60 triệu đồng và hơn 1000 “bản án” kinh hoàng

19:30, 12/08/2013
|

(VnMedia)- Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Nhưng các bác sỹ ở bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội lại cố tình quên điều này vì sức mạnh kim tiền...

>> Kết luận điều tra ban đầu vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm

Những "bản án" độc ác đến từ những... "từ mẫu"

Những ngày đầu tháng 8, khi người dân Hà Nội đang lên kế hoạch đối phó với hai cơn bão số 4, 5 liên tiếp; lên phương án chống ngập lụt thì người dân lại được phen bàng haòpng về thông tin "nhân bản" phiếu xét nghiệm tại một bệnh viện tuyến huyện ở Thủ đô. Theo kết luận điều tra ban đầu, 
bước đầu xác định đơn tố giác của cán bộ bệnh viện Đa khoa Hoài Đức về việc bệnh viện in kết quả xét nghiệm huyết học khống để thanh toán tiền bảo hiểm của bệnh viện là đúng. Việc làm khống này nhằm mục đích để thanh toán lấy tiền của bảo hiểm y tế chuyển về bệnh viện chuyển tới các khoa sử dụng chung và các mục đích cá nhân.

 Ảnh minh họa

 Những mẫu bệnh phẩm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Hà Nội. Ảnh: Vietnam+


Theo Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Hà Nội, “trên cơ sở tài liệu có trong hồ sơ do Cơ quan điều tra thu thập được đến nay bước đầu chỉ xác định việc làm kết quả xét nghiệm khống để điều trị cho các bệnh nhân chỉ nhằm mục đích thanh toán tiền bảo hiểm y tế và quyết toán tiền chi phí, nhân công, hóa chất phục vụ cho công tác xét nghiệm".

Căn cứ vào tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, cơ quan công an phát hiện 66 quyển sổ theo dõi kết quả xét nghiệm, 33 quyển sổ theo dõi khám chữa bệnh, 41 hồ sơ bệnh án, 52 phiếu xét nghiệm huyết học, 1 phiếu xét nghiệm nước tiểu có đính kèm kết quả xét nghiệm đã bị cắt ngày, tháng.

Bên cạnh đó, cơ quan cảnh sát điều tra còn thu giữ được 10 bản phô tô phiếu xét nghiệm huyết học, 446 phiếu in kết quả xét nghiệm huyết học.

Cơ quan công an xác định, từ tháng 07/2012 đến tháng 05/2013, Khoa xét nghiệm của Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã cấp phát 2.237 phiếu xét nghiệm cho bệnh nhân trong đó có 1.149 phiếu xét nghiệm huyết học trùng nhau. Trong tổng số phiếu xét nghiệm giống nhau thì có 1037 phiếu xét nghiệm khống.

"Việc làm trên là hành động lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Ban Giám đốc Công an Hà Nội vẫn đang chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra khẩn trương thu thập tài liệu để làm rõ trách nhiệm của các cá nhân có liên quan, nhằm sớm khởi tố bị can đối với các cá nhân có vi phạm để truy tố nghiêm theo quy định của pháp luật", ông Chung cho biết.

Cũng theo đánh giá của cơ quan điều tra, bằng việc "nhân bản" kết quả xét nghiệm, Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức đã được bảo hiểm chi trả số tiền hơn 60 triệu đồng.

Khi thông tin này được công bố, bên cạnh sự bàng hoàng, dư luận đã trải qua những cảm giác căm phẫn, phẫn nộ và giận dữ. Cả những người trong cuộc lẫn dư luận đều không thể hình dung được giám đốc bệnh viện đa khoa Hoài Đức và các chuyên viên giúp việc cho vị giám đốc thiếu đạo đức nghề nghiệp này đã suy nghĩ gì khi đang tâm thực hiện hành động trái đạo đức và pháp luật như thế. Không biết, một giây phút nào đó, trong khi chỉ đạo "nhân bản" kết quả xét nghiệm những người thực hiện có chợt nghĩ đến, nếu người nhà mình trong hoàn cảnh bệnh nhân thì sao!?

Tại sao cố tình quên lời thề danh giá!

Khi vụ việc được báo chí phanh phui, dư luận không chỉ cảm thấy bất bình trước hành vi vi phạm pháp luật này mà còn phẫn nỗ trước hành vi vô đạo đức của ông giám đốc và ê kíp của ông ta. Ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam, các thầy thuốc phải đọc Lời thề Hippocrates khi chuẩn bị ra trường để hành nghề. Lời thề này được các sinh viên Y khoa đọc và nguyện làm theo trong lễ tốt nghiệp.

Người ta cho rằng Hippocrates (được coi là cha đẻ của Y học phương Tây) hoặc một đệ tử của ông chính là tác giả của lời thề này. Nó được viết bằng tiếng vùng Ionia của Hy Lạp cổ đại (cuối thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên). Học giả cổ điển Ludwig Edelstein đã cho rằng các lời tuyên thệ này được viết bởi các môn sinh phái Pythagore, tuy nhiên thuyết này đã bị nghi ngờ do thiếu bằng chứng xác thực.

Nội dung của Lời thề này khá ngắn gọn: Tôi xin thề trước Apollon thần chữa bệnh, trước Æsculapius thần y học, trước thần Hygieia và Panacea, và trước sự chứng giám của tất cả các nam nữ thiên thần, là tôi sẽ đem hết sức lực và khả năng để làm trọn lời thề và lời cam kết sau đây:
 
Tôi sẽ coi các thầy học của tôi ngang hàng với các bậc thân sinh ra tôi. Tôi sẽ chia sẻ với các vị đó của cải của tôi, và khi cần tôi sẽ đáp ứng những nhu cầu của các vị đó. Tôi sẽ coi con của thầy như anh em ruột thịt của tôi, và nếu họ muốn học nghề y thì tôi sẽ dạy cho họ không lấy tiền công mà cũng không giấu nghề. Tôi sẽ truyền đạt cho họ những nguyên lý, những bài học truyền miệng và tất cả vốn hiểu biết của tôi cho các con tôi, các con của các thầy dạy tôi và cho tất cả các môn đệ cùng gắn bó bởi một lời cam kết và một lời thề đúng với Y luật mà không truyền cho một ai khác.
 
Tôi sẽ chỉ dẫn mọi chế độ có lợi cho người bệnh tùy theo khả năng và sự phán đoán của tôi, tôi sẽ tránh mọi điều xấu và bất công.

Tôi sẽ không trao thuốc độc cho bất kỳ ai, kể cả khi họ yêu cầu và cũng không tự mình gợi ý cho họ; cũng như vậy, tôi cũng sẽ không trao cho bất cứ người phụ nữ nào những thuốc gây sẩy thai. Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết.
 
Tôi sẽ không thực hiện những phẫu thuật mở bàng quang mà dành công việc đó cho những người chuyên.
 
Dù vào bất cứ nhà nào, tôi cũng chỉ vì lợi ích của người bệnh, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất là tránh cám dỗ phụ nữ và thiếu niên tự do hay nô lệ.
 
Dù tôi có nhìn hoặc nghe thấy gì trong xã hội, trong và cả ngoài lúc hành nghề của tôi, tôi sẽ xin im lặng trước những điều không bao giờ cần để lộ ra và coi sự kín đáo trong trường hợp đó như một nghĩa vụ.
 
Nếu tôi làm trọn lời thề này và không có gì vi phạm tôi sẽ được hưởng một cuộc sống sung sướng và sẽ được hành nghề trong sự quý trọng mãi mãi của mọi người. Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại.

Dù không theo nghề y, nhưng cá nhân người viết và chắc hẳn nhiều người khác khi đọc nội dung của lời thề này đều thấy cảm động, thấy trân quý. Vậy nhưng Lời thề Hippocratesđã thua sức nặng của kim tiền.

Đến thời điểm này, khi mọi chuyện đã rõ ràng, vụ việc đã trở thành vụ án. Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án. Vụ việc chắc chắn sẽ được xử lý nghiêm. Bởi phát biểu tại cuộc họp, đánh giá về những sai phạm tai Bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định:  Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức là bệnh viện tuyến huyện của Thủ đô mà lại có những sai phạm hết sức nghiêm trọng. Hành vi này sẽ gây ra những hậu quá đáng tiếc.

"Những sai phạm trên có biểu hiện của hành vi cố ý làm trái quy định chuyên môn của ngành y và lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ. Ngoài ra, việc làm sai trái này có tính hệ thống và lặp đi lặp lại nhiều lần. Đặc biệt là có hành vi môi giới và nhận hối lộ. Tôi yêu cầu cơ quan chức năng phải điều tra và xử lý một cách nghiêm minh", ông Nghị nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố về việc xử lý các vi phạm, tiếp tục hoàn thiện những đánh giá vi phạm và chủ động đề xuất những biện pháp xử lý. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý bệnh viện và tiếp tục rút kinh nghiệm trong toàn ngành.

Bên cạnh Lời thề mang tính quốc tế nói trên, ở Việt Nam lâu nay khi nhắc đến nghề y, thường có câu “Lương y như từ mẫu”. Đây không chỉ là sự tôn vinh nghề thầy thuốc mà còn là một yêu cầu bắt buộc đối với những người hoạt động trong lĩnh vực này. Chính vì vậy, để tránh "con sâu làm rầu nồi canh", chắc chắn các đối tượng liên quan sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc trước pháp luật. Và bên cạnh việc "thượng tôn pháp luật", các cá nhân vi phạm cũng cần phải nhớ đến nội dung tuyên thệ cuối cùng trước khi hành nghề: "Nếu tôi vi phạm lời thề này hay tôi tự phản bội, thì tôi sẽ phải chịu một số phận khổ sở ngược lại".


Thanh Hường

Ý kiến bạn đọc