Kết đắng của những cơn cuồng ghen

06:21, 14/08/2012
|

(VnMedia) - “Luật pháp luôn có tính nhân đạo nhưng với hành vi dã man mất hết tính người thì không thể tha thứ”. Đó là lời phán quyết cuối cùng của cơ quan pháp luật đối với hành vi phạm tội tàn ác vì ghen tuông mù quáng.

>> Cuồng ghen giết người: Mất cả chì lẫn chài!
>> Kinh hoàng những cơn ghen biến người thành thú
>> Thiêu sống người phụ nữ của mình trong cơn cuồng ghen
>> Giết chết con để trả thù "một nửa" của mình
>> Giới trẻ cuồng ghen và những thảm án đau lòng

Ảnh minh họa
Chỉ vì ghen tuông mà án mạng đã xảy ra. Ảnh minh hoạ

Ác hơn loài cầm thú
 
Có rất nhiều vụ án đau lòng do ghen tuông mà ra. Nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật mà người vợ/chồng “xuống tay” lạnh lùng với những người thân yêu. Những đối tượng trong cơn cuồng ghen thường mất hết lý trí, họ chỉ nghĩ mọi cách để thoả mãn “phần con” trỗi dạy trong bản thân: giết vợ, giết chồng, giết con, giết người tình..., chứ không biết rằng việc tước đi sức khoẻ, mạng sống của người khác là vi phạm pháp luật. Chỉ tới khi bị bắt, đối mặt với pháp luật, họ mới ân hận vì những hành động mình vừa làm. Nhưng đã quá muộn màng...
 
Ngày 24/5 vừa qua, TAND TP. Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Trần Hữu Trọng (SN 1978) trú tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh án tù chung thân về tội Giết người. Nạn nhân của Trọng chính là vợ bị cáo.
 
Trong cơn ghen điên cuồng, không kiềm chế được bản thân, người đàn ông này đã biến thành thú giữ: đổ xăng lên người vợ phóng hỏa và định chết cùng. Do bỏng quá nặng, người vợ đã chết và Trọng cũng bị bỏng 65% cơ thể.
 
Hay câu chuyện Trần Thanh Tùng (21 tuổi) có cô người yêu rất xinh xắn 19 tuổi. Thời gian sau khi yêu nhau Tùng thấy người yêu càng ngày càng lạnh nhạt với mình nên đâm ra ghen tuông. Sau một buổi cãi nhau kịch liệt, Tùng đi mua xăng về rồi khóa phòng trọ châm lửa đốt định chết chung với người yêu. Nhưng do nóng quá nên Tùng chạy ra ngoài. Thấy người yêu còn nằm bất động, Tùng chạy vào bế ra. Kết quả: người yêu Tùng bị bỏng gần 70% thương tật. Bản thân Tùng cũng bị 32% thương tật. Cái giá phải trả là 14 năm tuổi xuân trôi qua trong tù...
 
Không thể tha thứ
 
Tại các phiên toà xét xử những vụ án do ghen tuông mà ra, hầu hết khi phát biểu quan điểm, người đại diện cơ quan công tố đều khẳng định: “đối tượng phạm tội quá tàn ác, gây ra vụ án đau lòng với tính chất và hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ vì ghen tuông vô cớ mà bị cáo đã nhẫn tâm cướp đi sinh mạng hoặc gây thương tích cho người thân...”.

Thường những kẻ phạm tội nhận thức được việc làm của mình có thể giết chết người thân, tuy nhiên họ vẫn bất chấp tất cả, coi thường mạng sống người khác, coi thường pháp luật. Đây là hành vi có tính chất côn đồ, rất dã man, tàn bạo, mất hết tính người, không thể cải tạo nên cần thiết phải xử thật nghiêm.
 
Theo luật sư Phạm Hùng Thắng, Đoàn luật sư Thanh Hoá, nhiều bị cáo đã gây ra một bi kịch gia đình đau lòng chỉ vì nông nổi, ghen tuông mù quáng. Tuy nhiên, luật sư Thắng cũng thừa nhận, khó có người đàn ông, đàn bà nào yêu thương vợ hay chồng mà không bị kích động khi thấy “một nửa” của mình ở bên người khác. Do đó, việc họ phạm tội cũng có thể thông cảm.

Đối với trường hợp do ghen tuông mà chồng giết vợ hoặc vợ giết chồng, vì những đứa con thơ dại rất cần có bản án khoan hồng. Nếu như những đứa trẻ mất cha, hoặc mẹ giờ lại đối diện với nguy cơ mất nốt người còn lại thì chúng biết dựa vào ai. Dù người cha, người mẹ tội lỗi ấy phải nhận án chung thân suốt đời cách ly với chúng, nhưng lại là niềm hi vọng nhỏ nhoi, là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con tội nghiệp này. Mặt khác, luật sư cũng cho rằng, ngoài bản án bị pháp luật trừng phạt, họ sẽ phải chịu thêm sự trừng phạt của lương tâm mà suốt đời không bao giờ quên được.

“Luật pháp luôn có tính nhân đạo nhưng với hành vi dã man mất hết tính người thì không thể tha thứ”. Đó là lời phán quyết cuối cùng của cơ quan pháp luật đối với hành vi phạm tội tàn ác vì ghen tuông mù quáng.
 
Kết cục của những câu chuyện vụ án do ghen tuông mù quáng, là bản án tử hình hay tù giam đối với những kẻ phạm tội. Nhưng trên tất cả là bản án lương tri. Chỉ khi phạm tội họ mới ân hận là mình đã quá nóng tính, quá ghen tuông nên không làm chủ được cảm xúc đến nỗi có những hành động phạm pháp... Đây quả là cái kết đắng của những cơn cuồng ghen.


Phương Mai

Ý kiến bạn đọc