Đề xuất xây dựng môn Sử thành hai chương trình

10:27, 20/11/2015
|

(VnMedia) - Góp ý cho việc xây dựng môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, PGS. TS. Hà Thị Thu Thủy - Phó khoa Sử, Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên đề xuất xây dựng môn Lịch sử thành hai chương trình.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa (nguồn Internet)

PGS. TS. Hà Thị Thu Thủy cho biết, bà nhất trí với chủ trương đổi mới giáo dục phổ thông của Bộ GD&ĐT, vì nó cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi mà yêu cầu về năng lực của công dân Việt Nam trong quá trình hội nhập Quốc tế đã có một số điểm khác. Nhưng vấn đề, bà quan tâm nhất ở đây là việc đổi mới nội dung và cấu trúc các môn học tích hợp như thế nào?

“Từ cuộc hội thảo gần đây nhất được tổ chức ở Bộ mà tôi có dịp được tham gia, tôi lại thấy tích hợp trong cấu trúc và nội dung môn học Công dân với Tổ Quốc là phép cộng giữa Giáo dục Lịch sử, Giáo dục Quốc phòng - An ninh và Giáo dục công dân - đạo đức, trong khi tích hợp theo khái niệm đã được tiếp cận ngay trong mục I “Giải thích một số thuật ngữ…” của đề án đã viết “Tích hợp là giúp học sinh có khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết hiệu quả các vấn đề trong học tập và nghiên cứu…”. Điều này là mâu thuẫn giữa mục tiêu tích hợp với thể hiện trong nội dung môn học. Đó là chưa kể đến, tính thuyết phục của việc xây dựng môn học này cả về cả cơ sở lí luận và thực tiễn” - PGS. TS. Hà Thị Thu Thủy phát biểu.

Bà băn khoăn: “Giáo dục Lịch sử ở trong môn học Công dân với Tổ Quốc sẽ được nhìn từ đâu nếu như chỉ đề cập đến truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm, nghệ thuật chiến dịch? Trong khi ai cũng biết đây chỉ là một phần rất nhỏ trong Lịch sử dân tộc Việt Nam. Vì vậy, môn Lịch sử đứng độc lập đã làm tốt chức năng này không cần phải chờ đợi đến môn Công dân với Tổ Quốc. Vả lại đã là “Công dân với Tổ Quốc” thì phải được giáo dục dưới nhiều góc độ chứ không chỉ từ ba lĩnh vực giáo dục này”.

PGS. TS. Hà Thị Thu Thủy khẳng định, trước khi giáo dục quốc phòng an ninh, trước khi giáo dục công dân thì Lịch sử phải là môn độc lập, bắt buộc. Để giải quyết vấn đề này, bà vẫn giữ quan điểm đã từng đưa ra trong các cuộc thảo luận của nhóm ngành KHXH khi góp ý cho đề án giáo dục phổ thông tổng thể. Đó là xây dựng môn Sử thành hai chương trình, có thể gọi là Lịch sử 1 và Lịch sử 2 hoặc lịch sử A và lịch sử B. Lịch sử 1 bao gồm các kiến thức cơ bản Lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại; Lịch sử 2 là các kiến thức chuyên sâu mang tính định hướng nghề nghiệp.


Ý kiến bạn đọc