Việt Nam đàm phán nảy lửa giành quỹ đạo cho Vinasat 1 và 2

16:17, 18/05/2015
|

(VnMedia) - Kể từ lần đầu tiên tham dự ITU vào năm 1976 – chỉ 1 năm sau khi đất nước thống nhất đến nay Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động ITU, đã có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn của ITU, ngày càng có nhiều chuyên gia có trình độ chủ tọa và điều phối viên nhiều nội dung thảo luận và đảm nhận các vị trí điều hành trong ITU. Đặc biệt Việt Nam đã đàm phán thành công trong việc sử dụng quỹ đạo và băng tần cho hai quả vệ tinh Vinasat và khẳng định chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

>> Bước phát triển mạnh mẽ của Viễn thông - Công nghệ thông tin

Để đạt được những bước tiến mạnh mẽ đó, không thể phủ nhận những cống hiến, mưu trí và sáng tạo của những vị tiền bối, những người trực tiếp “chiến đấu” trên “mặt trận” đàm phán về viễn thông, phân bổ tần số cho Việt Nam trong các Hội nghị ITU.

Tại Lễ mít-tinh kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Liên minh Viễn thông Quốc tế ITU cũng là ngày Viễn thông và Xã hội thông tin thế giới được tổ chức vào sáng 18/5, tại Bộ Thông tin và Truyền thông, các vị khách mời: Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng; ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, thành viên Ủy ban Thể lệ Thông tin vô tuyến điện ITU đã chia sẻ những kinh nghiệm, những kỷ niệm khi tham gia vào các hoạt động của ITU, cũng như chia sẻ một số định hướng hội nhập quốc tế nói chung và tham gia vào các tổ chức quốc tế đa phương như ITU nói riêng.

Đối với Tiến sĩ Mai Liêm Trực, ấn tượng khó quên nhất chính là Hội nghị Toàn quyền ITU tổ chức tại Nairobi năm 1982. “Đây là Hội nghị đầu tiên Chính phủ Công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia sau ngày đất nước thống nhất, 30/4/1975. Thời điểm đó thông tin liên lạc rất khó khăn. Ở̉ Kenya không gọi được điện thoại về Việt Nam cũng không có sứ quán Việt Nam ở Kenya. Đoàn đại biểu chúng ta đi chỉ xin một ý kiến chung và không có liên lạc trong vòng gần 8 tuần. Trong thời gian đó đoàn như biệt lập. Đoàn gồm 3 người của Tổng Cục Bưu điện được Bộ trưởng Bộ Ngoại giao ủy quyền thay mặt Chính phủ Việt Nam tham dự.  Lúc đó, chúng tôi rất lo lắng, lúng túng, hội nghị thảo luận căng thẳng. Lần đầu tiên phát biểu trước Hội nghị toàn quyền của 183 nước lúc đó, tôi rất run. Trong hai tuần cuối cùng của Hội nghị, đoàn chúng tôi thường họp đến 1-2 giờ sáng. Ngày hôm sau bế mạc thì ngày hôm trước họp tới 4 giờ sáng, hội nghị khá căng thẳng. Tại Hội nghị này, đoàn Việt Nam lần đầu tiên tham dự và làm cho đoàn Trung Quốc bất ngờ khi tuyên bố phản đối vùng lưỡi bò về tần số bao trùm biển đông và tuyên bố khẳng định chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực chia sẻ.

“Hội nghị này đã để lại cho tôi ấn tượng rất sâu sắc và sau khi tham dự tôi giật mình hiểu rằng, Việt Nam muốn hội nhập quốc tế phải có đội ngũ chuyên môn mạnh”, ông Mai Liêm Trực cho biết thêm.

Còn đối với Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng, điều ấn tượng với ông khi tham dự ITU chính là Hội nghị Toàn quyền ITU năm 2002. Lúc đó Việt Nam tham dự với vị thế tiếp tục được tái cử vào Hội đồng điều hành sau 2 kỳ liên tiếp. Khi công bố kết quả bầu vào Hội đồng điều hành, chúng tôi lo lắm nhưng khi được bầu, cả đoàn đều rất vui. Ứng cử 3 lần liên tiếp với một cách làm không giống ai. Tôi cũng đánh giá kết quả đó có được cũng là nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của Viễn thông Việt Nam và sự tham gia tích cực nên đã giúp Việt Nam giành được thắng lợi”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng không giấu được niềm vui sướng khi nhớ lại cuộc vận động năm đó.

Với ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, ông đã vinh dự tham gia 3 kỳ ITU liên tục và là người trực tiếp chuẩn bị chỉ đạo việc đàm phán, 3 lần ký biên bản Hội nghị ITU. Theo ông Hoan, năm 2003, khi tham dự Hội nghị ITU tại Geneva với tư cách phó đoàn phụ trách nội dung, đoàn Việt Nam tham dự với mục tiêu tìm cơ hội để làm dễ hơn quá trình đàm phán quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat và bảo vệ tần số của Việt Nam trong thời kỳ băng rộng, đó là tần số 2,5GHz và hiện giờ đang chuẩn bị cho 4G.

“Tại Hội nghị năm đó, lần đầu tiên Việt Nam đưa ra khá nhiều đóng góp tại ITU trong đó đặc biệt tôi nhớ nhất là đóng góp của Việt Nam vào chương trình nghị sự 1.24. Đây là chương trình nghị sự thay đổi phân bổ tần số ở băng tần 13,75 đến 14GHz đang sử dụng cho radar trở thành sử dụng cho vệ tinh. Việt Nam rất cần tần số đó. Lúc đó, chúng ta chưa đàm phán xong quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat. Chúng ta thiếu rất nhiều băng tần, vì vậy chúng tôi quyết tâm phải thắng ở Hội nghị này"

"Tại Hội nghị đấy, Việt Nam trở thành leader của nhóm nước hẹp và Việt Nam là người chủ trì nhóm đó và đạt được thành quả lớn là đạt được giải pháp để điều chỉnh tần số tương đối hợp lý. Dự thảo ban đầu họ đưa ra, nếu Việt Nam dùng được thì phải sang Lào dùng còn ở bờ biển Việt Nam không dùng được băng tần đó cho chiều lên của Vinasat. Chúng ta đã quyết tâm “chiến đấu” và cuối cùng Hội nghị phải ra nghị quyết 144 về việc sử dụng băng tần này cho các nước hẹp và không chỉ ở nghị quyết chung; chúng tôi đạt được thỏa thuận riêng với Mỹ để tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam có thể sử dụng băng tần này cho vệ tinh Vinasat. Cũng tại Hội nghị đó, chúng tôi đã phải “chiến đấu” đến 2 giờ sáng với Nhật Bản để đảm bảo rằng, vệ tinh của Nhật Bản hiện nay đang dùng ở băng tần 2,6GHz sẽ không ảnh hưởng đến băng tần Việt Nam đang chuẩn bị cho 4G hiện nay", ông Hoan cho biết.

Ảnh minh họa
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng (thứ hai từ phải sang); ông Mai Liêm Trực - Nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông (thứ ba từ phải sang) và ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện, thành viên Ủy ban Thể lệ Thông tin
vô tuyến điện ITU (ngoài cùng, bên trái).

“Nhận thức là nước đến sau và quỹ đạo khan hiếm và tần số rất khó phối hợp với các nước, nên chúng ta mất thời gian rất dài để có được quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat 1. Cuối cùng bằng các hoạt động song phương, Việt Nam có băng tần chiều lên cho Vinasat không quá khó khăn, nhưng băng tần chiều xuống lại rất khó khăn. Nhờ lợi thế hiểu biết sâu sắc về thể lệ vô tuyến và nắm vững tính toán, chia sẻ tần số, tính toán can nhiễu giữa các hệ thống vệ tinh, đặc biệt là phải sử dụng hiểu biết của chúng ta về tiến bộ công nghệ, chúng tôi đã đàm phán với các nước mạnh hơn và đã thành công đối với băng tần xuống của vệ tinh Vinasat 1”, ông Hoan nói.

Về việc giành quỹ đạo cho vệ tinh Vinasat 2, ông Hoan cho rằng, khi chuyển sang Vinasat 2, phải cân nhắc làm thế nào dịch vụ trong tương lai nhiều nhất sẽ là dịch vụ thu truyền hình. Lúc đó thể lệ thông tin vô tuyến thế giới cho phép phân bổ băng tần quy hoạch ở một vị trí khác. Nhưng làm thế nào để hai quả vệ tinh sát nhau thì phải vận dụng rất nhiều kiến thức, và phải chuyển được vị trí trước đó Việt Nam đã đăng ký về vị trí 131.8 độ, ngay sát nganh sát vệ tinh 132 độ. Thuyết phục các nước về vị trí 131.8 đó là thành công sử dụng được cả song phương và đa phương kể cả các vấn đề tính toán can nhiễu. Tuy nhiên có những băng tần ví dụ băng tần C trở ngại rất lớn. Nên phải sử dụng các quan hệ khác như quan hệ thương mại. Cuối cùng cho đến nay Việt Nam đã thành công cả hai dự án Vinasat 1 và 2.

“Và khi gọi điện thoại về từ Trường Sa hoặc xem phim từ vệ tinh Vinasat mới thấy được giá trị vô cùng lớn của hoạt động đàm phán thành công quỹ đạo cho hai quả vệ tinh này và mà trước đó không bao giờ tôi dám nghĩ tới. Do đó nên chuẩn bị đào tạo cán bộ chuyên sâu, chọn lĩnh vực tác động chính, có mục tiêu cụ thể trong hoạt động hợp tác quốc tế sẽ dẫn tới thành công để hỗ trợ cho việc phát triển thông tin vô tuyến”, ông Hoan nhận định.

Có thể nói, nhờ những cuộc đàm phán, tham dự của đoàn Việt Nam trong ITU, trong 40 năm qua, trên cơ sở kinh tế và kinh nghiệm, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu hơn vào các hoạt động ITU. Sự tham gia của Việt Nam từ chỗ chỉ để học tập và nắm bắt vấn đề, nay đẫ chủ động tham gia đặt vấn đề, thảo luận để xây dựng luật chơi của quốc tế trong lĩnh vực này. Việt Nam ngày nay đã có tiếng nói quan trọng trong các diễn đàn của ITU, ngày càng có nhiều chuyên gia có trình độ chủ tọa và điều phối viên nhiều nội dung thảo luận và đảm nhận các vị trí điều hành trong ITU.

Việt Nam đã đăng cai tổ chức nhiều Hội nghị, hội thảo lớn của ITU được các nước đánh giá cao. Mới đây, năm 2014, Việt Nam đã tham gia PP-14 và lần đầu tiên, với vai trò của Việt Nam trên thế giới và nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao và Bộ Thông tin và Truyền thông, ứng viên Việt Nam đã vượt qua 3 ứng viên tên tuổi khác là Iran, Ấn Độ và Indonesia để trở thành thành viên của Ủy ban Thể lệ thông tin vô tuyến nhiệm kỳ 2015-2019. Ủy ban này gồm 12 thành viên được Hội nghị toàn quyền của ITU bầu bằng bỏ phiếu kín, có thẩm quyền cao nhất trong việc thông qua các quy trình thực thi thể lệ vô tuyến thế giới và giải quyết các tranh chấp giữa các nước về tần số và quỹ đạo vệ tinh.


Tuệ Minh - (lược ghi)

Ý kiến bạn đọc