(VnMedia) - Dự báo, đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Tuy nhiên, cho đến nay, Việt Nam vẫn chưa thực sự có chương trình, giải pháp thích ứng với vấn đề già hóa.
Già hóa dân số là một trong những biến đổi nhân khẩu lớn nhất trên thế giới hiện nay. Trung bình, cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm thế giới có thêm khoảng 58 triệu người trên 60 tuổi. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người trên 60 tuổi và tỷ số này sẽ là 5 :1 vào năm 2050.
Thế giới hiện nay có khoảng 901 triệu người cao tuổi (năm 2015), chiếm 12,3% dân số thế giới và sẽ tăng lên thành hơn 2 tỷ người vào năm 2050, chiếm 22% dân số thế giới.
Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số tử năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số. Riêng số người từ 80 tuổi trở lên là 2 triệu người.
Dự báo, đến năm 2030, tỷ trọng người cao tuổi Việt Nam chiếm 17% và năm 2050 là 25%. Nếu như các nền kinh tế phát triển mất vài thập kỷ, thậm chí hàng thế kỷ để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như Úc là 73 năm, Mỹ 69 năm, Canađa 65 năm thì Việt Nam chỉ mất có… 22 năm.
Sự chuyển đổi nhân khẩu học này sẽ tạo ra những tác động rất lớn đối với tăng trưởng kinh tế, lao động, việc làm, tiết kiệm, đầu tư, chăm sóc y tế, an sinh xã hội, sự chuyển dịch các dòng di cư, thiết kế hạ tầng…
Vậy, Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào cho tương lai già hóa dân số đang "sầm sập" kéo đến ?
Nói về vấn đề này tại Hội thảo Quốc tế thích ứng với già hóa dân số (diễn ra ngày 17/7), ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Việt Nam khẳng định, "chúng ta chưa có chương trình, giải pháp thích ứng với già hóa".
Theo đó, y tế là một trong những điểm rất rõ rệt khi chưa được chuẩn bị đầy đủ về trang thiết bị, cơ sở vật chất và con người cho việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, trong khi nhu cầu ngày càng tăng. Cùng với đó, y tế dự phòng chăm sóc sức khỏe thường xuyên hướng đến chăm sóc sức khỏe người cao tuổi cũng chưa phát triển.
“Hệ thống y tế - lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính, bệnh đặc trưng của người cao tuổi”- ông Tân nhấn mạnh.
Về kinh tế, theo ông Tân, đây là một vấn đề rất lớn khi Việt Nam đang đứng trong một sự lựa chọn khó khăn. Tỷ lệ người cao tuổi tăng nhanh đe dọa sự an toàn của quỹ lương hưu nên có ý kiến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu để giảm áp lực cho quỹ. Nhưng điều này lại mâu thuẫn với mục tiêu tăng việc làm cho thanh niên. "Đây là mâu thuẫn khó khăn mà chúng ta phải giải quyết" - ông Tân nói.
Cũng theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, hiện nay, 70% người cao tuổi là nông dân, là lao động phi chính thức, không có lương hưu. Trong khi đó, diện tích đất nông nghiepẹ ngày càng thu hẹp. Cuộc sống về già hầu hết trông cậy vào con cái và đây không phải là một nguồn an sinh xã hội bền vững.
Một bước hết sức quan trọng trong việc chuẩn bị cho tương lai có tới ¼ dân số là người già, đó là hệ thống cơ sở chăm sóc dài hạn tập trung (nhà dưỡng lão). Theo ông Tân, nhà dưỡng lão trong hệ thống công hiện nay chưa có. Các trung tâm bảo trợ xã hội thì chưa đủ tiêu chuẩn của nhà dưỡng lão khi ở đây còn nuối cả trẻ em, mà yêu cầu của người già là hoàn toàn khác biệt. Trong khi đó, phần lớn các cơ sở đáp ứng được thì đều do tư nhân đầu tư và số lượng rất ít, chỉ có khoảng 10 cơ sở, trong đó cơ sở cao nhất có khoảng trên 100 cụ và ít thì chỉ khoảng 30 cụ.
Cộng với đó là tâm lý e ngại của người Việt, đặc biệt là của con cái khi cho rằng, đưa bố mẹ đến nhà dưỡng lão là bất hiếu… khiến cho việc phát triển các nhà dưỡng lão đúng nghĩa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Hoàng Hải
Ý kiến bạn đọc