Đặc khu kinh tế: Đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ!

19:42, 22/11/2017
|

(VnMedia) - “Phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác” là những vấn đề ĐBQH lo ngại khi tổ chức "Đặc khu" kinh tế - hành chính.

Chiều 22/11, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật đơn vị kinh tế - hành chính đặc biệt (cùng với sự ra đời của 3 đặc khu kinh tế là Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang).

Góp ý tại Hội trường, ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) cho biết, việc lựa chọn thế hệ mô hình đặc khu, hiện trên thế giới có 3 thế hệ đặc khu: thời kỳ sơ khai, hiện đại và thời kỳ tiên tiến hiện nay. Hiện có 3 nước Mỹ, Đức, Trung Quốc đang triển khai mô hình đặc khu thế hệ thứ 3, chủ yếu tập trung vào công nghệ và trí tuệ nhân tạo.

Trong khi đó, dự thảo luật lại đang đi theo thế hệ thứ 2. “Tôi đề nghị hết sức cân nhắc. Cần tập trung cơ chế chính sách qua thực tiễn tổ chức mô hình của các nước cho thấy ưu đãi, đặc biệt là về thuế không phải vượt trội mà chính là môi trường làm thủ tục đầu tư”, ĐB Vân nói và nhấn mạnh phải chú ý mặt trái của các mô hình, “kể cả các mô hình thành công như Thẩm Quyến bứt phá, trong đó có mấy yếu tố: Phát triển thiếu cân đối, đầu cơ đất đai có nguy cơ mất chủ quyền lãnh thổ, lao động giá rẻ bị bóc lột, bất công xã hội, an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường và hàng loạt vấn đề khác”.

ĐB Lê Thanh Vân
ĐB Lê Thanh Vân

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) cũng góp ý về mục tiêu và cách làm, phát triển đặc khu kinh tế, bởi theo ông, thực tế đã có nhiều quốc gia làm đặc khu thất bại do cách làm. “Thời điểm này chúng ta không thu hút đầu tư bằng mọi giá, nên phải xác định nguyên tắc chi phối toàn bộ quá trình thành lập, điều hành tại các đặc khu” – ĐB Trương Trọng Nghĩa nói.

Theo ông Nghĩa, trước tiên, dự luật cần xác định rõ, những dự án đầu tư được cấp phép đầu tư vào đặc khu cần phải “tạo nội lực cho Việt Nam, bảo vệ chủ quyền, văn hoá Việt Nam”.

“Nếu nói cùng có lợi nhưng họ lợi 8, mình chỉ có 2 thì không đạt. Nhiều khi họ cam kết nhưng nửa chừng không đáp ứng được thì căn cứ vào luật chúng ta có quyền thu hồi, xử lý”, ĐB Trương Trọng Nghĩa phân tích.

Ông Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, việc ban hành dự luật và đưa vào 3 đặc khu cụ thể sẽ phát triển là Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc là chưa hợp hiến. Theo ông, nên ban hành Luật chung về đặc khu, còn 3 đặc khu muốn phát triển thời gian tới chỉ cần đưa vào Nghị quyết của Quốc hội do mỗi đặc khu có tính chất, đặc điểm và yếu tố điạ chính trị không giống nhau.

“Cách làm như vậy hợp lý và tốt hơn với các đặc khu, trong quá trình triển khai một trong 3 đặc khu không thành công thì lúc đó có thể dùng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh, chứ không phần sửa luật” – ĐB Nghĩa nêu ý kiến.

ĐB Trương Trọng Nghĩa cũng cho rằng, chính sách ưu đãi về đất đai cho nhà đầu tư chiến lược được cấp đất tới 99 năm, so với quy định hiện hành là tối đa 70 năm và do Thủ tướng quyết định, là chưa hợp lý.

“Liệu rằng 50 năm nữa còn xài tiền, còn đánh bạc không? nếu còn thì còn đánh theo kiểu casino hay không? Nếu 30 năm nữa casino thất bại chúng ta có thu hồi đất hay không?”, vị ĐB đoàn TP. Hồ Chí Minh đặt vấn đề và đề nghị không nên nới thêm thời gian cấp đất.

Luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đề nghị, dự Luật cần quy định dự án thất bại phải trả lại đất, và dự án nào muốn thay đổi ngành nghề khác thì phải thay đổi thủ tục. Theo đó, cần quy định có ngành không cho nước ngoài đầu tư, có những ngành không cho chuyển nhượng nước ngoài.

Đặc biệt, riêng với đặc khu Vân Đồn, dự thảo luật quy định cho phép sử dụng giấy thông hành của nước láng giềng cấp cho khách du lịch trong 30 ngày khiến ĐB Trương Trọng  Nghĩa lo lắng.

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, bên cạnh việc giao trưởng đặc khu nhiều thẩm quyền quan trọng, cần phải có cơ chế giám sát quyền lực, tránh tình trạng lạm quyền.

ĐB tỉnh Vĩnh Long đề nghị nghiên cứu tổ chức hội đồng đặc khu, đại diện cho nhân dân. Hội đồng này gồm các thành viên HĐND cấp tỉnh được bầu và Thủ tướng phê chuẩn.

ĐB Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) cũng kiến nghị cần có một hội đồng đặc khu với 2 hình thức tổ chức. Thứ nhất là bao gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực như kinh tế tài chính, tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh, pháp luật… Những chuyên gia này do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội bổ nhiệm. Thứ hai, trong thành phần có thể gồm cả chuyên gia và một bộ phận do dân bầu như hiện nay.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc