Những sự kiện khó quên của Viễn thông Việt Nam

09:10, 14/08/2011
|

(VnMedia) - Trong chuyến thăm và làm việc mới đây tại Việt Nam, Tổng thư ký Liên minh Viễn thông thế giới ITU đã đánh giá cao bước phát triển của Viễn thông Việt Nam. Theo xếp hạng của ITU, Việt Nam đứng thứ 8 thế giới về mật độ thuê bao di động, tiến bộ nhanh chóng về phát triển băng rộng và được đánh giá như một điểm sáng của viễn thông thế giới.

 

Để đạt được những thành tựu này, trong suốt chặng đường phát triển của mình, ngành Viễn thông đã trải qua những bước ngoặt lịch sử với nhiều sự kiện khó quên. Có thể nói, đóng góp vào sự trưởng thành đó có vai trò quan trọng của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT. Mỗi bước phát triển mới đều vì mục tiêu phát triển, phục vụ người dân Việt ngày một tốt hơn. VnMedia xin điểm lại một số sự kiện như thế.

 

Việt Nam lần đầu tiên có tên trong bản đồ Viễn thông thế giới

 

Năm 1993, năm khởi đầu của chiến lược tăng tốc giai đoạn I (1993-1995), ghi nhận nhiều kết quả ứng dụng công nghệ mới vào phát triển mạng lưới của Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam VNPT nay là Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam. Tháng 10/1993, tuyến cáp quang dung lượng 34Mbps đầu tiên Hà Nội - TP Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động.

 

Cũng trong năm 1993, mạng thông tin di động MobiFone sử dụng công nghệ GSM lần đầu tiên được đưa vào khai thác ở Việt Nam . Đến cuối năm 1994, mạng truyền dẫn và chuyển mạch của VNPT đã được số hóa tới 372/495 huyện.

 

Năm 1995 là năm có ý nghĩa đặc biệt trong quá trình phát triển của Bưu điện Việt Nam và VNPT. Kết thúc Kế hoạch Tăng tốc giai đoạn I (1993-1995), hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hoá hoàn toàn.

 

Việt Nam trở thành một trong những nước có mức độ số hoá mạng lưới cao nhất Đông Nam Á. Mật độ điện thoại của Việt Nam đạt 1 máy/100 dân. Lần đầu tiên mạng viễn thông Việt Nam có tên trên bản đồ viễn thông thế giới.

 

Đổi số toàn bộ mạng điện thoại quốc gia

 

Bước ngoặt đầu tiên phải kể tới đó là công cuộc đổi số thành công toàn bộ mạng điện thoại quốc gia lần đầu tiên diễn ra vào đêm 29/2, rạng sáng ngày 1/3/1996. Đã hơn 15 năm trôi qua. Đây được coi là đêm trắng lịch sử của những người Bưu điện

 

Chia sẻ với VnMedia, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Bưu chính Viễn thông Mai Liêm Trực cho hay, lần đổi số đó thực chất là tăng gấp 10 lần dung lượng tổng đài để đảm bảo đủ dung lượng cho kế hoạch tăng tốc giai đoạn 2 (1996-2000) của Ngành. Đồng thời tăng số thuê bao của khách hàng từ 6 số lên 7 số.

 

Cùng với việc đổi số, hệ thống điều khiển, kết nối cuộc gọi, hệ thống báo hiệu được nâng cấp để có thể hòa mạng, tương thích với khoảng 1.000 tổng đài điện tử trên toàn mạng của Việt Nam. Việc này cần được hoàn thành trong một đêm, để hôm sau toàn bộ hệ thống viễn thông của Việt Nam hoạt động bình thường với hệ thống số mới.

 

Chỉ trong vòng hơn 20 năm, từ khoảng những năm 1972 đến 1996, tính cả đêm đổi số 29/2, rạng sáng ngày 1/3/1996 này, mạng điện thoại của Việt Nam đã có tới 3 lần phải thêm số. Nhưng thực ra đó vẫn chỉ là những lần thêm số cục bộ ở địa phương, tập trung ở Hà Nội. Vào năm 1972, mạng điện thoại cố định của Hà Nội phải thực hiện thêm số từ 4 lên 5. Đến năm 1991, mạng điện thoại đã tăng lên 7 số của Hà Nội lại thực hiện lùi về 6 số như của thành phố Hồ Chí Minh.

 

Với lần đổi số năm 1996, dù chỉ diễn ra trong một đêm, nếu là những người bình thường, một đêm chỉ là một giấc ngủ để sớm mai thức dậy lại bắt đầu một ngày mới, nhưng đây lại là đêm trắng của những người làm trong lĩnh vực viễn thông của ngành Bưu điện.

 

Khi ấy, trên toàn mạng điện thoại cố định của Việt Nam mới chỉ đạt ở mức 800.000 thuê bao. Một con số chưa phải là nhiều so với mạng lưới chúng ta đang có trong ngày hôm nay. Tuy nhiên, nếu không đổi số, kho số của VNPT sẽ không đủ để đáp ứng tốc độ và nhu cầu phát triển máy điện thoại trong thời gian tới, vì chỉ còn 200.000 số nữa là tổng đài dung lượng 1 triệu số sẽ quá tải.

 

Theo tính toán, việc chuyển từ 6 số lên 7 số cho phép mạng lưới tăng thêm dung lượng 9.000.000 số nữa. Và như vậy, đổi số sẽ đáp ứng được cho nhu cầu phát triển thuê bao của khách hàng trong vòng 15 năm.

 

Phóng thành công Vinasat-1

 

Cho tới thời điểm này, vệ tinh Vinasat-1, quả vệ tinh viễn thông đầu tiên của Việt Nam được phóng lên vũ trụ đã hơn 1.000 ngày tuổi.5 giờ 17 phút sáng ngày 19/4/2008 đã trở thành mốc son đáng nhớ trong lịch sử viễn thông Việt Nam khi vệ tinh Vinasat-1 được phóng thành công vào quỹ đạo 132 độ Đông. Lần đầu tiên, Việt Nam có tên trên bản đồ vệ tinh không gian thế giới, sở hữu vệ tinh viễn thông riêng của mình.

 

Mặc dù không phải là một vệ tinh “thuần Việt”, bởi được đối tác nước ngoài chế tạo và phóng ở địa phận quốc tế, nhưng vệ tinh Vinasat-1 đã thể hiện ý chí quyết tâm và khát vọng chinh phục đỉnh cao công nghệ của những người dân Việt Nam.

 

Và khi những tín hiệu sóng đầu tiên của vệ tinh Vinasat-1 được phủ sóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam và cả quốc tế vào ngày 22/5/2008, Vinasat-1 không còn là một “vật thể bay vô tri” nữa mà nó ẩn chứa trong mình một tinh thần Việt mang niềm tự hào của dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới, khẳng định những ý nghĩa về mặt quốc gia, dân tộc.

 

Ngay sau khi vệ tinh Vinasat-1 được phóng thành công, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: “Đây là một sự kiện quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước. Vinasat-1 là cầu nối truyền thông và hợp tác quốc tế quan trọng của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và toàn thế giới, đưa viễn thông Việt Nam lên một tầm cao mới”.

 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Giám đốc kênh truyền hình VOVTV khi nói về sự kiện Việt Nam có vệ tinh Vinasat-1 cũng đã không giấu được sự xúc động của mình khi nói đó là thời khắc linh thiêng đặc biệt bởi Việt Nam đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa” (ý thơ của cố nhà thơ Nguyễn Đình Thi).

 

Vinasat-1 đã đưa Việt Nam hòa nhập với văn minh nhân loại, khẳng định trình độ tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thật của người dân Việt Nam , đưa chúng ta từ vị trí phụ thuộc lên vị trí tự chủ trong lĩnh vực khai thác, quản lý vệ tinh.

 

Một lãnh đạo của VNPT, đơn vị được Chính phủ giao quản lý, vận hành và khai thác vệ tinh Vinasat-1 đánh giá, bên cạnh việc khẳng định chủ quyền quốc gia Việt Nam trên không gian, Vinasat-1 đi vào hoạt động sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin liên lạc, truyền thông của quốc gia, nâng cao năng lực mạng lưới, chất lượng dịch vụ viễn thông, CNTT, phát thanh, truyền hình của Việt Nam.

 

Sau hơn 1000 ngày có mặt trên quỹ đạo, ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc Công ty VTI - doanh nghiệp được VNPT giao vận hành và kinh doanh Vinasat-1 cho biết, tính tới thời điểm này, Vinasat-1 đã không chỉ có các khách hàng trong nước mà có cả khách hàng nước ngoài.

 

"Chúng tôi đã đã bán được trên 80% dung lượng của vệ tinh Vinasat-1. Đây là một kết quả khả quan và đáng vui mừng, khẳng định uy tín và chất lượng dịch vụ của vệ tinh Vinasat-1. Các khách hàng lớn của Vinasat-1 có thể kể đến như: VTV, VTC, VOV, HTV, ngành dầu khí, các đơn vị kinh doanh viễn thông, Thaicom, Lao Telecom, WebsatMedia ( Singapore )…”. Đại diện của VTI cũng nhận định, nếu không có gì thay đổi, toàn bộ băng tần còn lại của Vinasat-1 sẽ nhanh chóng được lấp đầy trong thời gian tới" - ông Khánh nói.

 

Chính thức cung cấp dịch vụ công nghệ 3G

 

Ngày 12/10/2009, tại Hà Nội, Công ty Dịch vụ Viễn thông, đơn vị chủ quản mạng di động Vinaphone vừa chính thức khai trương mạng Vinaphone 3G và trở thành mạng thông tin di động tiên phong ở Việt Nam cung cấp cho khách hàng các dịch vụ thông tin di động trên nền công nghệ 3G.

 

Việc Vinaphone khai trương mạng 3G đã đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực thông tin di động Việt Nam . Với đường truyền dữ liệu và truy cập Internet tốc độ tối đa lên tới 14.4 Mbps, 3G được kỳ vọng tạo nên một cuộc cách mạng về thông tin di động tại Việt Nam. Lâu nay, người sử dụng các mạng di động chủ yếu chỉ có thể nghe gọi, nhắn tin. Với dịch vụ công nghệ 3G, người dùng sẽ được sử dụng nhiều dịch vụ đa phương tiện tốc độ cao một cách thuận tiện, mọi lúc, mọi nơi.

 

Tại thời điểm khai trương mạng 3G, Vinaphone cung cấp cho khách hàng 6 dịch vụ mới, gồm: các dịch vụ Internet di động tốc độ cao như: Mobile Internet (truy cập Internet tốc độ cao trực tiếp từ điện thoại), Mobile Broadband (truy cập Internet tốc độ cao từ máy tính thông qua sóng di động); các dịch vụ có tính đột phá như: Video Call (đàm thoại thấy hình giữa các thuê bao Vinaphone), Mobile Camera (xem trực tiếp hình ảnh tình trạng các nút giao thông); các dịch vụ giải trí cao cấp như Mobile TV (xem trực tiếp 15 kênh truyền hình trên máy di động, 3G Portal (thế giới thông tin và giải trí trên điện thoại di động).

 

Sau VinaPhone, lần lượt các doanh nghiệp nhận được giấy phép từ Bộ Thông tin và Truyền thông là MobiFone, Viettel và EVN Telecom cũng đã cung cấp dịch vụ tới người dùng. Tính tới thời điểm này, tổng số thuê bao 3G trên toàn Việt Nam đạt hơn 8 triệu thuê bao.

 

Theo đánh giá từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp đã hết sức nỗ lực, cố gắng triển khai mạng 3G, thực hiện các nội dung cam kết. Chỉ trong thời gian ngắn đã triển khai phủ sóng diện rộng trên 63 tỉnh, thành phố, phù hợp với mục tiêu đề ra của cấp phép 3G. Thậm chí, có doanh nghiệp còn hoàn thành việc triển khai hạ tầng, mạng lưới theo cam kết trong 3 năm xuống chỉ còn 2 năm.


Hiền Mai

Ý kiến bạn đọc