Bộ luật Dân sự (sửa đổi): Vẫn còn nhiều ý kiến đóng góp

07:22, 25/10/2015
|

(VnMedia) - Các vấn đề như độ dài tên, thừa kế, chuyển giới, bảo vệ quyền dân sự... tại Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) vẫn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội.

Bộ Luật dân sự (sửa đổi) là bộ luật lớn, quan trọng đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9. Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo về việc tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị và gửi xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Đến nay, dù đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều điểm những các đại biểu vẫn tiếp tục góp ý, đề nghị chỉnh sửa.

Đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điểm

Tổng hợp ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, nhiều vấn đề được các đại biểu góp ý đã được tiếp thu, chỉnh lý tại Dự thảo mới nhất.

Cụ thể, đối với quy định về quyền có họ, tên, nhiều ý kiến không tán thành quy định “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định này hạn chế quyền con người, không phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp .

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Dự thảo tiếp thu ý kiến nêu trên, bỏ quy định này. Với một số trường hợp cá biệt đặt tên quá dài, ảnh hưởng đến công tác quản lý hộ tịch, không thuận tiện trong giao dịch sẽ được cơ quan có thẩm quyền đăng ký hộ tịch giải thích, thuyết phục, vận động trong thực tiễn áp dụng. Đồng thời chỉnh lý quy định theo hướng: chỉ quy định giới hạn về đặt tên đối với công dân Việt Nam mà không áp dụng đối với người không có quốc tịch thường trú tại Việt Nam.

Về quyền thay đổi tên, niều ý kiến không tán thành quy định: “đối với người dưới 14 tuổi thì trong mọi trường hợp đều có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên” và cho rằng, theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện hành thì mọi trường hợp đề nghị thay đổi tên đều phải có lý do nhất định để tránh sự tùy tiện. Trẻ em dưới 14 tuổi là độ tuổi đang phát triển, chưa định hình về mặt tính cách, tâm lý, nếu cho phép các em được thay đổi tên trong bất kỳ trường hợp nào là chưa phù hợp.

Ủy ban thường vụ Quốc hội xin được tiếp thu ý kiến nêu trên và chỉnh lý dự thảo Bộ luật Dân sự theo hướng giữ lại các nội dung của Bộ luật hiện hành về các trường hợp được thay đổi tên.

Về chuyển đổi giới tính, nhiều ý kiến không tán thành với quy định của dự thảo về việc không công nhận quyền chuyển đổi giới tính nhưng người đã chuyển đổi giới tính lại vẫn được thay đổi hộ tịch và có các quyền nhân thân kèm theo giới tính mới được chuyển đổi.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về mục đích, nguyên nhân của việc chuyển giới, trường hợp nào được chuyển đổi giới tính để tránh lạm dụng. Ý kiến khác đề nghị chưa nên quy định “công nhận việc chuyển đổi giới tính”.

Theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, việc chuyển đổi giới tính kèm theo nhiều vấn đề xã hội phát sinh liên quan đến y tế, bảo hiểm, hôn nhân và gia đình, các chính sách an sinh xã hội... Vì vậy, để bảo đảm tính thận trọng, hợp lý, đề nghị Quốc hội cho tách việc chuyển đổi giới tính thành một điều riêng và chỉnh lý nội dung này theo hướng xác định: “Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có các quyền nhân thân phù hợp với giới tính theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan”.

Về quy định bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm, Ủy ban Thường vụ đồng tình với ý kiến đề nghị nâng mức bồi thường thiệt hại cho một người có tính mạng bị xâm phạm từ tối đa 60 lần mức lương cơ sở lên 100 lần mức lương cơ sở và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý lại quy định này trong dự thảo Bộ luật.

Đối với Quyền thừa kế, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trường hợp người chồng đã chết nhưng người vợ tiến hành thụ tinh nhân tạo theo tâm nguyện của chồng. Tuy nhiên, Ủy ban thường vụ Quốc hội phân tích: một trong những nguyên tắc của việc để lại tài sản thừa kế là tài sản đó phải được quản lý, kế thừa liên tục, duy trì, phát triển. Việc xác lập quyền thừa kế cho một hay một vài đối tượng không biết đến thời điểm nào sẽ xuất hiện sẽ làm phức tạp thêm tình hình thực tiễn, không bảo đảm nguyên tắc quản lý, kế thừa di sản thừa kế, đồng thời cũng không bảo đảm tính khả thi. Do đó, đề nghị Quốc hội cho được giữ nội dung này như dự thảo.

Về thời hiệu thừa kế, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành quy định tại phương án 1 Điều 639 dự thảo BLDS Chính phủ trình Quốc hội quy định thời hiệu chia thừa kế. Theo đó, thời hiệu để những người có quyền thừa kế yêu cầu chia di sản là ba mươi năm đối với bất động sản, mười năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.

Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau: Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu một cách ngay tình, liên tục, công khai, nếu việc chiếm hữu phù hợp với quy định tại Bộ luật này; Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu ngay tình, liên tục, công khai theo quy định tại Bộ luật này.

tên người
Nhiều ý kiến không tán thành quy định “Họ, tên và chữ đệm của một người không được vượt quá hai mươi lăm chữ cái” vì cho rằng quy định này hạn chế quyền con người

Nhưng vẫn còn nhiều ý kiến góp ý

Ngày 24/10, Quốc hội tiếp tục dành cả ngày để thảo luận về Bộ luật quan trọng này và vẫn có những ý kiến đóng góp thêm cho dự thảo.

Cho ý kiến về vấn đề bảo vệ quyền dân sự, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho biết, bà tán tán thành quy định về quyền dân sự thông qua Tòa án vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị vế đầu của Khoản 2, Điều 14 chỉ nên quy định như sau: "Tòa án không được từ chối giải quyết tranh chấp dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng".

Đối với quy định tại dự thảo: "Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất", đại biểu Kim Thúy cho rằng, quy định như vậy chưa rõ ràng, chưa phù hợp với thực tiễn.

“Việc quy định được coi là thuận tiện, hợp lý nhất ở đây là thuận tiện và hợp lý cho ai, tức là cho chủ thể nào. Nếu thuận tiện và hợp lý cho người sử dụng lối đi thì sẽ không thể đồng thời thuận tiện và hợp lý cho chủ sở hữu bất động sản liền kề. Chúng ta biết, người sử dụng lối đi trong trường hợp này chắc chắn là người được hưởng lợi, nhưng lại cho họ quyền được thuận tiện nhất thì vô lý. Theo tôi, quyền về lối đi qua cần phải căn cứ trên lợi ích của cả người sử dụng và chủ sở hữu bất động sản liền kề, làm sao đảm bảo cho người sử dụng được sử dụng lối đi và chủ sở hữu bất động sản liền kề chỉ phải chịu thiệt hại ít nhất. Mặc khác, khi xác định lối đi qua bất động sản liền kề, tôi đề nghị cần phải tôn trọng yếu tố lịch sử của lối đi đã được sử dụng từ 30 năm trở lên.” – đại biểu Kim Thúy nói.

Một vấn đề khác được đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) quan tâm, đó là quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân,  bí mật gia đình quy định tại Điều 38. Tại Khoản 2, Điều 38. Theo đó, dự thảo quy định: "Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin, liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó, các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp việc thu thập, lưu giữ, sử dụng hoặc công bố công khai thông tin này vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Theo đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh), trên thực tế, nhiều trường hợp việc thu thập, lưu giữ sử dụng hoặc công bố công khai thông tin, liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, không tuân thủ quy định của pháp luật mà chỉ căn cứ vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng là chưa hợp lý.

“Để điều luật được chặt chẽ tôi xin đề nghị bổ sung cụm từ "theo luật định", khi đó Khoản 2, Điều 38 sẽ là: "Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình phải được người đó, các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp việc thu thập, lưu giữ, sử dụng hoặc công bố công khai thông tin này theo luật định vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" – đại biểu Ngô Thị Minh nói.


Ý kiến bạn đọc