Lời báo hiếu muộn của tử tù trẻ nhất đất Cảng

07:21, 05/09/2012
|

(VnMedia) - Gặp Hồ Xuân Phú trong bộ quần áo tử tù, những lời có hiếu dành cho mẹ của y khiến người đối diện cảm thấy trùng lòng. Nhưng đằng sau lời có cánh đẫm tình hiếu thuận ấy lại là tội ác kinh hoàng, được che đậy bằng thủ đoạn bỉ ổi…

Đau đáu nỗi nhớ mẹ

Ảnh minh họa

Phú niềm nở, "vui" đến lạ lùng!


Gặp tử tù Hồ Xuân Phú (SN 1987, trú tại xóm 10, thôn Ao La, xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng) nơi trại tạm giam của Công an Hải Phòng những ngày chờ thi hành án, tôi thoáng bất ngờ bởi thái độ niềm nở, “vui” đến lạ lùng của y. Phú nói năng nhỏ nhẹ như con gái nhưng không hề tỏ ra buồn rầu mà trái lại suốt buổi trò chuyện, y luôn giữ nụ cười hồn nhiên trên môi. Tôi tò mò hỏi điều gì khiến y vui đến thế, Phú bảo: “Không ạ, thì các thầy động viên bảo ra gặp nhà báo nên em phấn khởi hơn một tí. Em có cơ hội tâm sự với người khác nên cũng nhẹ nhõm hơn, chứ ở trong buồng giam, lủi thủi suốt ngày đêm, chẳng nói chuyện với ai được…”

Và rồi đúng như tử tù này thừa nhận, Phú tận dụng triệt để thời gian gặp mặt này để thỏa mãn nhu cầu nói của y. Phú kể về cuộc sống trong bốn bức tường trại giam, đó là chuỗi ngày dài y sống trong dằn vặt, day dứt. Trong lời kể của Phú, y ít nhắc đến nạn nhân đã bị y tước đi mạng sống, dù y có thừa nhận rằng ân hận về tội lỗi lắm lắm. Phú say sưa nói về mẹ, về tình cảm hiếu thuận của y dành cho mẹ. “Lúc nào em cũng nghĩ và thương mẹ ở nhà. Mẹ em đã 52 tuổi rồi. Tháng nào mẹ cũng vào thăm nuôi em một lần. Ở trong này, khi được cho phép em luôn viết thư cho mẹ, thi thoảng gửi cho em trai…”.

Gần 50 lá thư của tử tù Hồ Xuân Phú gửi mẹ là những nỗi nhớ niềm thương chan chứa, những đêm thức trắng không ngủ, những lời ân hận muộn màng, lời căn dặn đứa em trai trước khi “ra đi”. Mỗi nét chữ Phú viết là những thổn thức, dằn vặt của một đứa con tội đồ. Nhắc đến mẹ, lời của Phú bỗng trùng xuống, không còn vẻ hồ hởi, vui vui như khi vừa gặp tôi. Phú bảo, từ khi bị bắt, mỗi lần được gặp mẹ là một lần hai mẹ con nước mắt lã chã, chẳng nói được lời nào. Phú thương mẹ nhiều bởi mỗi lần thăm nuôi xong, mẹ Phú về nhà mang theo những suy tư não nề và ốm. Sau mỗi lần như thế, thầy quản giáo thường động viên Phú rằng, phải cứng rắn làm chỗ dựa tinh thần cho mẹ. Dần dần Phú cũng hiểu ra và sau đó không còn khóc mỗi lần được gặp mẹ nữa. Ít phút ngắn ngủi được gặp thân nhân, Phú tranh thủ hỏi han mọi người trong gia đình, động viên mẹ vững tâm.

Không muốn Phú bị cuốn theo những xúc cảm dành cho mẹ, tôi chủ động lái câu chuyện sang một hướng khác, khơi gợi những tâm sự thầm kín của tử tù Hồ Xuân Phú, song mọi dẫn dắt trong lời kể của y cuối cùng vẫn là hình ảnh người mẹ già. Trong một thoáng, giọng Phú hơi lạc đi, như thể sắp khóc: “Mẹ em thương em lắm!”. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi rơi vào khoảng lặng trong giây lát. Rồi dường như ghìm lại được cảm xúc đang dâng trào, Phú tiếp tục trò chuyện, giọng điệu tỏ ra hóm hỉnh, vui vẻ hơn. Phú bảo không hiểu vì sao y cứ run bần bật và y tự lý giải, có lẽ run vì gặp nhà báo.

Thèm được làm nũng mẹ!

Ảnh minh họa

Phú thèm cảm giác được làm nũng mẹ!


“Em bị bắt đã gần hai năm nay nhưng sao em vẫn không thể quen được môi trường tù này. Đôi khi ốm đau, vẫn cứ nghĩ như hồi đang ở nhà, được bàn tay mẹ chăm sóc….”. Cảm xúc về mẹ dù có được Phú cố ghìm nén trong lòng nhưng như một phản xạ tự nhiên, chỉ vài lời kể chuyện tiếp theo y lại nhắc đến mẹ, người mẹ mà đến khi Phú đã lâm vào cảnh tù tội rồi, y mới có dịp nói lời có hiếu. Phú không giấu giếm rằng, nơi chốn ngục tù, y vẫn thèm cảm giác được làm nũng mẹ. Tính cách trẻ con ấy ở kẻ tử tù trẻ nhất đất Cảng khiến y làm nũng ngay cả với những cán bộ quản giáo phụ trách buồng. Hoặc có lần, điện nơi buồng giam đột nhiên bị tắt giữa đêm, bóng tối bao trùm khiến Phú hoảng loạn, la hét và đòi được lắp riêng một đường dây điện dự phòng. Tất nhiên những đòi hỏi phi lý ấy chẳng khi nào được đáp ứng, bằng tấm lòng nhân hậu nhưng nghiêm khắc, cán bộ quản giáo đã giúp Phú hiểu rõ quy định trại giam và giúp y trở về đúng thân phận tử tù của mình.

Lời cuối cùng trước khi chia tay, Phú vẫn đau đáu nỗi niềm về mẹ. “Bố em mất sớm, năm ấy em mới 14 tuổi, một mình mẹ nuôi lớn 4 anh chị em chúng em bằng nghề khai thác đá. Em tiếc nuối những khoảnh khắc được xum vầy bên mẹ và em trai lắm. Giờ em không có cơ hội được chăm sóc, báo hiếu cho mẹ nữa. Em ân hận lắm! Lúc gây án em đã chẳng nghĩ được gì. Em thậm chí không dám cắt tiết gà trong ngày giỗ bố mà không hiểu sao lúc ấy lại có thể giết chết Phượng (nạn nhân vụ án Phú gây ra – PV). Giờ em sợ lắm, sợ cảm giác lúc trả án, sợ đến run người chị ạ! Đến mức em phải để củ tỏi chỗ mình nằm…”.

Tôi đột ngột cắt ngang lời kể của Phú, hỏi xem y có bao giờ mơ thấy nạn nhân không. Phú thừa nhận: “Chị ơi! Em cũng muốn mơ thấy cái Phượng để xem nó về có nói gì em không, nhưng từ lúc gây án đến nay, chưa một lần em mơ thấy nó…”. Rồi Phú giải thích thêm rằng, có lần gia đình nạn nhân đã nhờ thầy bói xem giúp, ông thầy ấy nói rằng số phận của Phượng là phải do tay y đánh chết, bởi nạn nhân tuổi rắn còn y tuổi mèo, mà y lại là mèo rừng nên đánh rắn thì phải đánh trúng đầu mới chết được. Phú còn khẳng định, bố mẹ nạn nhân đã vì thế mà thông cảm cho y?!, thậm chí còn làm đơn xin giảm nhẹ tội cho y trong phiên xử phúc thẩm.

Những lời kể của Phú, nỗi niềm đau đáu về mẹ của Phú trong phút chốc đã khiến tôi mủi lòng, cảm thông. Phút chốc ấy trước mắt tôi dường như chỉ còn là lời của đứa con hiếu nghĩa với mẹ chứ không phải lời một tử tù phạm tội giết người. Nhưng khi nghe y nói về tội ác đã gây ra, nói về nạn nhân xấu số, một cảm giác rờn rợn, ớn lạnh trong tôi. Rồi đến một ngày, tôi đã có dịp để hiểu ra, đằng sau vẻ hiếu thuận của Phú là một nhân cách khác, bỉ ổi và thủ đoạn đến ghê người.

(Còn tiếp)

Toàn Trung

Ý kiến bạn đọc