Sốc sát nhân "nhiệt tình" lo chôn cất nạn nhân

06:50, 06/09/2012
|

(VnMedia) – Khi đã yên phận nơi biệt giam dành cho tử tù, Hồ Xuân Phú dành tất cả thời gian còn lại ít ỏi của y để sám hối. Song dù bản năng phần “con” trong y có lớn cỡ nào thì cũng không biện minh được tội ác tày trời mà hắn gây ra cho đồng loại.

>>
Lời báo hiếu muộn của tử tù trẻ nhất đất Cảng

Giết hại cô bạn hàng xóm

Ảnh minh họa

Tử tù Hồ Xuân Phú


Khoảng 3 giờ ngày 25/5/2010, người dân ở thôn Ao La, xã Minh Tân, huyện Thuỷ Nguyên, Hải Phòng, phát hiện tại một khu bếp bỏ hoang, xác chị Hoàng Thị Phượng, 21 tuổi, chết trong tư thế ngồi dựa vào bờ tường, đầu dập nát, áo ngoài bị lột trùm qua mặt… Công an huyện Thuỷ Nguyên xác định sau khi bị sát hại, chị Phượng bị cướp mất chiếc xe Sirius BKS 16P1-9647, 1 điện thoại di động và một số tư trang khác.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, chỉ 10 tiếng sau, lực lượng phá án đã thu thập đầy đủ chứng cứ, bắt giữ thủ phạm của vụ án là Hồ Xuân Phú, 23 tuổi, hàng xóm của nạn nhân. Tại cơ quan điều tra, Hồ Xuân Phú khai nhận: 8 giờ ngày 25/5/2010, Phú đi từ quán sửa chữa xe máy về nhà ở thôn Ao La, xã Minh Tân với ý nghĩ phải có tiền trả nợ bằng được.

Bất ngờ, Phú nhìn thấy chị Hoàng Thị Phượng – hàng xóm sát vách nhà Phú - đang đứng quét sân một mình, Phú vờ hỏi thăm rồi cố tình để quên chùm chìa khoá lại. Sau đó, Phú cầm tuýp sắt dài khoảng nửa mét, đường kính khoảng 20mm, sang nhà Phượng giấu thanh tuýp sắt ở cạnh tường bao và vờ tìm chìa khoá. Lợi dụng lúc Phượng sơ hở, Phú cầm ống tuýp sắt đập liên tiếp vào phần đầu, gáy chị Phượng rồi đưa nạn nhân lên rìa núi. Tại đây, thấy Phượng hình như còn sống, Phú cầm tuýp sắt đập cho chị chết hẳn rồi lục túi quần lấy ĐTDĐ Nokia 3110c. Tiếp đó, Phú xuống nhà lấy 1 xe máy Sirius và đi thẳng sang chợ thị trấn Minh Đức gửi, rồi bắt xe ôm quay lại hiện trường.

Thủ đoạn bỉ ổi hòng che đậy tội ác

Ảnh minh họa

Cái ác ở đời luôn bị trừng trị đích đáng!


Dịp tình cờ, tôi có cơ hội được tiếp xúc với điều tra viên trực tiếp tham gia phá vụ án mà Hồ Xuân Phú là thủ phạm và đã lý giải được cảm giác rờn rợn, ớn lạnh mà tôi đã trải qua khi tiếp xúc với kẻ giết người này. Đó chính là cảm giác ghê tởm những hành động tội ác, ghê tởm bản chất lưu manh của kẻ thủ ác. Điều tra viên ấy đã mở đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng một câu đúc kết: “Chục năm làm án trong đời, chưa bao giờ tôi gặp một kẻ giết người xảo quyệt, lưu manh như tử tù Hồ Xuân Phú…”. Rồi vị cán bộ này tiết lộ những tình tiết rợn người của vụ án gây chấn động dư luận năm nào, những gian giảo của Phú hòng qua mặt lực lượng công an.

Quá trình cơ quan công an khám nghiệm tử thi, Phú là một trong hai người dân địa phương được phép có mặt tại hiện trường để giúp cơ quan chức năng. Bởi lẽ, Phú là thanh niên khỏe mạnh, lại là hàng xóm thân cận của nạn nhân (hai nhà sát vách nhau- PV) nên hành động hào hiệp giúp đỡ gia đình gặp nạn hết lòng của Phú là một điều rất hợp lý, một vỏ bọc hoàn hảo. Khi làm thủ tục khâm liệm cho chị Phượng, tên này còn chạy lăng xăng đi mua rượu giúp mọi người lau vết máu cho nạn nhân, miệng luôn liến thoắng: Bọn giết người dã man, bắt được phải “xử tử”...

Bằng nghiệp vụ, công an khi ấy đã có cơ sở nghi ngờ Phú nhưng việc triệu tập y để lấy lời khai không đem lại kết quả bởi y trả lời quá trơn tru, mọi mốc thời gian trùng khít, hợp lý đến bất ngờ. Hơn nữa, do tên này đã kịp đốt hết những tang chứng gồm đồ đạc cá nhân của bị hại nên đã có thời điểm việc điều tra tưởng như rơi vào ngõ cụt.

Song lưới trời khó thoát, có một nhân chứng quan trọng đã cho biết rằng, nhìn thấy Phú đốt thứ gì đó ở quán sửa xe của y. Lúc đó, Phú chột dạ nên không dám đốt vật chứng cuối cùng là chiếc sim điện thoại của nạn nhân, y vội ném về phía cửa sổ, tưởng rằng chiếc sim ấy sẽ biến mất dưới lớp cỏ dại mọc um tùm trong vườn. Nào ngờ, chiếc sim không rơi ra vườn mà nằm lại ngay trên khe cửa sổ và vô tình lọt vào tay điều tra viên. Trước tình tiết bất ngờ này, Phú bước đầu thừa nhận có liên quan song y vẫn ngoan cố chối tội.

Một điểm dã man, độc ác của Phú là y đã bất chấp mọi thủ đoạn, bất chấp tình thân để chạy tội cho mình. Khi bị bắt về trụ sở công an, y đã khai rằng, y không giết người mà chỉ giúp người anh họ con ông bác thực hiện kế hoạch. Người mà Phú đã “chấm” để thế thân hắn là Đỗ Đăng Chiến (SN 1986, cùng quê Phú). Chiến vốn bị bệnh động kinh từ nhỏ, đầu óc không được tỉnh táo như người thường. Phú từng mặc cả với điều tra viên: “Các chú phải hứa, cháu nói ra các chú đừng làm gì anh cháu nhé. Anh ấy thiệt thòi và đáng thương lắm! Anh Chiến là người bị động kinh, các chú đừng hỏi gì nhiều, các chú cứ để cháu gánh chịu!?””.

Thế nhưng, khi Chiến được triệu tập lấy lời khai, một mực khẳng định không biết, không giết ai, khiến công tác điều tra trở nên phức tạp. Sau cùng, bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, Phú đã buộc phải cúi đầu thừa nhận tội lỗi và Chiến được minh oan. Lời khai của Phú sau này còn cho thấy, Phú giết người không phải do bột phát khi nhìn thấy nạn nhân Phượng, y đã có kế hoạch từ đầu. Theo đó, kế hoạch của y là giết người em trai của Phượng. Nhưng do không hẹn được cậu em trai ra chỗ vắng người để giết như dự định, đồng thời lại thấy Phượng bất ngờ từ chỗ làm trở về nhà nên tên Phú đã chuyển mục tiêu sang Phượng.

Điều tra viên nói với tôi, anh cứ bị ám ảnh mãi vụ án đấy. Ám ảnh vì những gì anh được chứng kiến khi xuống hiện trường, một cô gái ngoan ngoãn, chăm chỉ như Phượng lại bị chết thảm quá. Và điều làm vị cán bộ này thấy ghê sợ chính là bản chất lưu manh thể hiện ngay trong những hành động che đậy tội lỗi của tên Phú. Từ việc tên này giả bộ hào hiệp giúp đỡ gia đình nạn nhân đến việc đổ tội lỗi lên người anh họ bị thần kinh. Nhưng sau cùng, Phú đã phải đền tội bằng án tử, điều đó làm một chiến sỹ công an như anh, một công dân như tôi, như mọi người luôn tin tưởng rằng cái ác ở đời luôn bị trừng trị đích đáng.

Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc