Kinh hoàng những vụ nổ mìn tự tạo chết người

17:23, 21/05/2013
|

(VnMedia) - Hàng loạt vụ án mà hung thủ gài mìn, sử dụng thuốc nổ thời gian gần đây khiến dư luận không khỏi lo ngại về việc quản lý thuốc nổ còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở hiện nay…

>>
Kinh hoàng nạn nổ mìn tan xác vì ân oán

Ảnh minh họa
Thuốc nổ công nghiệp và kíp nổ bị thu giữ

Sử dụng, buôn bán chất nổ tràn lan

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước xảy ra hàng loạt vụ nổ mìn, khiến nhiều nạn nhân bị chết thảm. Những đối tượng manh động đã sử dụng mìn tự tạo để “giải quyết” mâu thuẫn tình cảm, đòi nợ thuê, chuyện nợ nần…

Gần đây nhất là vụ nổ mìn kinh hoàng xảy ra ở Thái Nguyên. Người chồng do ghen tuông đã thủ sẵn mìn trong người, đón đường vợ đi làm về rồi nổ mìn sát hại vợ, dẫn đến hậu quả cả hai vợ chồng đều mất mạng. Sự việc xảy ra vào khoảng 12h, ngày 14/5, tại địa phận xóm 2, xã Hà Thượng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Nạn nhân là anh Nguyễn Văn Long (sinh năm 1988, ở xã Hà Thượng, huyện Đại Từ), còn người vợ tên Nga.

Trước đó, khoảng 15h ngày 20/4, chị Vũ Thị Thúy (26 tuổi, trú tại xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), là người yêu cũ của  anh Trần Văn Chung (29 tuổi, ở Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, Hải Dương) đi xe máy BKS 33 M8-5408 đến nhà anh Chung. Sau khi nói chuyện với anh Chung, khoảng 17h cùng ngày thì chị Thúy đứng lên ra về.

Trước khi chia tay, chị Thúy và anh Chung đứng nói chuyện với nhau ở cạnh chiếc xe máy để ở gần cửa nhà thì bất ngờ phát ra tiếng nổ lớn. Chị Thúy bị hất ra xa, tổn thương nặng ở vùng bụng, được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong. Anh Chung cũng gục ngã ngay tại chỗ và được mọi người đưa vào bệnh viện cấp cứu.

Cơ quan điều tra, công an Hải Dương xác định, chị Thúy chính là nghi can gây nên vụ nổ. Chiếc xe máy Thúy mang đến đám cưới của người yêu cũ đã được gài thuốc nổ dưới yên và được kích nổ bằng điện thoại di động. Từ vụ việc này cho thấy, việc sử dụng chất nổ quá dễ dàng, tràn lan đến thiếu nữ “chân yếu tay mềm” cũng có thể mua được để sử dụng cho mục đích của mình.

Không chỉ xảy ra những vụ nổ mìn mà rất nhiều vụ buôn bán vận chuyển thuốc nổ bị phát hiện, bắt giữ khiến dư luận không khỏi hoang mang, lo sợ.

Mới chỉ cách đây vài ngày, Công an thị xã An Khê (Gia Lai) đã phát hiện đường dây mua bán trái phép vật liệu nổ. Theo đó, bắt quả tang hai đối tượng gồm Phạm Quốc Sỹ (SN 1962) và Nông Văn Bảy (SN 1977), cùng trú tại xã Sơ Pai (huyện Kbang, Gia Lai) vận chuyển thuốc nổ và vật liệu nổ trên chiếc xe mô tô BKS 81S1-5419. Tang vật bị bắt giữ gồm 1 kg thuốc nổ, 5 kíp điện bằng nhôm.

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng đã khai nhận mua lại số thuốc nổ và kíp nổ trên của bà Nga ở huyện Đak Pơ. Đến 17 giờ cùng ngày, Công an thị xã đã tiến hành khám xét nhà đối tượng Lê Thị Tuyết Nga (SN 1969), trú tại thôn Hiệp An, xã Cư An, huyện Đak Pơ đã phát hiện và thu giữ 558 kíp nổ, 1,4 kg thuốc nổ, 1,8 kg dây cháy chậm, 100 viên đạn AK còn mới và 22 viên đạn AR15 đã cũ. Công an thị xã An Khê đã tạm giữ hình sự đối tượng Nga để tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc.

Trước đó, chiều 2/4, lực lượng trinh sát của Đồn biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã phát hiện và bắt giữ Nguyễn Bình Minh (42 tuổi, trú xã Trung Giang, H.Gio Linh) khi Minh đang trên đường vận chuyển một khối lượng thuốc nổ lớn.
Tang vật thu được gồm 170 kg thuốc nổ công nghiệp, 1.500 kíp nổ và một lượng lớn dây dẫn nổ.

Nhiều kẽ hở trong việc quản lý vật liệu nổ

Theo thống kê, từ năm 2004 đến nay, trên toàn quốc đã xảy ra hơn 400 vụ nổ, trong đó có 259 vụ nổ có dấu hiệu tội phạm. Các cơ quan bảo vệ pháp luật đã điều tra làm rõ được hơn 160 vụ, bắt hàng trăm đối tượng. Riêng năm 2012, thống kê của Bộ Công an cho biết, có 66 vụ tội phạm dùng chất nổ gây nổ, tăng 186,9% so với năm 2011.

Ngoài một số tỉnh, thành phố lớn, bọn tội phạm còn sử dụng chất nổ gây án tại một số địa phương khác như Thái Nguyên, Khánh Hòa, Nghệ An. Địa điểm phát nổ là trụ sở làm việc, khu vực công cộng, nhà riêng, cửa hiệu buôn bán…

Thực tế cho thấy, những vụ án mà hung thủ gây án sử dụng mìn, thuốc nổ… đều dẫn đến hậu quả khôn lường. Tuy nhiên, thời gian qua liên tiếp xảy ra những vụ án mà hung thủ gài mìn, sử dụng thuốc nổ khiến dư luận lo ngại về việc quản lý thuốc nổ còn lỏng lẻo và nhiều kẽ hở hiện nay.

Theo một cán bộ điều tra cho hay, một thực tế hiện nay là tình trạng vũ khí, vật liệu nổ tàn dư của chiến tranh vương vãi trên một số địa phương còn khá nhiều và đến nay vẫn chưa được thu hồi hết, nhất là các loại bom, mìn trong lòng đất, dẫn đến một số người dân vì mục đích kinh tế vẫn tiếp tục kiếm sống bằng nghề tìm bới, đào kiếm, tàng trữ, mua bán, vận chuyển sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trái phép…

Mặt khác, nhiều hộ ngư dân còn cất giấu, mua bán và sử dụng vật liệu nổ để sử dụng đánh bắt hải sản trái phép và số người bị chấn thương do sử dụng trái phép vật liệu nổ cứ tăng thêm hàng năm.

Ngoài ra, tại cửa khẩu Lạng Sơn việc buôn bán trôi nổi công cụ hỗ trợ, kíp mìn, chất nổ vẫn phổ biến. Tại đây, người dân có thể dễ dàng mua bán kíp mìn, chất nổ… Mặc dù quy định về sử dụng, buôn bán chất cháy nổ rất ngặt nghèo song tại các công trường khai thác đá, hoặc các công trình cần đến chất nổ…, công tác quản lý còn khá lỏng lẻo. Nhiều khi, những người khai thác đá còn tự ý sang nhượng chất nổ cho mỏ khác, hoặc tuồn ra ngoài để bán …

Được biết, trong thời gian qua việc quản lý, thu hồi vũ khí, vật liệu nổ đã được các cấp, các ngành và cơ quan chức năng triển khai sâu rộng. Công tác tuyên truyền, tổ chức cho người dân ký cam kết không buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các loại vũ khí, vật liệu nổ được triển khai đến các gia đình. Tại các trụ sở Công an xã, phường, thị trấn và các cấp chính quyền địa phương đều có địa điểm để người dân đến giao nộp vũ khí, vật liệu nổ. Tuy nhiên, công tác này chỉ có tác động đối với người dân có ý thức, còn đối với bọn tội phạm thì chúng luôn có nhiều thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật…

Từ ngày 1/1/2012, Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ đã có hiệu lực, quy định rất rõ ràng về hành vi quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các hành vi này nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, đã quy định rõ những hành vi vi phạm trong việc quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ. Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trong người hoặc trên phương tiện đang giấu, cất giữ vũ khí… trái phép thì các lực lượng chức năng đang thi hành công vụ phải kiểm tra, kiểm soát, tạm giữ người, phương tiện để xử lý theo quy định của pháp luật. Nếu những cá nhân, tổ chức nào vi phạm, kể cả bao che cho hành vi vi phạm, hoặc thiếu trách nhiệm cũng sẽ bị xử lý nghiêm, nếu cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…  


Ba Tư

Ý kiến bạn đọc