Nghi án Hiệu phó đưa thịt bẩn vào bếp ăn trường mầm non

08:40, 13/04/2017
|

(VnMedia) - Hơn 300 học sinh của một trường mầm non đã không được bố mẹ cho đến trường vì họ cho rằng bộ phận phụ trách dinh dưỡng của nhà trường đã tuồn thịt thối vào bếp ăn...

1
Trường mầm non xã Hợp Lý  (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc)

Xác nhận với phóng viên, ông Nguyễn Kim Phụng, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) cho biết: Ngày 27/3, hơn 300 học sinh trong tổng số 349 học sinh của trường mầm non xã Hợp Lý đã không được bố mẹ cho đến trường vì họ cho rằng bộ phận phụ trách dinh dưỡng của nhà trường đã tuồn thịt thối vào bếp ăn của nhà trường vào buổi sáng ngày 22/3.

Theo đó, ông Nguyễn Kim Phụng, Chủ tịch UBND xã Hợp Lý xác nhận việc 5kg thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ có mặt trong bếp ăn của Trường Mầm non xã Hợp Lý vào sáng ngày 22/3 là có thật.

Sự việc được phát hiện bởi chị Hoàng Thị Tám, một phụ huynh có con học tại trường. Theo lời chị Tám khi đưa con đi học đã đi ngang qua bếp ăn của nhà trường thì phát hiện số thịt kém chất lượng đang được ngâm rã đông trong chậu nước.

“Tôi nhìn thấy có một miếng thịt bề trên hơi hơi xanh xanh… Nhà trường quy định thịt phải là thịt tươi sống, ăn ngày nào nấu ngày đấy”, chị Tám nói.

Sau khi thông tin trên bị “rò rỉ”, trong các ngày tiếp theo, số học sinh đi học cứ lần lượt ít dần.

“Ngày 27/3, số học sinh đi học chỉ còn khoảng trên 30 trong tổng số 349 học sinh”, ông Nguyễn Kim Phụng xác nhận.

“Ngày 27/3, rất nhiều phụ huynh tụ tập trước cổng trường yêu cầu nhà trường đối thoại về việc này. Với trách nhiệm của chính quyền địa phương, tôi đã trực tiếp tham dự cuộc đối thoại trên và yêu cầu nhà trường nhận lỗi, rút kinh nghiệm. Cùng với sự vào cuộc của phòng Giáo dục huyện Lập Thạch, hiệu phó phụ trách dinh dưỡng là cô Nguyễn Thị Hoa bị cho tạm nghỉ công việc và nhóm 4 người làm bếp cấp dưỡng đã được cho thôi việc”, ông Phụng cho biết thêm.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch xã Hợp Lý và đại diện trường mầm non xã Hợp Lý làm việc với PV.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Chủ tịch xã Hợp Lý và đại diện trường mầm non xã Hợp Lý làm việc với PV.

Sự thật không bao giờ được làm rõ?

Về nguồn gốc 5kg thịt lợn trên, ông Phụng cho hay, ngay sau khi xảy ra vụ việc, bà Nguyễn Thị Huệ, hiệu trưởng nhà trường đã cho tiêu hủy số thịt trên. Vì vậy, trong khi dư luận khẳng định đây là thịt ôi thiu thì theo bản tường trình của bà hiệu trưởng nhà trường do lãnh đạo xã Hợp Lý cung cấp lại khẳng định đây là số thịt rã đông “bên ngoài màu nhợt nhạt, quan sát bên trong miếng thịt có màu đỏ tươi” - trích bản tường trình.

Xem Clip:

Tuy nhiên, nhóm PV được các phụ huynh cung cấp 1 clip thể hiện nội dung bà Nguyễn Thị Huệ thừa nhận trước cuộc gặp gỡ đông đảo các phụ huynh: “khi tôi ra kiểm tra thịt đó thì đúng là thịt ôi thật”, lời bà Huệ trong clip.

Về nguồn gốc số thịt, theo clip các phụ huynh cung cấp, hiệu phó Nguyễn Thị Hoa tường trình số thịt trên là do nhà bà có thịt 1 con lợn ăn không hết nên bà Hoa xin phép bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Huệ mang đến cho các cháu ăn. Tuy nhiên, bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Huệ phủ nhận việc mình được bà Hoa hỏi ý kiến.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Phụng, Chủ tịch xã Hợp Lý thừa nhận việc số thịt trên bị bà Nguyễn Thị Huệ hủy bỏ ngay khi vụ việc bị phát hiện khiến việc làm rõ nguồn gốc, hiện trạng của số thịt trên là rất khó. “Đây là bài học đau đớn cho chúng tôi trong công tác quản lí, giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Chúng tôi sẽ chỉ đạo nhà trường tìm kiếm các đơn vị cung cấp thực phẩm có chứng nhận an toàn của cơ quan có thẩm quyền để bữa ăn của các cháu được ngon, bổ, sạch. Hiện tại, may mắn là các cháu đã đi học lại đầy đủ, mỗi ngày chỉ vắng độ 30 em”, ông Phụng nói.

Qua trường hợp này cho thấy, vấn đề kiểm soát thực phẩm tại các trường vẫn là một lỗ hổng lớn trong công tác quản lý tại các trường. Nếu số số thực phẩm bẩn nói trên không bị phát hiện thì sẽ được đưa vào chế biến làm thức ăn sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của gần 400 trẻ nhỏ của trường.

Từ vụ việc trên cho thấy, để kiểm soát thực phẩm bẩn tuồn vào trường học cần có sự vào cuộc của phụ huynh, nhà trường và của toàn xã hội. Để tránh tình trạng này nhà trường đã phải tìm những đơn vị cung cấp thực phẩm có uy tín để ký hợp đồng.

Mua thực phẩm an toàn bằng “niềm tin”

Theo xác nhận của bà Nghiêm Thị Châm, hiệu phó nhà trường thì mỗi ngày trường mầm non xã Hợp Lý mua lượng lương thực trị gái khoảng 3 triệu để phục vụ bữa ăn cho các cháu học sinh. Tuy nhiên, nguồn lương thực này được mua từ các họ cá thể chưa có các tiêu chuẩn về sản phẩm đạt chất lượng an toàn. Thay vào đó, các hộ cung cấp thực phẩm này cho nhà trường thay vì trưng ra được các chứng chỉ về quy trình sản xuất ra thực phẩm an toàn, họ chỉ phải cam kết với nhà trường về việc sẽ cung cấp thực phẩm sạch.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc