Thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

07:26, 01/07/2014
|

(VnMedia)- Mặc dù đã chỉ đạo các cán bộ chiến sỹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu không xác định rõ được có phải mũ bảo hiểm đạt chuẩn hay không thì các đơn vị chỉ tuyên truyền, nhắc nhở và xử lý theo hướng có lợi cho người vi phạm. Tuy nhiên, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cũng ban hành hướng dẫn cách nhận biết mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy...

>> Chưa phạt người đội mũ bảo hiểm không chuẩn  


Ảnh minh họa

Theo quy định tại điểm i, k, khoản 3, Điều 6 Nghị định 171/2013/NĐ-CP của Chính phủ người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện có các hành vi vi phạm các quy định về trật tự an toàn giao thông như: Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe gắn máy” hoặc “đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ; chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc “đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách thì bị xử phạt.

Nhưng, thế nào là mũ bảo hiểm đạt chuẩn?

Theo quy định về sản xuẩt, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy khi tham gia giao thông (gọi tắt là mũ bảo hiểm) là mũ đủ các tính năng:

Cấu tạo phải có đủ các bộ phận vỏ mũ, lớp đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo.

Mũ phải được chứng nhận hợp quy, được gắn dấu hợp quy CR (dấu hợp quy CR phải được thể hiện một cách rõ ràng, dễ đọc, được in trực tiếp lên mũ bảo hiểm hoặc được dán lên mũ bảo hiểm bằng chất liệu không thấm nước, không thể tẩy xóa, làm mờ dấu hợp quy) và có ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật.

Nếu là mũ sản xuất trong nước thì nhãn của mũ phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm. Phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”; Tên địa chỉ và cơ sở sản xuất; Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.

Nếu là mũ nhập khẩu thì tối thiểu phải bao gồm các thông tin: Tên sản phẩm (vẫn phải có cụm từ “Mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy”); Tê địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu và phân phối; Xuất sứ hàng hóa; Cỡ mũ; Tháng, năm sản xuất.

Mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ có một số kiểu dáng như mũ che nửa đầu, mũ che cả đầu và tai, mũ che cả đầu, tai và hàm.

Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai mềm gắn liền với vỏ mũ hoặc lưỡi trai rời tháo lắp được thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không quá 70mm.

Trường hợp mũ bảo hiểm có lưỡi trai cứng gắn liền với vỏ mũ thì độ dài của lưỡi trai tính từ điểm kết nối với vỏ mũ đến điểm xa nhất của lưỡi trai không được lớn hơn 50mm.

Trường hợp mũ bảo hiểm có vành cứng xung quanh thì không được nhô quá 20mm.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, 60% mũ bảo hiểm hiện nay không đạt chuẩn. Trong năm 2013, các vụ tai nạn giao thông đã khiến 764 người chết và 336 người bị thương; trong đó gần 65% các vụ tai nạn có liên quan đến bảo hiểm, hầu hết trẻ em dưới 14 tuổi bị tai nạn giao thông là do ngồi trên xe máy.

Để hạn chế những tai nạn đáng tiếc từ mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, từ 1/7, lực lượng chức năng sẽ xử phạt người đi xe máy đội mũ không đủ 3 bộ phận bao gồm: vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động và quai mũ.

Theo Thông tư liên tịch 06 (của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công an, Bộ Công thương), mũ bảo hiểm rởm là những loại mũ có kiểu dáng bên ngoài giống mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy nhưng không có dấu hợp quy; không hoặc chưa có công bố tiêu chuẩn chất lượng, vi phạm về nhãn hàng hóa; các loại mũ làm giả, làm nhái mẫu mã của các thương hiệu mũ bảo hiểm xe máy đúng quy chuẩn chất lượng; các loại mũ bảo hiểm xe máy không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Điều 8, Thông tư 06: Trách nhiệm của người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy

Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe đạp máy khi tham gia giao thông có trách nhiệm:

1. Đội mũ bảo hiểm theo đúng quy định của pháp luật
2. Cài quai mũ theo quy định sau đây:

a. Kéo quai mũ bảo hiểm sang hai bên rồi đội mũ và đóng khóa mũ lại. Không được để quai mũ lỏng lẻo mà phải đóng khít với cằm.
b. Sau khi đội mũ bảo hiểm cần kiểm tra lại bằng cách: Dùng tay kéo mũ từ đằng sau ra đằng trước hoặc nâng phần trên trước trán (hoặc phần cằm đối với mũ cả hàm) lên rồi kéo ra đằng sau, mũ không được bật ra khỏi đầu.


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc