(VnMedia) - Việc đeo kính cận thị như thế nào để phù hợp và làm giảm tiến trình tăng độ cận thị của trẻ luôn là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những quan điểm trái ngược nhau.
Thấy con gái đang học lớp 4 có biểu hiện nhìn lên bảng không rõ, xem tivi hay nheo mắt, chị Trần Mỹ Hà (Hà Nội) liền đưa con đi khám mắt tại một cơ sở kính thuốc khá nổi tiếng. Tại đây, sau khi đo thị lực, các bác sĩ bất ngờ cho biết con chị đã bị cận thị độ 3 và kê đơn cắt kính. Tuy nhiên, khi về nhà, chồng chị đã không đồng ý cho con đeo kính đúng độ cận. Theo anh tìm hiểu thì nhiều người khuyên rằng, đeo kính nhẹ hơn từ 0,5 đến 1 độ sẽ làm giảm tiến trình tăng độ cận của con.
Cũng giống như chị Hà, nhiều gia đình khuyên nên đeo kính cho con nhẹ hơn với số độ đo thực tế.
Tuy nhiên, chia sẻ tại hội thảo “Những lưu ý trong cấp đơn kính trẻ em và cập nhật phương pháp mới trong chẩn đoán điều trị nhược thị” được tổ chức tại bệnh viện Mắt Hà Nội 2, Giáo sư Bruce D. Moore - chuyên gia khúc xạ và nhãn nhi, đại học nhãn khoa New England khẳng định, các nghiên cứu mới nhất cho thấy, nếu đeo kính nhẹ hơn sẽ làm hại cho mắt.
“Trước đây, và ngay cả bây giờ vẫn có nhiều người có quan điểm cho rằng đeo kính độ nhẹ hơn với độ cận của mắt sẽ làm giảm tiến trình tăng độ cận của trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, các nghiên cứu gần đây đều cho thấy điều đó là sai lầm. Nếu cận độ 3 mà chỉ đeo kính độ 2 thì làm hại cho mắt hơn và trong một số trường hợp sẽ làm tăng độ cận. Tôi khuyên các bác sĩ không nên đưa ra tư vấn như vậy vì đã có những nghiên cứu rõ ràng” - GS Bruce D. Moore chia sẻ.
GS Bruce D. Moore cũng cho biế, hiện nay đã có những hướng đi làm giảm quá trình tang độ cận thị của trẻ. Theo đó, thứ nhất, có thể sử dụng kính 2 tròng hoặc đa tròng. Theo ông, sử dụng kính đa tròng tốt với những bệnh nhân cận kèm lác trong, có thể do bệnh nhân bị lác trong khi nhìn gần. GS cũng cho rằng, có thể đeo kính áp tròng ban đêm để ổn định độ cận. Tuy nhiên, GS lưu ý khi thực hiện điều này cần chú ý đến vấn đề an toàn của trẻ cũng như hiện chưa có kết luận về hiệu quả với mắt sau khi dừng đeo kính áp tròng.
Phương pháp thứ hai, theo GS Bruce D. Moore, đó là sử dùng thuốc Atropin 0.01% làm chậm sự tiến triển của bệnh cận thị. “Cơ chế của phương pháp này hiện chưa rõ ràng, nhưng hiệu quả lại rất khả quan” – GS Bruce D. Moore cho biết và thêm rằng, “tôi tin là trong tương lai, sẽ có những loại thuốc khác có khả năng điều trị ngăn ngừa tiến triển của cận thị.”
GS Bruce D. Moore cũng chia sẻ thêm, liệu pháp tiếp xúc ánh sáng mặt trời cũng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn ngừa tiến triển cận thị. Tại Trung Quốc, một thí nghiệm cho thấy, trường học được làm bằng kính, cung cấp tối đa ánh sáng có tỷ lệ học sinh bị tăng độ cận ít hơn hẳn so với những trường học được xây dựng bằng tường kín, ít ánh sang tự nhiên. Tại Singapore hiện cũng áp dụng đưa học sinh, sinh viên ra ngoài trời nhiều hơn để hạn chế bệnh cận thị.
Chia sẻ với VnMedia bên lề hội thảo, TS Hà Huy Tài cho biết, trong chuyên môn về mắt, các bác sĩ không quan trọng lắm về chuyện đúng số hay không, mà làm sao khi chỉnh kính được thị lực cao nhất nhưng lại số nhỏ nhất. Đây là nguyên tắc kinh điển của chỉnh kính từ xưa đến nay.
“Ví dụ, một cháu đeo cận 2,5 được thị lực 10/10 và 2 được 10/10 thì phải cho cháu đeo kính 2 độ. Nếu 2,0 chỉ được 9/10 thì sẽ phải chọn kính 2,5” - TS Hà Huy Tài giải thích và cho biết thêm, ngoài ra, còn phải làm một số test khác,
“Đúng là quan niệm như GS Bruce D. Moore nói rất phổ biến trong nhân dân. Ví dụ chúng tôi kê cho các cháu đo kính 2 độ thì bố mẹ lại “mặc cả” chỉ cho 1 độ hay 1,5 độ thôi. Nhưng không phải cứ thấp là tốt” - TS Tài cho biết.
Tuy nhiên, TS Hà Huy Tài vẫn nhấn mạnh, dựa vào các nguyên tắc chuyên môn chứ không phải là thấp hơn hay bằng.
Về phương pháp sử dụng kính hai tròng hoặc đa tròng trong điều trị cận thị mà Gs Bruce D. Moore nói ở trên, TS Hà Huy Tài cho biết, hiện nay phương pháp này chưa phổ biến ở Việt Nam.
Về hiện tượng cấp kính cận cho trẻ khi chưa cần thiết,TS Hà Huy Tài cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà cả ở nước ngoài đều có, “nhưng ở Việt Nam chắc sẽ phổ biến hơn” bởi chưa có luật và các biện pháp kiểm soát các cửa hàng kính chạy theo lợi nhuận.
“Nhiều khi bác sĩ, kỹ thuật viên làm cho các cửa hàng kính đó phải làm theo ý của chủ, cận thị nhẹ chưa cần đeo kính đã cấp kính, và cũng như GS Bruce D. Moore nói, có nhiều vấn đề trong chuyện này như: nguồn cận thị còn cung cấp công ăn việc làm cho ngành nhãn khoa, từ chuyện bán kính đến việc mổ laze, điều trị biến chứng cận thị và bệnh đáy mắt…” - TS Hà Huy Tài nói.
Hoàng Hải