(VnMedia) - Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu: “Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", đồng thời nhấn mạnh “chủ trương một, biện pháp phải mười”; tinh thần cải cách, đổi mới phải được lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị.
Trong ngày làm việc thứ 2 của Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 diễn ra sáng nay (29/12), các Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành đã phát biểu, trao đổi, giải đáp, làm rõ những vấn đề được các địa phương đề cập hoặc kiến nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Đánh giá cao các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến tại Hội nghị, khẩn trương hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành kèm theo 242 nhiệm vụ, công việc cụ thể để các bộ, ngành, địa phương triển khai ngay từ ngày đầu tháng 1/2018.
Thủ tướng yêu cầu: “Đừng để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", đồng thời nhấn mạnh “chủ trương một, biện pháp phải mười”; tinh thần cải cách, đổi mới phải được lan tỏa trong toàn hệ thống chính trị.
Thủ tướng nhấn mạnh, ông không chỉ muốn nhắn nhủ đến lãnh đạo các bộ, ngành mà cả lãnh đạo các tổng cục, vụ, cục, các cơ quan liên quan… bởi theo Thủ tướng, cải cách đổi mới phải là cả hệ thống, nhất là người tham mưu.
“Lãnh đạo chuyển xuống Tổng cục mà Tổng cục để đó, tham mưu kiểu cũ, không đổi mới thì khó lắm. Tôi nói vấn đề này đầu tiên vì rất quan trọng”, Thủ tướng nhấn mạnh và nêu rõ, chỉ một bộ phận chuyển biến mà cả hệ thống không chuyển biến thì khó thành công.
Theo Thủ tướng, cần nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân người đứng đầu, gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ...
Quyết liệt hơn nữa trong tái cơ cấu đầu tư; tạo các điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến kích mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những động lực quan trọng cho phát triển đất nước. Đẩy nhanh thực hiện giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển, nhất là đầu tư tư nhân, xã hội hóa các nguồn lực đầu tư. Thu hút có chọn lọc các dự án FDI; kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI. Phấn đấu tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2018 là 34% GDP.
Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, mở rộng thị trường; phấn đấu năm 2018 tăng kim ngạch xuất khẩu khoảng 10%. Xây dựng, phát triển mạnh các thương hiệu quốc gia, trước hết là lương thực, nông sản, rau quả, trái cây, thủy sản Việt Nam. Đi liền với đó là kiểm soát tốt nhập khẩu, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu qua đường tiểu ngạch đối và tạm nhập, tái xuất.
Phát triển mạnh thị trường trong nước; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phân phối, bán lẻ; quản lý và kiểm soát tốt sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài; khuyến khích, kích cầu tiêu dùng trong nước. Tăng cường quản lý thị trường, giá cả; xử lý nghiêm các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, buôn lậu, hàng giả; bảo đảm cân đối cung-cầu hàng thiết yếu, không để sốt giá, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.
Tăng cường liên kết trong sản xuất, tạo các chuỗi giá trị. Tạo chuyển biến mạnh trong tích tụ, tập trung đất nông nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp năm 2018 đạt khoảng 3%, kim ngạch xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD.
Về công nghiệp, tiếp tục tập trung phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu. Thúc đẩy cơ cấu lại công nghiệp, đẩy mạnh hơn nữa phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ cao, công nghệ thông minh, sản phẩm cạnh tranh, thân thiện môi trường.
Thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ. Đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, tạo chuyển biến rõ nét trong nâng cao chất lượng dịch vụ, du lịch; xây dựng môi trường du lịch thân thiện, văn hóa, an ninh, an toàn cho du khách; phấn đấu đạt mục tiêu 15-17 triệu du khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2018.
Quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tập trung thực hiện hiệu quả chính sách đối với người có công, người nghèo; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, hộ nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về công tác y tế, dân số trong tình hình mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ trong đời sống, sản xuất. Hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động; phấn đấu đạt tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế cao hơn 85,2%....
Thực hiện tốt công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; cần có sự phối chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ này.
Xây dựng bộ máy hành chính trong sạch; hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung mạnh vào cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Đổi mới phương thức, lề lối làm việc, xây dựng đội ngũ cán bộ có tinh thần phục vụ cao, kịp thời giải quyết, xử lý các khó khăn, vướng mắc của người dân, doanh nghiệp.
Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư, khiếu nại tố cáo. Tăng cường đối thoại, giải quyết khiếu nại tố cáo ngay từ cấp cơ sở. Xử lý nghiêm những trường hợp kích động, lôi kéo công dân khiếu kiện đông người hoặc lợi dụng khiếu kiện để gây rối.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác thông tin, truyền thông góp phần tạo đồng thuận xã hội, đi liền với đó xử lý nghiêm các vi phạm, lợi dụng tự do báo chí, tự do dân chủ đưa thông tin xấu, độc, sai sự thật.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, Tết Nguyên đán cổ truyền 2018 sắp đến, các cấp bộ, ngành, địa phương phải tập trung chăm lo Tết cho nhân dân; không để người dân bị thiếu đói, nhất là người dân vùng bị thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số. Kiểm soát tốt địa bàn, không để diễn ra tình trạng đốt pháo nổ, cờ bạc, buôn lậu, lễ hội trái phép, lãng phí...
Xuân Hưng