Trầy trật việc giải phóng mặt bằng ở huyện Từ Liêm

09:34, 21/05/2013
|

(VnMedia) - Dù là dự án công ích hay dự án của doanh nghiệp thì việc giải phóng mặt bằng ở huyện Từ Liêm cũng diễn ra như một "cuộc chiến". Sau những lần "trống giong cờ mở" là sự "án binh bất động" của chính quyền...

Tháng 8 bàn giao trường, mặt bằng chưa giải phóng xong

Theo thống kê của Sở Xây dựng Hà Nội, khu đô thị mới Mỹ Đình - Mễ Trì, Ủy ban Nhân dân huyện Từ Liêm thực hiện quản lý đất đai và triển khai đầu tư xây dựng trường tiểu học công lập tại khu đất TH2; hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng trong năm học 2013-2014 để phục vụ nhân dân địa phương... Có điều, đến thời điểm này, khu đất này vẫn chưa thực hiện xong giải phóng mặt bằng để các cháu có thể kịp vào học trong năm học mới.

Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Công Trình, Phó Ban Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm thừa nhận rằng, sự chậm chễ trong giải phóng mặt bằng dự án trường tiểu học Mỹ Đình là có thật. Đến thời điểm này, vẫn còn 4 hộ gia đình không chịu bàn giao mặt bằng. Theo dự kiến, ngày mai (22/5) huyện sẽ mời các ban ngành liên quan đến họp thống nhất ý kiến để giao chìa khóa nhà tái định cư trước cho các hộ dân. Ngày 10/6 sẽ tiến hành cưỡng chế cả 4 hộ trên.

Theo dự kiến đầu tư, tháng 8/2013 chủ đầu tư phải bàn giao công trình trường tiểu học Mỹ Đình hoàn chỉnh. Tuy nhiên, do vướng vào các hộ dân không bàn giao mặt bằng nói trên, nhiều khả năng công trình này không thể về đích đúng hẹn để các cháu có thể học tập trong ngôi trường mới ngay từ đầu năm học 2013-2014.

Đáng nói là, các hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng nói trên lại đang xây nhà trên đất nông nghiệp. Việc chính quyền địa phương mặc nhiên cho tồn tại những ngôi nhà kiên cố trên đất nông nghiệp để rồi chính đơn vị này phải "hết sức" mình giải phóng mặt bằng chúng dường như là "chuyện thường ngày" ở huyện Từ Liêm.

Một hộ dân, ách một dự án

Ảnh minh họa

6 năm nay, một doanh nghiệp được giao đất để thực hiện xây kho hàng trên địa bàn xã Mỹ Đình cũng trong tình cảnh "ngồi trên đống lửa" vì chưa giải phóng xong mặt bằng. Cũng như công trình trường tiểu học Mỹ Đình bị ách tắc bởi 4 hộ dân, dự án này bị vướng chỉ vì một hộ duy nhất.

Năm 2007, Cty sản xuất và dịch vụ xuất khẩu Nguyễn Hoàng được UBND TP Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư để thực hiện dự án xây dựng trụ sở giao dịch, giới thiệu sản phẩm và kho tại xã Mỹ Đình, Từ Liêm, Hà Nội. Theo đó, dự án có tổng diện tích 5.596m2, trong đó có 5.196 m2 đất nông nghiệp của 38 hộ gia đình và 400m2 đất công do UBND xã Mỹ Đình quản lý.

Ngày 21/6/2007 Sở Tài nguyên Môi trường & Nhà đất TP Hà Nội đã có công văn số 2703/TNMTNĐ-KH hướng dẫn Cty Nguyễn Hoàng bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đến tháng 9/2009 Cty này đã hoàn thành ký kết hợp đồng chuyển nhượng đối với 4.518m2 đất của 34/38 hộ gia đình. Còn lại 678 m2 đất nông nghiệp Cty Nguyễn Hoàng đã vấp phải sự không hợp tác thỏa thuận của 4 hộ gia đình có đất.

Trao đổi với PV VnMedia, ông Hoàng Hữu Chương, Giám đốc Cty Nguyễn Hoàng cho biết, Cty phải mất tới 2 năm tích cực vận động, thỏa thuận, nhiều lần xin ý kiến chỉ đạo và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, thế nhưng mọi biện pháp thương lượng, thỏa thuận và tuyên truyền vận động thuyết phục đều không đạt kết quả.

Vì vậy, ngày 15/10/2009, UBND TP. Hà Nội đã ban hành quyết định số 5321/QĐ-UBND về việc cho Cty Nguyễn Hoàng thuê 5.596m2 đất tại xã Mỹ Đình để thực hiện dự án xây dựng trụ sở giao dịch - giới thiệu sản phẩm và kho, đồng thời thu hồi 678m2 đất nông nghiệp của 4 gia đình.

Theo ông Chương, để sớm có mặt bằng sạch triển khai dự án, Cty Nguyễn Hoàng đã nhiều lần nâng mức hỗ trợ, đền bù đối với các hộ gia đình nói trên nhưng các hộ này không đồng ý với bất cứ mức hỗ trợ nào mà Cty đưa ra. Đặc biệt, có 01 hộ gia đình chính sách là ông Vũ Quang Suốt, ngoài tiền hỗ trợ, Cty Nguyễn Hoàng đã bố trí căn hộ tái định cư tại KĐT Mỹ Đình 1 trị giá hơn 2,7 tỷ đồng song gia đình ông Suốt vẫn không nhận tiền bồi thường cũng như căn hộ tái định cư. Thậm chí khi Cty Nguyễn Hoàng chấp thuận mua thêm 01 kiot tại chợ Mỹ Đình để hộ gia đình ông Suốt kinh doanh nhưng ông vẫn không chấp thuận.

Ông Trịnh Văn Quế, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Đình cũng phải ngao ngán lắc đầu về tiến trình giải phóng mặt bằng của dự án này. Theo ông Quế, dự án Nguyễn Hoàng đã quá đen vì gặp phải hộ dân nhiều "yêu sách" như vậy. Vị Phó Chủ tịch xã Mỹ Đình cho biết, hiện tại tình hình chỉ bị ách tắc về phía hộ dân nói trên, còn chủ đầu tư đã làm hết trách nhiệm. Thậm chí còn làm "thừa" việc!

Vì sao không cưỡng chế được?

Nếu nhìn vào những việc mà Công ty Nguyễn Hoàng đã thực hiện đối với hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt, rõ ràng đã đủ lý, tình. Tuy nhiên, theo như nhận xét của ông Nguyễn Công Trình, Phó Ban Giải phóng mặt bằng huyện Từ Liêm, ông Suốt đã không hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Trước sự bất tuân của hộ ông Suốt, ngày 16/8/2011, UBND huyện Từ Liêm đã ban hành quyết định số 7537/QĐ-UBND cưỡng chế thu hồi đất của gia đình ông này. Sau khi có quyết định cưỡng chế, Cty Nguyễn Hoàng tiếp tục kiên trì cùng chính quyền địa phương vận động gia đình ông Suốt tự nguyện nhận tiền bồi thường và căn hộ tái định cư, song gia đình ông Suốt lại đề nghị được đổi căn hộ tái định cư thành… 60m2 đất ở.

Mặc dù đây là đòi hỏi rất vô lý, nhưng vì để có mặt bằng triển khai dự án, Cty Nguyễn Hoàng cũng chấp nhận và UBND huyện Từ Liêm sau đó đã có văn bản đề nghị UBND TP Hà Nội xem xét, chấp thuận cho bố trí tái định cư theo nguyện vọng của gia đình ông Suốt.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng như Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố đã bác đề xuất này vì cho rằng không đủ cơ sở xem xét bố trí tái định cư bằng đất ở.

Ngày 2/10/2012, ông Vũ Hồng Khanh, Phó chủ tịch UBND TP đã ký công văn số 7576/UBND - TNMT đề nghị UBND huyện Từ Liêm chỉ đạo Hội đồng bồi thường hỗ trợ và tái định cư, chủ đầu tư tập trung tuyên truyền, vận động, thuyết phục để người dân hiêu, đồng thuận, sớm bàn giao mặt bằng và di chuyển về chỗ ở đã được bố trí tái định cư.

Cũng chỉ vì công văn này, vì việc tuyên truyền, nhắc nhở mà UBND xã Mỹ Đình, UBND huyện Từ Liêm cứ “khẩt lần”, để đến tận thời điểm này, 6 năm sau khi ngược xuôi tìm cách giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án, hộ gia đình ông Suốt vẫn ngang nhiên không chịu di dời.

Trao đổi với VnMedia, ông Nguyễn Công Trình, phó ban GPMB huyện Từ Liêm cũng phải thừa nhận rằng, huyện vào cuộc “hơi chậm” trong vụ việc này. Ông Trình cũng cho rằng, đến thời điểm này chỉ vì chần chừ vì hộ gia đình ông Vũ Quang Suốt là hộ gia đình chính sách, không có chỗ ở nào khác chứ không phải vì lý do cản trở nào của huyện.

Giải thích vì việc chậm tiến hành cưỡng chế để bàn giao mặt bằng sạch cho công ty Nguyễn Hoàng, ông Nguyễn Công Trình cho rằng, vì một số lý do khách quan như Tết nguyên đán, 30/04 nên phía huyện cũng chưa tập trung giải quyết được vấn đề trên.

“Tuy nhiên, chúng tôi mới có cuộc họp về vấn đề này, đồng chí Huệ Phó chủ tịch huyện phụ trách công tác GPMB đã giao cho trưởng ban GPMB huyện thực hiện các biện pháp để tiến hành cưỡng chế, chậm nhất sẽ giải quyết dứt điểm vào 30/05/2013”, ông Trình nói.

Ông Nguyễn Công Trình cũng khẳng định rằng, đây chắc chắn là thời điểm để huyện giải quyết dứt điểm sự việc chứ không chỉ “trên giấy” nữa.

Liên quan đến vấn đề này, trong quyết định trả lời mới nhất về việc giải quyết khiếu nại của ông Vũ Quang Suốt của UBND huyện Từ Liêm ngày 15/5/2013, Phó Chủ tịch huyện Nguyễn Thị Huệ đã tiếp tục khẳng định giữ nguyên Quyết định 13378/QĐ-UBND ngày 30/9/2010, trong đó tính bồi thường, hỗ trợ về đất nông nghiệp cho gia đình ông Suốt là 201.600 đồng/m2. Do gia đình ông Suốt không có nơi ăn ở nào khác ngoài vị trí đất nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Vì vậy, ngày 10/6/2011, UBND huyện Từ Liêm đã có quyết định số 5032/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư bổ sung đối với hộ gia đình ông Suốt, trong đó xét giao tái định cư căn hộ P403 nhà B6, diện tích 70,6m2 tại khu đô thị mới Mỹ Đình 1, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm

Quyết định này cũng khẳng định, nếu không đồng ý với quyết định này, ông Vũ Quang Suốt có quyền khiếu nại đến UBND thành phố Hà Nội hoặc khởi kiện tại TAND huyện Từ Liêm.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc


Trúc Dân

Ý kiến bạn đọc