2016: Năm của 4G tại Việt Nam!

14:04, 14/01/2016
|

(VnMedia) - Theo ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia, việc triển khai 3G tại Việt Nam những năm qua đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng. Và 2016 sẽ là năm của 4G…

Việc triển khai 3G tại Việt Nam đã chứng kiến sự phát triển nhanh chóng. Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Thông tin và Truyền thông, có khoảng 36 triệu thuê bao 3G, và di động băng rộng đã tạo điều kiện cho 52% dân số truy cập Internet. Sự phát triển này có phần đóng góp quan trọng của nhiều yếu tố, bao gồm các gói cước phù hợp, sự gia tăng các thiết bị di động giá rẻ, và nhu cầu dữ liệu ngày càng tăng trong tầng lớp trung lưu.

Khi người dân chuyển từ 2G sang 3G, trong nhiều trường hợp, điện thoại thông minh là thiết bị đầu tiên giúp họ tiếp xúc với Internet. Trong năm 2015, Việt Nam đã ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường điện thoại thông minh trong nửa đầu năm với tỷ lệ tăng trưởng 27% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tương lai, 4G LTE sẽ đóng vai trò xúc tác cho những đợt tăng trưởng bằng việc làm nển tảng cho các dịch vụ mới mang lại lợi ích cho hệ sinh thái di động cũng như người tiêu dùng. Để đẩy nhanh tiến trình mở rộng mạng 4G LTE, ông Thiều Phương Nam cho hay, Qualcomm đã và đang làm việc với các đối tác chiến lược bao gồm các nhà sản xuất thiết bị gốc, các nhà sản xuất thiết kế gốc và các nhà mạng nhằm đem lại các thiết kế chất lượng cao, vi xử lý di động hỗ trợ 4G LTE cho tất cả các phân khúc, thiết bị di động hiệu năng cao và kết nối mạng hiệu quả, đáng tin cậy cho người dùng.

Ông Thiều Phương Nam, Tổng giám đốc Qualcomm tại Việt Nam, Lào và Campuchia

Đáp ứng nhu cầu kết nối ngày càng tăng, Qualcomm nỗ lực phát triển và hoàn thiện các công nghệ mới phục vụ cho việc triển khai công nghệ Internet Vạn vật (IoE) trên toàn cầu để mang lại kết nối cho mọi ngành thông qua các giải pháp không dây cao cấp, và kỷ nguyên LTE sắp đến tại Việt Nam được trông đợi sẽ thúc đẩy đất nước tiến bộ hơn. Vi xử lý Snapdragon 820 được giới thiệu mới đây chứa đựng nhiều cải tiến và nền tảng Zeroth được chính Qualcomm phát triển hứa hẹn sẽ mang lại nhiều cải tiến xa hơn cho Internet Vạn vật, có nhiều thiết bị thông minh hơn và mạnh mẽ hơn. Những thiết bị đầu tiên sử dụng Snapdragon 820 vừa được ra mắt tại CES 2016.

Nhận thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của ứng dụng di động cũng như tầm quan trọng của mạng 3G/4G trong các ngành công nghiệp địa phương, Chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể và đã hoàn tất quá trình sắp xếp băng tần 1800MHz cho 4G, mở ra cơ hội cho các nhà mạng Việt Nam tiến đến cung cấp dịch vụ LTE.

Để thúc đẩy quá trình triển khai Internet Vạn vật (IoE), Qualcomm mở rộng danh mục đầu tư từ vi xử lý di động đến giải pháp xe hơi thông minh, an ninh, kết nối đáng tin cậy, và các thiết bị khác như drone và camera an ninh. Mới đây, Qualcomm đã ra mắt vi xử lý di động cao cấp Snapdragon 820 giúp tăng hiệu năng thiết bị, đồng thời giảm tiêu thụ điện năng. Đây không chỉ là trái tim của điện thoại thông minh, mà còn nhiều thiết bị khác như camera an ninh, drone… Có khoảng 80 dòng thiết bị dự định trang bị Snapdragon 820 trong năm tới.

5G - thiết bị của kỷ nguyên Internet Of Things

Không chỉ nói tới câu chuyện 4G, trong buổi gặp mặt báo giới mới đây, ông Thiều Phương Nam cũng đã chia sẻ những thông tin mới nhất về công nghệ 5G. Theo ông Nam, với 5G, các nhà mạng có thể cung cấp những dịch vụ mới và giúp người dùng có nhiều trải nghiệm vượt trội so với thế hệ mạng 3G hay 4G hiện nay. Tuy nhiên, 5G ra đời không phải chỉ đề dành cho smartphone mà để phục vụ cho đô thị thông minh, nhà thông minh, ô tô thông minh và các thiết bị khác nữa… 5G được phát triển để phục vụ mọi kết nối của thiết bị trong kỷ nguyên Internet Of Things.

Việc phát triển mạng 5G hiện đang ở trong giai đoạn quy chuẩn trước khi được thương mại hóa. Trong năm 2015, Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) đã tổ chức nhiều cuộc họp để các quốc gia sẽ thống nhất với nhau về một chuẩn chung đối với mạng 5G. Theo kế hoạch, đến năm 2017, các tổ chức viễn thông trên thê giới sẽ thống nhất với nhau về chuẩn 5G bao gồm như chuẩn về tốc độ, thiết bị đầu cuối, thiết bị hạ tầng... Các quy chuẩn này sẽ được áp dụng  đối với mọi thị trường trên toàn cầu.

Ông Thiều Phương Nam cũng chia sẻ rằng, dựa trên tầm nhìn của Qualcomm về mạng 5G, các chuyên gia của hãng đã nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm nhiều công nghệ, thiết bị. Các công nghệ mới khi được thử nghiệm trong phòng lab của hãng trước khi đưa ra thị trường. Dự kiến, mạng 5G sẽ được thương mại hóa vào năm 2020 tại một số quốc gia và sẽ có tên chính thức là IMT- 2020 bên cạnh tương tự như mạng 3G (IMT- 2000) và mạng 4G (IMT-Advanced) trước đó.


Ý kiến bạn đọc