Chủ tịch Hà Nội: Tiền đánh chuyển 1300 cây xà cừ có thể trồng 18.000 cây mới

14:16, 20/06/2017
|

(VnMedia) - "Với số tiền đánh chuyển cây, những loại cây có đường kính 25-30 cm, nếu đi mua trồng mới chỉ 3 triệu đến 3,5 triệu/cây thì với số tiền đó, chúng ta hoàn toàn có thể mua trồng mới 15-18.000 cây… và nếu đánh chuyển cũng không có chỗ nào để trồng" - ông Nguyễn Đức Chung nói về việc xử lý 1300 cây xà cừ ở đường Phạm Văn Đồng.

Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sáng nay (20/6), Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung đã có những chia sẻ hết sức cởi mở, thẳng thắn và minh bạch về chuyện xử lý 1.300 cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng để “chúng ta cùng tính toán”.

VnMedia xin trích đăng toàn bộ phần giải thích của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong buổi tiếp xúc cử tri để độc giả cùng phân tích, đánh giá.

“Trong chương trình NQ16 của Thành phố có 3 khâu đột phá, trong đó có hạ tầng giao thông. Thành phố đã xác định 52 dự án trọng điểm, trong đó có 39 dự án trọng điểm về giao thông, bao gồm 3 dự án hoàn thiện vành đai 1, vành đai 2 và vành đai 3; vành đai 2.5, vành đai 3.5 và vành đai 4.

Đường vành đai 3 này kéo dài từ đầu cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long, quy hoạch đường có từ năm 1992 và lẽ ra, khi có quy hoạch rồi thì không nên trồng cây vào giữa đường để bây giờ phải chặt. Nhưng thôi, bây giờ chuyện đã rồi.

Cây xà cừ này qua khảo sát cho thấy, trong 1.300 cây thì có những cây trồng trước khi xong cầu Thăng Long, cổ thụ đường kính 80-100 cm, chủ yếu là những cây trồng mau, có đường kính từ 35-40cm, trồng từ năm 1991 - 1994, có độ tuổi từ 25-28 năm.

Chúng tôi đã tham khảo rất nhiều nhà khoa học, nhưng hôm nay tôi không nói vấn đề sẽ làm như thế nào. Tôi hoàn toàn nhất trí với các ý kiến của các cử tri là cây nào thì để lại, cây nào thì đánh chuyển và cây nào thì chặt hạ.

Nhưng tôi xin nêu với cử tri một số thông tin để trong quá trình nghiên cứu. Chúng ta muốn làm gì thì cũng phải đảm bảo 3 yếu tố, thứ nhất là hiệu quả về kinh tế, làm sao để di chuyển, chặt hạ những cái cây này, khi làm dự án phải tính toán hiệu quả nhất về kinh tế.

Thứ hai là tính toán nghiên cứu xem cây xà cừ này đánh chuyển xong thì trồng ở đâu, nó có sống được không, và hiệu quả kinh tế đem lại là gì?

Thứ ba là Sở Xây dựng họp thông báo đúng vào cái hôm nắng nóng nhất trong 40 năm vừa qua, tạo ra cái bức xúc cho bà con, cho phép tôi thay mặt lãnh đạo thành phố rút kinh nghiệm cái này.

Nguyễn Đức Chung 2
Chủ tịch Nguyễn Đức Chung trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm sáng 20/6

Đánh cây xà cừ cổ thụ rồi trồng ở đâu?

Cây xà cừ 26-27 tuổi, đường kính 35-40cm, tới đây nếu chúng ta đánh đi thì trồng ở đâu? Trên địa bàn Thành phố không có tuyến phố nào có thể trồng được những cây này vì khi chúng ta đánh lên, rễ của nó phải có đường kính 3m, tới đây phải đào hố có đường kính 3,5m, ít nhất sâu cũng phải 1,5m thì mới cho cái cây vào trồng được.

Chúng ta cũng phải có cọc cao 25m, và phải chống trong vòng 3-4 năm, những cái rễ này ăn sâu vào thì mới đỡ được, thì lúc đó mới sống được. Chúng ta đang khó khăn như thế này, đánh cây đi để bỏ ra mấy chục triệu đánh chuyển, rồi lại mất công chăm sóc những cái cây, rồi trồng ở đâu? Tôi khẳng định các cây này không thể trồng ở các tuyến phố được, mà chỉ có thể đem ra công viên. Chúng tôi cũng đã nghĩ, những cây nào có thể trồng được thì tới đây sẽ đem ra những bùng binh đường 5 kéo dài và đường Võ Nguyên Giáp có bùng binh rất rộng để trồng vào đó. Nhưng cũng chỉ trồng một tỷ lệ nhất định chứ không thể trồng toàn bộ là cây xà cừ, còn phải trồng hoa, trồng các loại cây khác.

Thứ hai là nếu dự án này chậm, kéo theo dự án đường trên cao của Bộ Giao thông Vận tải vay bằng vốn ODA của Nhật Bản. Nếu tháng 7 này, Bộ Giao thông Vận tải không làm được thì nguồn vốn ODA của chúng ta sẽ bị cắt, đẩy giá thành lên rất cao.

Dự án này bắt đầu được duyệt từ tháng 6/2016, tháng 9 thì khởi động, đền bù. 822 hộ dân ở đây rất ủng hộ, tự nguyện đập nhà và đến nay hơn 200 hộ thuộc địa bàn Cầu Giấy đã bàn giao xong. Chưa có dự án nào công tác giải phóng mặt bằng nhanh như vậy. Nếu thuận lợi, chúng tôi sẽ thông được 2,7km vào trước tháng 7 này, còn lại phấn đấu từ nay đến cuối năm 2017 hoàn thành, Tổng dự toán của dự án này, nếu hoàn thành vào tháng 12 năm nay sẽ tiết kiệm được 600-700 tỉ, nhưng nếu kéo dài thì rất khó khăn.

Tôi rất mong muốn các quý vị cử tri quận Hoàn Kiếm, cũng như toàn bộ các cử tri, các nhà khoa học trên địa bàn Thành phố ủng hộ các chương trình phát triển kinh tế xã hội của Thành phố, đặc biệt là các chương trình phục vụ cho hạ tầng giao thông thành phố.

Tới đây, chúng tôi cũng rất trăn trở là nếu mở rộng tuyến đường từ vành đai 2 từ ngã tư Vọng đến cầu Vĩnh Tuy, hiện nay đã xong từ cầu Vĩnh Tuy đến cầu Mai Động, đoạn từ cầu Mai Động cho đến Bạch Mai và Trương Định, cũng có mấy chục cây xà cừ đường kính 1m2 đến 1m5 tới đây cũng phải xử lý. Rồi một loạt tuyến đường khác nữa.

Chúng tôi đã nghiên cứu, không một nước nào trên thế giới là không gặp phải vấn đề này. Vừa qua tôi đi Melbourne (Úc), người ta phải phá toàn bộ đi để làm sân vận động, và thực tế sau thì hiệu quả kinh tế lớn hơn. Chúng tôi cũng đang rất cân nhắc và hoàn toàn đồng ý với cử tri, sẽ cho khảo sát kỹ lưỡng, những cây nào còn chiều hướng phát triển tốt, đẹp thì cố gắng đánh chuyển, còn cây nào cong queo, không có giá trị về kinh tế, mỹ thuật thì phải chặt hạ. Những cây nào không vào tuyến đường thì để lại.

Với số tiền đánh chuyển cây, những loại đường kính 25-30 cm, nếu đi mua trồng mới chỉ 3 triệu đến 3,5 triệu/cây, chúng ta hoàn toàn có thể mua trồng mới 15-18.000 cây. Tôi xin báo cáo về kinh tế thế để chúng ta cùng tính toán.

Thành phố quyết định vấn đề này như thế nào? Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ công bố công khai trên cổng thông tin Thành phố và các báo đài của Hà Nội. Chúng tôi cam kết tất cả những chương trình dự án này đều được tính toán kinh tế nhất, hạn chế đến mức thấp nhất về kinh tế và hiệu quả nhất.

Về việc phải kiểm tra chặt chẽ đầu vào và đầu ra của việc trồng cây xanh, hiện nay toàn bộ việc trồng trên 350.000 cây, chúng tôi sử dụng từ 3 nguồn, thứ nhất là huy động các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố tặng cây. Đại sứ Phần Lan tại Hà Nội đã tặng Hà Nội 100 cây, Sơn La tặng 1000 cây hoa Ban, Điện Biên tặng 500 cây hoa Ban, công ty Việt Hưng tặng 20.000 cây Cọ Dầu trồng trên đại lộ Võ Nguyên Giáp, Ngân hàng PV Bank tặng 1300 cây Chà Là trên đường Võ Nguyên Giáp, rất nhiều công ty khác cũng đóng góp 500-1000 cây. Ngoài ra, Thành phố dùng ngân sách trồng, nhưng đều tính toán mua với số lượng lớn nên rẻ nhất.

Việc trồng các cây lộc vừng ở hồ Hoàn Kiếm là do các chuyên gia của Úc và Singapore đã nghiên cứu, chúng ta đào vỉa hè 50cm là đã õng nước, nên chỉ trồng cây lộc vừng là phù hợp nhất. Ngoài ra, khi trồng cây, có rất nhiều gia đình ủng hộ nhưng thực sự cũng có những cây trồng rất khó khăn, phải vận động, chính quyền phường cũng phải ra vận động mới trồng được. Cuối cùng, chúng tôi quyết định trồng cây lộc vừng vì tâm lý người dân ai cũng muốn trồng cây lộc vừng trước cửa nhà mình cho nó tốt nhất. Thế mới trồng được.

Tôi theo sát từng cái cây được trồng. Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm cũng chết mất gần một chục cây, trận nắng vừa rồi, có một số cây sấu bị chết dù các cây trước khi trồng đều dược dâm, ủ, có công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, đất mỗi nơi mỗi khác, đặc biệt là đất trên hè của chúng ta, dù đã được đưa mùn vào nhưng do đất nhiễm nước, ngập nước có nhiều vấn đề nên chúng tôi sẽ phải xem xét lại, trên cơ sở hiệu quả nhất.

Tuệ Khanh


Ý kiến bạn đọc