Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên Internet: Nhiều việc phải làm!

15:52, 21/08/2017
|

(VnMedia) - Trong tổng số thuê bao truyền hình trả tiền (tính đến thời điểm tháng 7/2017) của Việt Nam là 13.567.279, thuê bao truyền hình trên mạng Internet vẫn còn đang chiếm con số khá khiêm tốn, với 103.550 thuê bao. Thế nhưng, tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet lại đang ở mức báo động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền.

Những thông tin này được chia sẻ tại Hội thảo "Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam - Quyết tâm và Giải pháp" do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 18/8 vừa qua.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: mic.gov.vn

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Ảnh: mic.gov.vn

Vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang ở mức báo động

Theo báo cáo của Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), tính đến nay trong nước có 272 kênh truyền hình phát thanh được cấp phép, trong đó: 77 kênh phát thanh quảng bá, 9 kênh phát thanh phát trên dịch vụ truyền hình trả tiền, 103 kênh truyền hình quảng bá, 84 kênh truyền hình sản xuất phục vụ truyền hình trả tiền, kênh nước ngoài được cấp phép biên tập 50 kênh.

Tổng số thuê bao truyền hình trả tiền tính đến tháng 7/2017 có 13.567.279 thuê bao, tổng doanh thu dịch vụ truyền hình trả tiền trong 7 tháng đầu năm 2017 đạt 4.060 tỷ đồng. Trong đó, thuê bao truyền hình cáp (bao gồm cả cáp tương tự, cáp số, IPTV) là 11.021.489 thuê bao, truyền hình vệ tinh có 1.507.618 thuê bao, thuê bao kỹ thuật số mặt đất 86.951 thuê bao, truyền hình di động có 847.721 thuê bao, truyền hình Internet có 103.550 thuê bao.

Tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet đang ở mức báo động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu của các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Bên cạnh đó đã có những vi phạm nghiêm trọng trong các clip quảng cáo của các thương hiệu sản phẩm đang kinh doanh tại Việt Nam phát trên kênh YouTube, Facebook.

Thống kê cho thấy có ba dạng vi phạm bản quyền điển hình đó là vi phạm trên các trang thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app) OTT không phép (lậu); Vi phạm trên các website, các ứng dụng của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT; Một số đài phát thanh truyền hình sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu.

Xử lý thế nào?

Theo kinh nghiệm quốc tế, hiện nay hoạt động quản lý bản quyền truyền hình trên mạng Internet chủ yếu thực hiện biện pháp ngăn chặn mang tính chất kỹ thuật, tuy nhiên, ở một số nước thực hiện việc này phải có lệnh của tòa án. Rất ít nước có thể làm mạnh như Nhật Bản khi áp dụng hình sự hóa hành vi vi phạm bản quyền.

Một trong những đơn vị vi phạm bản quyền truyền hình bị
Một trong những đơn vị vi phạm bản quyền truyền hình bị "bêu" tên tại Hội nghị.

Tại Việt Nam, 4 bước thực hiện bảo vệ bản quyền bao gồm: áp dụng công nghệ ngăn chặn hoặc gửi thư cảnh báo; Áp dụng biện pháp hành chính. Các website trực tuyến và đầu thu phát kỹ thuật số cung cấp nội dung nhưng chưa được sự cho phép của chủ sở hữu quyền, có thể áp dụng các biên pháp hành chính quy định tại Điều 15, Điều 17 và Điều 18 Nghị định số 131/2013/NĐ-CP hoặc áp dụng biện pháp dân sự. Chủ thể có quyền khởi kiện để yêu cầu: chấm dứt hành vi vi phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại; Tiêu hủy tang vật; Bước thứ 4 là áp dụng biện pháp hình sự theo Điều 225 Bộ Luật hình sự số 100/2015.

Tại Hội thảo, Cục PTTH&TTĐT cho hay đã có nhiều giải pháp xử lý trước mắt được đưa ra nhằm hạn chế tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet như: bổ sung chế tài tại các văn bản đang xây dựng; xây dựng Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ TT&TT về đẩy mạnh rà soát tính pháp lý của hợp đồng cung cấp dịch vụ hosting để loạt bỏ hosting những trang web không có giấy phép, đăng tải nội dung vi phạm bản quyền… Truyền thông mạnh mẽ pháp luật về bản quyền, các hành vi vi phạm và chế tài xử phạt…

Trong chương trình hành động của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam là tăng cường quản lý trong lĩnh vực truyền hình, đặc biệt là xử lý tình trạng vi phạm bản quyền trong lĩnh vực truyền hình, vi phạm bản quyền nội dung trên internet. Bảo vệ bản quyền phải đạt được 2 mục tiêu: Bản quyền của chủ sở hữu được tôn trọng và được sử dụng hợp pháp; Có bản quyền nội dung, nhưng việc cung cấp nội dung có bản quyền phải bảo đảm tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam.

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho biết: “Tình trạng vi phạm bản quyền truyền hình diễn ra trên diện rộng, ngày càng gia tăng và với nhiều phương thức tinh vi, gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu của các Đài PTTH, các doanh nghiệp truyền hình trả tiền. Mặt khác, sự phát triển của các nền tảng hạ tầng thông tin công cộng xuyên biên giới với ưu thế về số lượng người dùng, nội dung thông tin, doanh thu quảng cáo cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho các Đài PTTH, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước, là vấn đề sống còn đối với tương lai của ngành công nghiệp nội dung số Việt Nam”.

Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo mong muốn, sau buổi Hội thảo này, với các ý kiến phát biểu đầy tinh thần xây dựng, các ý kiến góp ý, đề xuất, chúng ta sẽ tìm ra được những giải pháp hiệu quả để bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình, hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường kinh doanh nội dung số lành mạnh, đẩy lùi nạn vi phạm bản quyền.

Tại Hội thảo, nhiều tham luận của các diễn giả trong và ngoài nước cũng như các ý kiến thảo luận của các đại biểu đã nêu ra nhiều giải pháp trước mắt và dài hạn đối với cơ quan quản lý nhà nước nhằm hạn chế tối đa tình trạng vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên mạng internet. Ngoài ra, các đại biểu tham dự cũng đã chứng kiến Lễ ký kết Phối hợp công tác giữa Cục PTTH&TTĐT với Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam trong lĩnh vực truyền hình trả tiền.

Phạm Lê


Ý kiến bạn đọc