Bất động sản 2015 đặt cược vào chính sách

06:59, 03/01/2015
|

(VnMedia) - Sau 6 năm lao dốc, thị trường bất động sản năm 2015 sẽ tiếp tục có chuyển biến  tích cực, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để thị trường phát triển ổn định và bền vững hơn.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, kết thúc năm 2014, các chỉ số kinh tế vĩ mô đều rất tốt. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt gần 6%, cao hơn chỉ tiêu lạm phát được kiểm soát dưới 4%, các chính sách quản lý ngoại hối ổn định,… Điều này cho thấy, kinh tế Việt Nam đã đi qua điểm đáy của khủng hoảng. 
  
Cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, lĩnh vực bất động sản bắt đầu hồi phục. Sự tăng trưởng trở lại thể hiện số lượng giao dịch bất động sản. Năm 2014, lượng giao dịch bất động sản tăng qua các quý. 

Riêng thị trường Hà Nội có trên 13.000 người giao dịch chính thức, chưa bao gồm các giao dịch ngầm trên thị trường thứ cấp của người dân với người dân,… đây là con số Bộ thống kê được từ các chủ đầu tư. Con số này tăng gấp đôi so với năm 2013. Trước đó, năm 2013 lượng giao dịch lại tăng gần gấp rưỡi so với năm 2012. 

Tương tự tại TP.HCM, số lượng giao dịch mà Bộ Xây dựng thống kê được tăng 40% so với năm 2013. Như vậy, lượng giao dịch mua bán trên thị trường sôi động trở lại.

Ảnh minh họa

Ngoài ra, giá bán nhà liền kề, chung cư đã thiết lập mặt bằng mới, phù hợp với sức mua của thị trường. Cùng với sự hỗ trợ từ phía ngân hàng và doanh nghiệp, đại bộ phận người dân đã mua được nhà ở.

Để có thể tiếp cận được với nguồn cầu có khả năng thanh toán, các chủ dự án cũng đã điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm. Các chủ đầu tư thay vì chạy theo các loại căn hộ diện tích lớn, giá đắt, hoàn thiện sang trọngthì này đã chuyển sang nhiều loại phân khúc khác nhau.   

Cũng theo Thứ trưởng Nam thì điểm quan trọng nhất, đó là dòng tiền hiện đang hướng mạnh vào bất động sản. Riêng dư nợ tín dụng của ngành ngân hàng trong lĩnh vực bất động sản mà Bộ Xây dựng mới thống kê trong 11 tháng 2014 cho thấy cao gấp đôi so với dư nợ tín dụng trung bình. Điều đó có nghĩa dòng tiền hướng vào bất động sản ngay từ các ngân hàng thương mại. Hiện, con số dư nợ cho vay bất động sản đạt cao hơn 290 nghìn tỷ. Trong khi, năm 2010, 2011 có thời điểm xuống thấp nhất 180 nghìn tỷ. 

“Điều đáng mừng nhất đó là bất động sản cũng đã được đưa ra khỏi danh mục ngành phi sản xuất, giảm hệ số rủi ro của thị trường bất động sản khi cho vay từ 250% xuống 150%. Điều này tạo điều kiện cho các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc đưa dòng tiền cho vay các chủ đầu tư, vào thị trường bất động sản…làm cho thị trường sẽ ấm lên rất nhiều” Thứ trưởng Nam   nhấn mạnh.   
 
Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) dự báo, thị trường bất động sản 2015 tiếp tục có những chuyển biến tích cực, như lượng giao dịch ổn định và tăng về cuối năm, giá cả ổn định…Những dự án có tiến độ thi công tốt, hạ tầng tương đối và không quá xa  trung tâm, đi lại thuận tiện sẽ tiếp tục tiêu thụ tốt.

Cũng theo ông Phấn, hàng tồn kho sẽ tiếp tục giảm, nhưng tốc độ giải quyết hàng tồn kho sẽ chậm hơn trước, vì chủ yếu tồn kho hiện nay là những dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa có, diện tích căn hộ lớn. Bên cạnh đó, xu hướng mua bán sáp nhập các dự án tiếp tục tăng.

“Các doanh nghiệp khó khăn sẽ phải điều chỉnh dự án cho phù hợp hoặc chuyển nhượng dự án, nhiều dự án gặp khó khăn về vốn đầu tư sẽ được các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư nước ngoài mua lại. Một số dự án đủ điều kiện, có vị trí tốt sẽ được khởi công, góp phần tăng nguồn cung căn hộ phù hợp cho thị trường. Để hỗ trợ thị trường phát triển, Bộ sẽ tích cực để sớm hoàn thiện các văn bản hướng dẫn Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản để luật sớm đi vào cuộc sống” ông Phấn nhận định.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), Lê Hoàng Châu cho rằng, hàng loạt chính sách đồng bộ hỗ trợ thị trường địa ốc được ban hành trong năm 2014 và có hiệu lực trong 6-7 tháng tới chính là cú hích mạnh mẽ cho ngành này trong năm 2015.

Ông Châu phân tích, có 5 điểm nhấn chính sách quan trọng hỗ trợ thị trường năm 2015. Một là gia hạn hiệu lực điều kiện và thủ tục chuyển đổi dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội hoặc dịch vụ, cho phép cơ cấu căn hộ lớn thành căn hộ vừa và nhỏ từ ngày 8/3/2013 đến ngày 31/12/2015.

Hai là NHNN cho phép Ngân hàng thương mại được sử dụng 60% nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn.

Ba là thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép Việt kiều được mua và sở hữu nhà như người trong nước, cho phép người nước ngoài nhập cảnh hợp pháp được mua và sở hữu nhà trong các dự án nhà ở thương mại.

Bốn là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) quy định nhà đầu tư có quyền chuyển nhượng các dự án bất động sản đã hoàn thành giải phóng mặt bằng, giao dịch bất động sản không bắt buộc phải thông qua sàn giao dịch.

Năm là Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định nhà đầu tư được quyền sản xuất, kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm, quy định nhà đầu tư được quyền tự do chuyển nhượng dự án, quy định mức ký quỹ các dự án có sử dụng đất từ 1% - 3% vốn đầu tư.

"Sau 6 năm bất động sản khủng hoảng, những quy định mới theo chiều hướng ngày càng khách quan, tiến bộ và hợp lý này có thể giúp làm tăng niềm tin và động lực vào sự hồi phục của thị trường địa ốc" ông Châu nhận định.

Anh Đào

Ý kiến bạn đọc