(VnMedia) - Báo cáo về số lượng người sử dụng Internet tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương mua sắm trên thiết bị di động vào quý 4/2016 từ Statistic Portal cho thấy, hiện Việt Nam đứng thứ 8 với tỷ lệ 29% trong khi Hàn Quốc đứng đầu với 55% và Trung Quốc đứng thứ hai với 41%. Trong khi đó về tỉ lệ sử dụng Internet trên thế giới, Việt Nam và Trung Quốc đều có tỷ lệ 53%, xếp hạng lần lượt ở vị trí 24 và 25 trên thế giới.
Các thiết bị di động hiện đang chiếm lĩnh hoạt động thương mại điện tử khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hiện có 46% doanh thu bán hàng online được thực hiện trên thiết bị di động và sẽ đạt 69% vào năm 2020 tại khu vực năng động này. Nhờ sự sở hữu nhiều thiết bị điện tử đa dạng từ các thị trường phát triển như Hồng Kong, Nhật Bản…, thu nhập đầu người cao và cơ sở hạ tầng công nghệ thúc đẩy sự gia tăng trong việc sử dụng thiết bị di động của người tiêu dùng trực tuyến. Khu vực Châu Á Thái Bình Dương trong tương lai không xa có đầy đủ điều kiện để trở thành khu vực đứng đầu về hoạt động thương mại điện tử trên các thiết bị di động.
Năm 2016, tổng doanh thu thị trường thương mại điện tử Việt Nam đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ và được dự báo sẽ đạt 2,1 tỷ đô la Mỹ trong năm 2017 (khoảng 45 ngàn 440 tỷ việt nam đồng). Với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 16,5%, doanh thu thị trường này có thể đạt tới 4,1 tỷ đô la Mỹ vào năm 2021. Tuy nhiên, tại Việt Nam hiện chỉ có 19% doanh nghiệp đã phát triển website để tương thích với nền tảng di động (theo Báo cáo Chỉ số Thương mại Điện tử 2017 từ Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam). Con số này quá nhỏ bé so với thị trường và tiềm năng phát triển của ngành.
“Hiện các nhà mạng của Việt Nam đã triển khai 43.000 trạm thu phát sóng 4G (BTS) trên toàn quốc và theo tính toán, số lượng trạm BTS này bảo đảm nhu cầu phục vụ khoảng 95% dân số. Mạng 4G sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy các giao dịch và hoạt động của người dùng internet trên nền tảng di động nhờ tốc độ truy cập cực nhanh và đáp ứng nhu cầu mọi lúc, mọi nơi. Việc tương tác với khách hàng dễ dàng hơn và hoạt động tiếp thị từ các doanh nghiệp thương mại điện tử đồng thời mở ra hàng loạt kênh truyền thông mới. Trong khi đó nhiều doanh nghiệp tại VN còn chậm chạp trong việc áp dụng CNTT, dám sử dụng công nghệ mới vào mô hình vận hành thời 4.0 như xây dựng App, website phiên bản di động, sử dụng Cloud Computing,… ” - ông Azhar Bin Adnan - Giám đốc Marketing CMC Telecom nhận định.
Phát biểu trong Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến - VOMF 2017 tại Hồ Chí Minh, Ông Azhar cũng cho rằng ngoài các hình thức marketing truyền thống như SMS Brandname, MMS…, mạng xã hội thì dịch vụ trên nền tảng định vị (Location Based Services) sẽ là những xu hướng tiếp thị nổi bật trong thời gian tới. Để xây dựng được kênh truyền thông tốt và ổn định, phân tích dữ liệu khách hàng nhanh chóng và hiệu quả, các DN TMDT cần một nền tảng hạ tầng CNTT chuyên nghiệp. CMC Telecom hiện đang là đơn vị hạ tầng viễn thông duy nhất tại Việt Nam áp dụng mô hình dịch vụ One - Stop - Shop tích hợp kênh truyền internet truyền thống với các dịch vụ giá trị gia tăng chất lượng cao như Cloud Computing, Bảo mật (Dịch vụ Thuê ngoài bảo mật của IBM) nhằm xây dựng hệ sinh thái ICT toàn diện cho doanh nghiệp thương mại điện tử. Được biết tháng 7 vừa qua, đơn vị này cũng là ISP đầu tiên tại Việt Nam kết nối thẳng với một trong những gã khổng lồ trong ngành thương mại điện tử thế giới.
Được biết, Diễn đàn Tiếp thị trực tuyến 2017 (Vietnam Online Marketing Forum - VOMF) là sự kiện chính thống về tiếp thị trực tuyến với quy mô toàn quốc, đây là năm thứ hai sự kiện được tổ chức tại Việt Nam. Diễn đàn được diễn ra ngày 15/8/2017 tại Tp. Hồ Chí Minh và ngày 17/8/2017 tại Hà Nội quy tụ cộng đồng kinh doanh dịch vụ tiếp thị trực tuyến cũng như các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân sử dụng dịch vụ này.
Hiền Mai
Ý kiến bạn đọc