Những kết luận thanh tra khiến dư luận "choáng váng"

06:07, 29/12/2017
|

(VnMedia) - Năm 2017, Thanh tra Chính phủ đã công bố hàng loạt kết luận thanh tra, trong đó cho thấy những sai phạm gây “choáng váng” dư luận bởi những sai phạm nghiêm trọng. VnMedia xin điểm lại một vài vụ “đình đám” của năm 2017.

Sai phạm khủng tại một số dự án BT, BOT ở TP. Hồ Chí Minh

Theo Kết luận số 2242 của Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thực hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, qua thanh tra, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh xem xét xử lý sai phạm hơn 2 nghìn 172 tỷ đồng tại 06 dự án.

Theo đó, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ, UBND TP HCM đã không thực hiện xây dựng danh mục dự án, không thực hiện công bố danh sách dự án hoặc thực hiện công bố dự án chậm theo quy định. Công tác lựa chọn nhà đầu tư chủ yếu thực hiện theo hình thức chỉ định thầu (dự án xây dựng cầu Phú Mỹ thực hiện theo hình thức đấu thầu; Dự án cải tạo, nâng cao quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc và Dự án Xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu Công nghiệp Phú Hữu có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ) không theo đúng quy định; một số dự án trong quá trình triển khai thực hiện đã không thực hiện đúng các quy định về lựa chọn nhà thầu, không lập kế hoạch đấu thầu, lập hồ sơ mời thầu, tổ chức đấu thầu, chấm thầu, thẩm định kết quả trúng thầu nhưng cơ quan thẩm quyền không kiểm tra việc đăng tải thông tin về đấu thầu và lựa chọn nhà thầu theo quy định….

Dự án cầu Phú Mỹ
Dự án cầu Phú Mỹ thực hiện không đúng quy định

Công tác nghiệm thu thanh toán, quyết toán như nhà đầu tư đã lập hồ sơ chậm (Dự án xây dựng cầu Phú Mỹ, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc); không phê duyệt điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhưng đã lập hồ sơ đề nghị quyết toán dự án (dự án xây cầu Phú Mỹ); chậm xác định lại thời gian khai thác và hoàn vốn dự án (Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc); thu phí vượt phương án tài chính nhưng chưa chuyển trả Thành phố và đưa khoản ứng vốn cho Thành phố vào phương án tài chính chưa đúng thủ tục (Dự án cầu Bình Triệu II); Nghiệm thu không đúng một số chi phí quản lý, chi phí xây lắp, chi phí trung tu, chi phí thuê nhà (Dự án xây dựng đường kết nối vào cầu Phú Mỹ, Dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1A, đoạn An Sương - An Lạc, Dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu).

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, UBND thành phố Hồ Chí Minh xử lý sai phạm hơn 2.172 tỷ đồng của các dự án. Trong đó phê duyệt không đúng khoản tiền 1.400 tỉ đồng, phê duyệt tăng sai trên 67 tỉ đồng…

BOT
Hàng loạt dự án BOT bị phát hiện sai phạm nghiêm trọng - ảnh minh họa

Lộ sai phạm trong những dự án BT nghìn tỷ ở Hà Nội

Theo kết luận thanh tra các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường ở Hà Nội của Thanh tra Chính phủ (TTCP), UBND TP.Hà Nội đã để xảy ra sai phạm trong hàng loạt các dự án nghìn tỉ.

Theo đó, đến thời điểm thanh tra, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn, chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu có sơ tuyển. 14 dự án còn lại, việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thông qua hình thức chỉ định thầu.

Về lựa chọn nhà đầu tư, thẩm định, đánh giá năng lực đối với nhà đầu tư, UBND TP.Hà Nội không thực hiện đúng quy trình; Việc lựa chọn, thẩm định, đánh giá năng lực đối với một số nhà đầu tư không chính xác, thiếu chặt chẽ; lựa chọn ký hợp đồng để thực hiện dự án đối với một số nhà đầu tư không đảm bảo năng lực theo quy định.

Đáng chú ý, qua thanh tra, các dự án được kiểm tra khi trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có chung lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, UBND TP.Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định và không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án.

Kết luận thanh tra của cũng chỉ rõ, một số nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án trong khi năng lực về tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực như Công ty CP Tasco đối với Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco đối với Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An.

Về thẩm định, phê duyệt một số nội dung đầu tư, tổng mức đầu tư, dự toán của một số dự án BT, UBND TP.Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm sai tăng tổng vốn đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp các phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất.

Trong số đó, có thể kể đến dự án đường trục phía nam tỉnh Hà Tây cũ, cơ quan chức năng có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ trong tổng vốn đầu tư dự án BT là chưa có cơ sở dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng, gây ảnh hưởng lớn đến việc xác định giá trị để giao đất của các dự án khác đối ứng dự án BT….

TTCP cũng kết luận, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Hàng loạt dự án BOT ở Bộ GTVT sai phạm, kiến nghị thu hồi hàng nghìn tỷ đồng

Kết luận của Thanh tra Chính phủ sau khi thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong việc thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức BT và BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường tại Bộ GTVT, cho thấy, trong quá trình triển khai, Bộ GTVT chưa thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT dẫn đến làm hạn chế số lượng nhà đầu tư tiềm năng tham gia.

Thực tế, với hơn 70 dự án đã thực hiện không lựa chọn nhà đầu tư nào theo hình thức đấu thầu, 100% là chỉ định thầu, trong đó có nhà đầu tư được chọn chưa đảm bảo năng lực dẫn đến nhiều bất cập, sai sót làm hạn chế hiệu quả thực hiện dự án.

Đơn cử như Tổng công ty 36 là công ty trong liên danh nhà đầu tư thực hiện Dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình cam kết góp vốn hơn 67,3 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu của Tổng Công ty có 285 tỷ nhưng đã đầu tư vào Dự án BOT Quốc lộ 19 là 279 tỷ đồng…

Bộ GTVT cũng còn coi nặng tiêu chí hoàn vốn dự án, thiếu nghiên cứu hợp lý khả năng nộp phí của đối tượng tham gia giao thông cũng như sự ảnh hưởng đến chi phí hoạt động vận tải, chi phí xã hội trước khi quyết định đầu tư dự án; đặt một số trạm thu phí khoảng cách gần nhau bất hợp lý, giá phí tăng cao, tăng nhanh, gây khó khăn với người tham gia giao thông, không có sự lựa chọn nào khác. Điển hình tại các khu vực Hà Nội, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình… Phát sinh tình trạng người điều khiển phương tiện tìm cách tránh trạm thu phí.

Qua kiểm tra một số nội dung về tổng mức đầu tư đối với 6 dự án xác định giá trị phê duyệt sai tăng trên 451,6 tỷ đồng. Trong đó, dự án hầm đường bộ Phước Tượng, Hầm Phú Gia trên 44 tỷ đồng; dự án nâng cấp tuyến đường Pháp Vân- Cầu Giẽ 18,8 tỷ đồng; dự án đường Hoà Lạc- Hoà Bình và cải tạo nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai- Hoà Bình trên 51,2 tỷ đồng; dự án đường Thái Nguyên- Chợ Mới trên 101 tỷ đồng; dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 đoạn Km0+000 đến Km123+105 trên 225,195 tỷ đồng; dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 20 Km123+105 đến Km268 là 11,14 tỷ đồng.

Trong khi đó, kết quả kiểm toán 27 dự án BOT của Kiểm toán nhà nước cho thấy, việc tính toán xác định tổng mức đầu tư của 11/27 dự án còn chưa chính xác, làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý giá trị 465,5 tỷ đồng do nguyên nhân tính toán dự phòng trượt giá chưa phù hợp, áp dụng lương công nhân không đúng quy định, áp sai giá vật liệu, tính sai khối lượng.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác thiết kế cơ sở chưa tốt, trong quá trình thực hiện phải điều chỉnh bổ sung dự án, dẫn đến phải điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư. Điển hình như dự án QL1 Khánh Hòa, tăng 179 tỷ đồng, dự án quốc lộ Quảng Nam, tăng 126 tỷ đồng, quốc lộ Cần Thơ – Phụng Hiệp tăng 26 tỷ đồng… Một số dự án lớn BOT, tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 18 Uông Bí – Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng. Các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. Kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.

Vi phạm của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái

Biệt phủ Yên Bái
Biệt phủ của Giám đốc Sở TN&MT Yên Bái

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, UBND thành phố Yên Bái cho phép bà Hoàng Thị Huệ  (vợ ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Yên Bái) chuyển hơn 13.581 m2 đất nông nghiệp sang đất ở nhưng không thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất là không đúng quy định tại khoản 2, điều 69 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 của Chính phủ. Chi cục Thuế TP Yên Bái không thông báo, không xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ của bà Huệ là không thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, làm thất thu ngân sách nhà nước. UBND thành phố Yên Bái cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Huệ khi chưa xử lý việc chậm nộp tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ của bà Huệ là không đúng với quy định của Luật Đất đai và Luật Quản lý thuế…

Trên cương vị là Giám đốc Sở TNMT tỉnh Yên Bái, ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai tài sản, thu nhập không trung thực. Theo đó, năm 2014 ông Quý đã không kê khai 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp do bà Hoàng Thị Huệ (vợ ông Quý) đứng tên; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỷ đồng. Năm 2015, ông Phạm Sỹ Quý không kê khai 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp do bà Huệ đứng tên; không kê khai khoản vay ngân hàng hơn 6,3 tỷ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỷ đồng. Năm 2016, ông Phạm Sỹ Quý đã kê khai thiếu gần 4.900 m2 đất ở, hơn 27.500 m2 đất nông nghiệp đứng tên bà Huệ; không kê khai tiền vay ngân hàng hơn 9,1 tỷ đồng….

Hàng loạt sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng ở Hà Nội

Hôm 22/11 vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã ban hành Thông báo Kết luận số 2923 về việc quản lý đầu tư xây dựng một số Dự án phát triển nhà ở, khu đô thị và quản lý, sử dụng quỹ đất, quỹ nhà để lại từ các dự án đầu tư phát triển khu nhà ở, khu đô thị của UBND TP Hà Nội, giai đoạn từ năm 2002-2014.

Theo kết luận Thanh tra, công tác lập, phê duyệt quy hoạch xây dựng còn nhiều hạn chế như: chất lượng quy hoạch yếu, các bước lập quy hoạch chưa phù hợp một số chỉ tiêu, phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần, dẫn đến thay đổi về tầng cao, hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, mang tính tự phát, thiếu căn cứ khoa học cũng như thực tiễn.

Việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch 1/500 không căn cứ vào quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/2000 đã được phê duyệt. Hậu quả là các dự án sau đầu tư đã góp phần phá vỡ quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết 1/2000 đã được phê duyệt. Tình trạng tùy tiện đó tạo ra cơ chế xin-cho, ảnh hưởng đến trật tự kỷ cương, ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước.

Nhiều dự án sai phạm về quy hoạch làm tăng diện tích đất xây dựng, tăng diện tích sàn xây dựng, tăng diện tích tầng hầm, sử dụng diện tích đất thuê sai quy hoạch… nhưng chưa xác định được phần diện tích tăng để thu tiền bổ sung vào Ngân sách.

Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra một số dự án đã được giao đất trong thời gian dài, sở, ngành không tham mưu trình UBND Thành phố phê duyệt giá thu tiền sử dụng đất nhưng vẫn đầu tư xây dựng, kinh doanh và bán căn hộ cho khách hàng (Lô CT2, Dự án khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ do Công ty Vinaconex 2 làm chủ đầu tư).

Trong khi đó, Sở TN&MT Hà Nội cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở khi không đủ điều kiện theo quy định như: Chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính cho nhà nước, điều kiện giao dịch dân sự chưa đảm bảo là vi phạm quy định.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiểm tra, xem xét, xử lý và thu hồi về Ngân sách thành phố số tiền 509 tỷ đồng và thu hồi số tiền hơn 1.000 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Đồng thời kiến nghị UBND thành phố Hà Nội tổ chức kiểm điểm trách nhiệm của tập thể cá nhân liên quan đến các sai phạm để có hình thức xử lý phù hợp. Đối với các hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm, yêu cầu chuyển cơ quan điều tra xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Xuân Hưng