Hà Nội: Chất lượng không khí đang suy thoái

08:02, 25/08/2016
|

(VnMedia) - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, chất lượng môi trường không khí của Thành phố đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép....

Nguyễn Đức Chung
Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung báo cáo thực trạng môi trường Hà Nội - ảnh: Xuân Hưng

Ngày 24/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ môi trường, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, đa phần chất lượng môi trường không khí toàn thành phố đạt mức trung bình cho tất cả các mùa mưa cũng như các tháng mùa khô. So với những năm 2010 trở về trước, chất lượng không khí tại các khu vực dân cư, khu công nghiệp có xu hướng được cải thiện dần theo thời gian. Tuy nhiên, đáng chú ý, chỉ tiêu Benzen có xu  hướng tăng dần qua các năm mà nguyên nhân chính do sự gia tăng các phương tiện giao thông.  

Đặc biệt, theo ông Chung, chất lượng môi trường không khí của Thành phố đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là khu vực nội thành, các trục đường giao thông chính và các công trường xây dựng. Nồng độ ô nhiễm bụi ở một số nơi tại một số thời điểm đã vượt giới hạn cho phép.

Cũng theo báo cáo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, một số sông chảy trên địa bàn Thành phố như sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét.. và một số hồ vẫn ô nhiễm, nước chuyển màu đen, bốc mùi hôi thối, gây ảnh hưởng đến đời sống thủy sinh vật và cảnh quan đô thị. Trong khi đó, chất lượng nước dưới đất tại một số huyện có dấu hiệu ô nhiễm nhẹ đối với các chỉ tiêu như Amoni, COD, Sắt và Mangan.

Ông Chung cũng nhấn mạnh một hiện trạng, đó là chất thải rắn, chất thải xây dựng ngày càng gia tăng gây nên tình trạng quá tải các bãi đổ phế thải xây dựng. Theo dự báo, đến năm 2020, tổng lượng chất thải của toàn thành phố là 14.150 tấn/ngày đêm; đến năm 2030 là 18.900 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm. Trong khi đó, các bãi chôn lấp chất thải rắn đã sắp đầy, các bãi chôn lấp cấp huyện vẫn trong đang giai đoạn đầu tư xây dựng. Ô nhiễm môi trường không khí và ô nhiễm nước mặt, nước ngầm tại các khu vực chôn lấp chất thải rắn hiện đang có xu hướng gia tăng.

rác thải

 

Hình ảnh khó tin khi rác thải tràn ngập giữa những tòa nhà ngay trong khu tập thể Trung Tự, Hà Nội - ảnh: Xuân Hưng

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, nguyên nhân chính dẫn đến công tác bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, trong đó đặc biệt là công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa và xử lý đối với các cơ sở gây ô nhiễm chưa kịp thời, chưa kiên quyết.

Cùng với đó, một số cụm công nghiệp chưa bố trí quỹ đất cho các hạng mục công trình xử lý nước thải; việc xử lý nước thải tại khu vực làng nghề rất khó khăn, chưa hiệu quả; công tác thu gom, xử lý rác thải khu vực nông thôn còn chưa đạt hiệu quả; lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày lớn nhưng không được phân loại tại nguồn; nước thải sinh hoạt mới chỉ được xử lý khoảng 23,7%; các ao hồ tại các khu vực ngoại thành nhiều nơi bị ô nhiễm nhưng chưa có nguồn kinh phí để xử lý...; Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ Thành phố đến quận,  huyện, thị xã còn thiếu và yếu, thậm chí kiêm nhiệm..., chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phân cấp quản lý.

Để khắc phục các tồn tại nói trên, theo Chủ tịch Thành phố ngoài việc nêu lên các giải  pháp về cơ chế, chính sách, trong đó có việc đảm bảo tăng dần kinh phí ngân sách Thành phố hàng năm cho sự nghiệp môi trường theo tốc độ tăng trưởng kinh tế (hiện nay là trên 3,8%) thì cũng xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế áp dụng công nghệ sạch, xử lý ô nhiễm trong hoạt động sản xuất làng nghề phù hợp với quy mô và năng lực sản xuất của các hộ gia đình.

Ông Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội hiện đã mở rộng 2 khu xử lý chất thải rắn tập trung, xây dựng mới thêm 1 khu và chuẩn bị đầu tư 1 khu mới để cơ bản đảm bảo 4 khu xử lý rác thải tập trung ở 4 hướng của Thành phố với cự ly vận chuyển phù hợp, tránh vận chuyển dài, lòng vòng.

Hiện nay, Thành phố có 4 nhà máy đốt rác thải sinh hoạt, tổng công suất là 1200 tấn, đang thi công 1 nhà máy đốt rác thải công nghiệp theo công nghệ tiên tiến của Nhật Bản và 10 dự án khác đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư, thi công xử lý rác thải theo hướng vận dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật về công nghệ đốt, sinh học hóa sinh và chôn lấp hiếu khí luân chuyển nhanh, đảm bảo đến năm 2020 chỉ còn 50% lượng rác thải phải chôn lấp hợp vệ sinh...

Thành phố cũng đã hoàn thành việc thử nghiệm xử lý ô nhiễm 12 hồ trong nội thành; hoàn thành việc xử lý 25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; 10/10 khu công nghiệp đã được xây dựng hệ thống xử lý nước thải;...

Song song với việc chủ động thực hiện các giải pháp, Chủ tịch thành phố Hà Nội cũng kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2014, đồng thời xem xét trình Quốc hội chỉ đạo rà soát, điều chỉnh một số quy định chưa thống nhất giữa Luật Bảo vệ  môi trường với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...

Người đứng đầu thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ TN&MT ban  hành các văn bản quy định và hướng dẫn cụ thể các định mức kinh tế kỹ thuật, định mức kinh phí cho  hoạt động quản lý, quan trắc và phân tích môi trường; quy định tiêu chí xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng...

Đặc biệt, ông Chung kiến nghị Bộ TN&MT nghiên cứu thành lập hệ thống thanh tra chuyên  ngành môi trường từ cấp trung ương đến cấp tỉnh, thành, quận, huyện nhằm tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường.

Đồng thời, đề nghị Bộ TN&MT đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát và cắt giảm bớt các thủ tục hành chính trong lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước; phân cấp nhiều hơn nữa cho cấp tỉnh để việc quản lý  môi trường ở địa phương được thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng kiến nghị các bộ Y tế, Công an, Quốc phòng, Xây dựng, Giao thông vận tải tập trung đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước thải đạt quy chuẩn cho các bệnh viện, cơ sở y tế do các Bộ, ngành quản lý trên địa bàn Thành phố.

Liên quan đến vấn đề môi trường, cũng tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các cấp chịu trách nhiệm về vấn đề môi trường trong phạm vi quản lý được giao. Ở đâu xảy ra môi trường ô nhiễm nặng, Chủ tịch UBND ở đó  phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, trước Chính phủ.

“Chúng ta đã nói về tình trạng bắn chỉ thiên mà không ai chịu trách nhiệm thì lần này các đồng chí phải phát hiện ra, chỉ rõ ai chịu trách nhiệm vấn đề này trên địa bàn, dự án ai cấp giấy phép để môi trường xấu như vậy, chủ trương, biện pháp khắc phục làm sao. Chứ chúng ta cứ nói mãi mà không ai chịu trách nhiệm”, Thủ tướng nêu rõ và nhấn mạnh tinh thần chủ động, không để “nóng đâu phủi đó”, chạy theo những vụ việc xảy ra rồi mới đi giải quyết.

XH


Ý kiến bạn đọc