Chống tham nhũng khu vực tư: Ôm đồm, khó khả thi?

05:51, 02/12/2017
|

(VnMedia) - Nhiều ĐBQH cho rằng, việc mở rộng chống tham nhũng ra khu vực tư theo Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng là do “sốt ruột, “ôm đồm,” “dàn trải” và “khó khả thi”…

chống tham nhũng

Như VnMedia đã đưa tin, trong khi nhiều ý kiến cho rằng tham nhũng ở khu vực tư rất nghiêm trọng, nhiều khi chi phối, lũng đoạn cả chính sách nên cần phải đưa vào luật thì một số ĐBQH cho rằng, việc mở rộng chống tham nhũng ra khu vực tư theo Dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng là do “sốt ruột, “ôm đồm,” “dàn trải” và “khó khả thi”…

ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre):

Thứ nhất, tội phạm tham nhũng là một tội phạm đòi hỏi một chủ thể đặc biệt, cho nên không thể ai cũng có thể vào diện tham nhũng được. Một chủ thể có thể phạm tội đưa hối lộ nhưng không thể gọi là đồng phạm của tội tham nhũng được.

Thứ hai, tôi thấy tính khả thi không đảm bảo. Vì một mặt các đại biểu cho rằng cần phải thu hẹp diện kiểm soát kê khai tài sản nhưng mặt khác lại muốn mở rộng thêm diện kiểm soát tham nhũng thì tôi cho rằng như thế là mâu thuẫn với nhau, chúng ta không đủ khả năng. Như vậy quy định không khả thi mà đưa vào luật này là rất khó.

Tôi hoàn toàn tán thành một quan điểm đó là cần phải cấp đường dây kết nối giữa khu vực ngoài nhà nước và khu vực nhà nước. Hay nói cách khác, đó là cấp nguồn dinh dưỡng của tham nhũng nhưng không có nghĩa là chúng ta chỉ sử dụng một con dao duy nhất là Luật Phòng, chống tham nhũng để cắt sợi dây này mà có những quy định khác nhau. Vì vậy, tôi đề nghị cân nhắc quy định mở rộng này, quan điểm của tôi là không tán thành mở rộng vì chúng ta nên bố trí kê khai tài sản từ những người bắt đầu vào ngạch công chức, chúng ta kiểm soát từ lúc đó trở lên. Tôi cho rằng điều đó mới quan trọng.

ĐB Lưu Bình Nhưỡng
ĐB Lưu Bình Nhưỡng

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh):

Tôi thấy nếu dàn trải quá làm không nổi và nếu chúng ta làm không khéo thì phân tán nhiệm vụ trọng tâm và cấp bách nhất của chúng ta.

ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh)

Với bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ chúng ta cần làm tốt, làm hiệu quả hơn nữa phạm vi chúng ta đang áp dụng đã là một sự cần thiết. Chúng ta điều chỉnh, bổ sung một số điều khoản để làm tốt hơn phòng, chống tham nhũng trong phạm vi, đối tượng hiện nay đã là hiệu quả. Do đó, tôi đề nghị việc mở rộng cần phải có lộ trình, phải có thời gian rồi chúng ta mới mở rộng sang khu vực như trong dự thảo.

Thứ hai, nó phục vụ cho việc phát triển kinh tế của nước ta hiện nay trong điều kiện triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 vừa rồi xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, chúng ta cần có độ trễ.

ĐB Nguyễn Văn Chiến (Nguyễn Chiến) - TP Hà Nội

Vấn đề thứ nhất, mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật này ra khu vực ngoài nhà nước, quan điểm của chúng tôi là không nhất trí, bởi vì chúng ta phải xác định làm rõ về các hành vi tham nhũng trong khu vực nhà nước và có biện pháp phù hợp hiệu quả thì mới có thể phát huy tác dụng. Luật này dàn trải, ôm đồm nhưng cơ chế cũng như thiết kế luật không bảo đảm về mặt thực thi cũng như phù hợp với các quy định của pháp luật khác.

Vấn đề đặt ra là mở rộng phạm vi ra khu vực ngoài nhà nước với quan điểm như đề cập ở trong dự thảo luật là chúng ta đang nhầm lẫn giữa các chủ thể tham gia thực hiện có hành vi tham nhũng cũng như việc xác định tài sản tham nhũng… Chúng ta cần phải xác định phạm vi phù hợp và đúng đối tượng với phạm vi điều chỉnh của luật cho đồng bộ, không được mâu thuẫn.

ĐB Nguyễn Chiến
ĐB Nguyễn Chiến

ĐB Bùi Văn Phương (Ninh Bình):

Theo tôi, một là phải quan tâm đến tính khả thi của luật, vì luật trong thời gian qua chúng ta ban hành ra nhưng qua quá trình thực tế thực hiện nó vẫn chưa đạt được như mong muốn. Bây giờ vì sốt ruột mà chúng ta xây dựng luật mới này, tham vọng đưa vào quá nhiều vấn đề, phạm vi rộng thì tôi nghĩ tính khả thi khó bởi vì không có nguồn lực để chúng ta làm.

Chúng ta quan tâm chuyện mở rộng đối tượng nhưng mở rộng đến đâu. Tôi cho là mở rộng ở những chỗ cần thiết là chúng ta phải làm. Chúng ta phải xác định xem đường đi của tài sản nhà nước bị tham nhũng đi ra đường nào… Tiền nhà nước đang lọt ra chủ yếu thông qua các dự án đầu tư, vấn đề tính thuế, vấn đề giao rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản, cấp quyền. Lọt ra ở đây bằng cách nào?  Đó là các doanh nghiệp khi chạy dự án mất đủ mọi loại chi phí ở nhiều vị trí mà người ta phải bỏ ra. Sau khi mất rồi họ phải thu lại, thậm chí có những thứ chi phí phải tính bằng tỷ lệ mà không đúng tỷ lệ là không xong. Bây giờ quan tâm là phải chống ở những chỗ này.

Toàn bộ dự án đầu tư công của chúng ta lớn như thế đều do các doanh nghiệp tham gia. Tham gia ở đây lại chính là tiền được phân chia lại cho những người có chức vụ quyền hạn ở các doanh nghiệp này. Tôi cho rằng nếu mình mở rộng ra mà rộng quá thì khó khả thi. Nhưng chúng ta mở rộng phạm vi trong tất cả các doanh nghiệp mà tham gia vào các dự án đầu tư công, tôi cho đây là phải quan tâm đến vì chính kẽ hở là ở đây. Nếu chúng ta có một cơ chế siết lại được quản lý ở trong các doanh nghiệp này, tôi nghĩ sẽ khó có thể tiền nhà nước lọt ra được.

ĐB Bùi Văn Phương
ĐB Bùi Văn Phương

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc