những người vợ mỏi mắt chờ chồng. Nỗi đau đớn, khắc khoải hằn sâu trên gương mặt họ. Trong tột cùng của đau đớn ấy, họ vẫn nuôi hy vọng về một điều kỳ diệu.

Trao đổi trước báo giới bên lề buổi lễ, bà Thắng cho biết: “Tôi đề nghị các ban ngành, bằng mọi cách, mọi phương tiện hãy tìm chồng con chúng tôi trên các đảo hoang, đảo san hô, bởi vì các dấu vết vẫn còn. Đây là tâm nguyện của 22 gia đình thuyền viên chúng tôi. Hãy ủng hộ chúng tôi, hãy cho chúng tôi một niềm hy vọng dù mong manh. Chúng tôi mong mọi người hãy biến lòng tưởng nhớ thành hành động để tìm được 22 người thân của chúng tôi. Có thể có anh em đã hy, có người vẫn trở về…Chúng tôi mong lắm, mong vô cùng.

Qua buổi lễ cầu an này, chúng tôi cầu trời phật cứu giúp để hy vọng của chúng tôi thành hiện thực. Và hơn hết, chúng tôi cầu mong Nhà nước Việt Nam, kính mong ông Bộ trưởng Đinh La Thăng cùng các ban ngành liên quan hãy thắp sáng cho chúng tôi niềm hy vọng lớn hơn.”

Nói về người chồng đang mất tích của mình, bà Thắng cho biết thêm: “Chồng tôi trước là lưu học sinh Việt Nam học tại Ba Lan. Sau đó, chồng tôi về giảng dạy tại Đại học Hàng Hải. Tiếp theo đó, chồng tôi đã rất nhiều năm đi biển, tức là nghề nghiệp của chồng tôi gắn liền với biển. Bản thân chúng tôi rất tự hào về chồng con chúng tôi.

Tôi là người đầu tiên được biết tin về sự mất tích của con tàu Queen cùng 22 thuyền viên. Tin này do một học trò của chồng tôi, đi trên một con tàu khác, đi qua vùng biển Philippines và đã gọi điện thẳng về nhà cho tôi, rằng “Cô ơi cô! Tàu chú bị chìm rồi”. Sau đó thì tôi gọi điện ra ngoài công ty.

Chúng tôi nhận được sự quan tâm của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, công ty Vinaline Queen. Nhưng sau đó chúng tôi cũng thấy, có những phần mà chúng tôi phải tiếp sức. Tức là bản thân 22 gia đình chúng tôi phải luôn luôn liên hệ và cùng tiếp sức với công ty bằng mọi cách. Chính bản thân tôi và vợ của thuyền trưởng, vợ đại phó đã lên tận Tổng công ty, lên tận Trung tâm cứu nạn Hàng hải, lên tận Ủy ban cứu nạn Việt Nam, lên tận Bộ Giao thông để đưa đơn thỉnh cầu. Và thực sự chúng tôi rất là cảm động và biết ơn Nhà nước ta đã tạo mọi điều kiện giúp đỡ chúng tôi, đặc biệt là việc cử ông Đinh La Thăng mang công hàm sang Đại sứ quán Nhật, đề xuất về việc tìm kiếm các thuyền viên bị nạn. Đến bây giờ chúng tôi vẫn xin cầu mong các ban ngành liên quan nỗ lực hơn nữa để tìm được dấu vết của chồng con chúng tôi.”

Khi trò chuyện với chúng tôi, trên tay bà Thắng nắm chặt một chiếc điện thoại đã cũ. Bà Thắng kể, đó là kỷ vật mà người chồng của bà trước khi lên tàu đi chuyến hàng lần ấy đã trao cho bà. " Đây là chiếc điện thoại chồng tôi vẫn dùng khi còn ở đất liền. Trước khi lên tàu lần ấy, anh ấy đã đưa lại cho tôi giữ...". Kể đến đây, đôi mắt bà Thắng như ầng ậc nước.

Nguyện vọng của bà Thắng cũng là mong muốn chung của các gia đình bị nạn. Trên những gương mặt nhạt nhòa nước mắt vẫn ánh lên cái nhìn cầu khẩn về phía các nhà lãnh đạo, ánh lên niềm hy vọng mong manh về sự trở về của 22 người thân của họ.


Bảo Nhi - Lương Đàm

Ý kiến bạn đọc