Hơn 100 nghìn tỷ tiền thi hành án vẫn bị "treo"

13:40, 25/11/2016
|

(VnMedia) - Trong tổng số tiền phải thi hành là trên 133,6 nghìn tỷ, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 86,2 nghìn tỷ. Tuy nhiên, kết quả thi hành xong mới chỉ đạt trên 20 nghìn tỷ và số tiền chuyển kỳ sau còn tới hơn 104 nghìn tỷ...

tiền thi hành án
Ảnh minh họa

Sáng nay, tại Hà Nội, Tổng Cục thi hành án dân sự- Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị tổng kết công tác thi hành án dân sự, hành chính năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017.

Theo báo cáo của Tổng Cục thi hành án dân sự, năm 2016, tuy số việc và tiền thụ lý mới tiếp tục tăng so với năm ngoái, song các cơ quan thi hành án dân sự đã giải quyết xong số việc, tiền nhiều hơn về giá trị tuyệt đối, tăng hơn 30 nghìn việc và hơn 7 nghìn 800 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu được giao cả về việc và về tiền.

Cùng với đó, công tác giải quyết các vụ việc trọng điểm, các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; giải quyết các vụ việc thi hành án liên quan đến tham nhũng, án tín dụng, ngân hàng được tập trung chỉ đạo hiệu quả. Đến nay, đã giải quyết được 13 vụ việc, hiện còn 19 vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài đang được các cơ quan chức năng phối hợp giải quyết;

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thi hành án, mặc dù kết quả thi hành án dân sự vượt chỉ tiêu được giao về việc và về tiền, nhưng số việc, tiền có điều kiện thi hành phải chuyển kỳ sau còn nhiều, nhất là về tiền.

Cụ thể, trong tổng số tiền phải thi hành là trên 133,6 nghìn tỷ, trong đó số có điều kiện thi hành là trên 86,2 nghìn tỷ thì mới thi hành xong trên 20 nghìn tỷ. Số tiền chuyển kỳ sau còn tới hơn 104 nghìn tỷ, trong đó số tiền có điều kiện nhưng chưa thi hành xong là trên 57 nghìn tỷ.

Một số địa phương số việc, tiền chuyển kỳ sau không giảm mà còn tăng rất cao như Hà Tĩnh, Sơn La, Lào Cai. Cùng với đó, kết quả thi hành án trong các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng còn đạt thấp, chỉ đạt trên 17% về số vụ việc và dưới 25% về tiền.

Đặc biệt, kết quả thi hành phần dân sự trong các bản án hình sự đối với phạm nhân đạt rất thấp (6,79%), vẫn còn lượng lớn tiền tồn tại các trại giam, trại tạm giam mà các cơ quan thi hành án chưa đến nhận.

Về công tác bồi thường Nhà nước và bảo đảm tài chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự: Số việc thi hành án sai phạm phát sinh trách nhiệm bồi thường với số tiền lớn đang có xu hướng gia tăng; công tác phối hợp giải quyết bồi thường Nhà nước hiệu quả còn chưa cao, một số vụ việc chậm, gây bức xúc cho người được bồi thường; việc thi hành trách nhiệm bồi hoàn cho ngân sách Nhà nước của công chức để xảy ra sai phạm còn chưa nghiêm, hiệu quả còn thấp. Theo đó, năm qua, mới thi hành được 12 trên tổng số 23 vụ, với số tiền bồi thường là trên 17,8 tỷ (đạt tỉ lệ trên 52%).

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Mai Lương Khôi cho biết, điều kiện thi hành án trong những vụ án lớn, đặc biệt là án kinh tế, tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn do giá trị phải thi hành án lớn nhưng nhiều tài sản bị che giấu, hợp lý hóa hoặc cố tình tẩu tán nên giá trị tài sản bảo đảm rất nhỏ hoặc thậm chí không có tài sản để thi hành án hoặc đương sự đang phải chấp hành án phạt tù không có tài sản để thi hành án.

Trong khi đó, công tác chỉ đạo, điều hành còn nhiều vấn đề tồn tại, có nơi lãnh đạo đơn vị buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, không theo sát, không nắm chắc được diễn biến, tình hình thực tế, nể nang; việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai minh bạch trong các lĩnh vực công tác có nơi còn chưa tốt, gây mất dân chủ, mất đoàn kết, phát sinh nhiều đơn thư tố cáo nội bộ.

Công tác kiểm tra của Tổng cục được đánh giá là có nhiều tiến bộ, song việc tự kiểm tra việc tổ chức thi hành án vẫn còn mang tính hình thức, chưa bài bản, đôi khi còn nể nang, không chỉ rõ khuyết điểm, sai phạm và xử lý trách nhiệm.

Đặc biệt, công tác kiểm tra của Cục đối với các Chi cục trong lĩnh vực tài chính, kế toán còn chưa được quan tâm, chủ yếu mới kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ.

Trước những tồn tại nói trên, Hội nghị xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2017 là triển khai nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm đạt và vượt các chỉ tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, hành chính được Quốc hội giao; thực hiện nghiêm túc việc công khai thông tin của người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành; Tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là những vụ khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài. Lựa chọn những vụ việc khó khăn, vướng mắc, bất cập điển hình để hướng dẫn thống nhất chung trong toàn quốc cho các cơ quan thi hành án địa phương; đồng thời thành lập Tổ công tác hỗ trợ các địa phương trong việc giải quyết các vụ án lớn, trọng điểm.

Xuân Hưng


Ý kiến bạn đọc