(VnMedia) - Theo ông Doãn Ngọc Hải - Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế): "Nước khi cung cấp ra thị trường cũng là một sản phẩm hàng hóa, phải đảm bảo chất lượng. Khi có vấn đề thì người dân có quyền yêu cầu phải kiểm tra, xác minh nguồn gốc...
>> Thái Nguyên: Dùng nước sạch của nhà máy gây... ngứa ngáy, lở loét
Thiếu sự khách quan?
Sau khi tiếp nhận thông tin và ghi nhận từ thực tế tại xí nghiệp nước sạch Trại Cau, phóng viên đã có cuộc làm việc với cơ quan chức năng là Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Thái Nguyên. Theo quy định tại điều 3, chương I, Thông tư 50/2015/TT-BYT quy định rõ: “Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chức năng y tế dự phòng có thẩm quyền kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước”.
Ông Nguyễn Văn Trường – Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng sau khi trao đổi với phóng viên về nội dung làm việc đã giao cho Phòng Sức khoẻ môi trường và sức khoẻ trường học trả lời và cung cấp các tài liệu liên quan đến công tác kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước của xí nghiệp nước sạch Trại Cau.
Theo đó, các phiếu xét nghiệm mẫu nước đã được Trung tâm y tế dự phòng thực hiện thường xuyên: “Việc cơ quan có thẩm quyền đi xuống cơ sở lấy mẫu xét nghiệp là không báo trước, rồi đưa về xét nghiệp tại phòng Las của cơ quan đã đạt chuẩn ISO 17025:2005, có thể đưa kết quả ra quốc tế!?”, bà Hoa – Trưởng phòng khẳng định.
Tuy nhiên, trong tất cả các phiếu lấy mẫu nước ở các xí nghiệp nước khác cũng đều thể hiện như ở xí nghiệp Trại Cau đều ghi rõ Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng lấy mẫu nước để kiểm tra, giám sát chất lượng nước. Một bên là chữ ký của người lấy mẫu là cán bộ Trung tâm y tế dự phòng và một bên là chữ ký của đại diện cơ sở (8 xí nghiệp) được lấy mẫu chỉ là một người.
Về vấn đề trên, chị Phạm Hồng Thuý – một trong những cán bộ thường xuyên đi lấy mẫu nước của trung tâm lý giải: “Do giữa công ty và trung tâm ký hợp đồng nên bên công ty phải bố trí xe đưa đón trừ những trường hợp bận đột xuất thì cán bộ trung tâm y tế dự phòng mới chủ động đi”. Điều này không giống như những lời bà Hoa – Trưởng phòng nói trước đó.
Cũng trong các phiếu xét nghiệm thì trung tâm y tế dự phòng mới chỉ xét nghiệm các chỉ số thuộc mức độ A. Trong khi đó, theo quy định phải xét nghiệm tất cả các chỉ số thuộc mức độ B, C.
Nghi vấn bỏ tiền mua kết quả xét nghiệm?
Để làm rõ hơn vấn đề này chúng tôi đã làm việc với Công ty nước sạch Thái Nguyên. Ông Trịnh Thành Nguyên – Trưởng phòng kỹ thuật của công ty. Ông Thành cho biết: “Hiện phòng kỹ thuật của công ty không đủ đạt chuẩn để xét nghiệm theo quy định vì vậy Công ty nước sạch đã ký hợp đồng với Trung tâm y tế dự phòng để xét nghiệm các chỉ tiêu”.
Còn ông Trần Xuân Cường – cán bộ kỹ thuật cũng khẳng định việc ông ký vào tất cả các phiếu lấy mẫu nước đại diện cho cơ sở là tất cả các xí nghiệp!? Khi phóng viên nhiều lần hỏi lại việc ký hợp đồng là như thế nào thì cả ông Nguyên và ông Cường đều khẳng định: “Không ký hợp đồng thì sao chuyển tiền được”.
Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên cũng xác nhận với chúng tôi: “Mọi hồ sơ, phiếu xét nghiệm đều được lưu tại phòng kỹ thuật của công ty, chứ không lưu ở các xí nghiệp. Xí nghiệp không đủ tư cách pháp nhân để ký hợp đồng”.
Như vậy, một bên là cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra vệ sinh, chất lượng nước và một bên là đối tượng bị kiểm tra, giám sát lại ký hợp đồng lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi đó theo Thông tư 50/2015/TT-BYT quy định rất rõ: “UBND tỉnh phải bố trí ngân sách cho công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng nước định kỳ, đột xuất hàng năm. Đầu tư nâng cấp trang thiết bị phòng xét nghiệm cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để có đủ khả năng thực hiện xét nghiệm, giám sát chỉ tiêu theo quy định hiện hành”.
Từ những điều bất thường trên, dư luận đặt ra câu hỏi việc lấy mẫu và xét nghiệm mẫu nước của Trung tâm y tế dự phòng tỉnh liệu có khách quan, trung thực khi phải chịu sự chi phối về kinh tế. Như vậy có giống như việc bỏ tiền mua kết quả xét nghiệm của Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên!?
Nếu chỉ cần một trong những yếu tố này không trung thực thì đương nhiên kết quả của nó không phản ánh đúng so với thực tế. Như vậy không chỉ xí nghiệp nước Trại Cau mà cả các xí nghiệp nước sạch khác trực thuộc Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên đều có vấn đề? Và câu hỏi đặt ra là chất lượng nước sạch của Thái Nguyên liệu có đảm bảo?
Tuy nhiên, khi phóng viên đề cập đến các vấn đề này thì cả Trung tâm y tế dự phòng và Công ty cổ phần nước sạch Thái Nguyên đều không trả lời trực tiếp mà đề nghị được trả lời bằng văn bản. Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời nào từ phía 2 đơn vị này.
Tỉnh Thái Nguyên đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước. Mới đây, qua kết quả quan trắc của Trung tâm Quan trắc và Công nghệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Nguyên) thì có nhiều yếu tố ảnh hưởng xấu đến nguồn nước hồ Núi Cốc. Trên địa bàn huyện Đại Từ (khu vực thượng lưu của hồ Núi Cốc) hiện đang có gần 1.200 cơ sở sản xuất công nghiệp, trong đó có 68 cơ sở khai thác khoáng sản cùng nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản. Phần đông các cơ sở khai thác, do công nghệ lạc hậu đã làm thất thoát tài nguyên và ảnh hưởng đến môi trường nước các nhánh sông đầu nguồn. Ước tính, hàng năm, các cơ sở này thải ra lưu vực hàng nghìn mét khối nước thải cùng hàng chục triệu tấn chất thải rắn. Điển hình là các đơn vị như: Mỏ than Núi Hồng, Xí nghiệp thiếc Đại Từ, Công ty Cơ khí mỏ Việt Bắc… Hiện tại tỉnh Thái Nguyên có đến 80% nước sinh hoạt của người dân tại các đô thị lớn như TP Thái Nguyên, Sông Công và KCN Samsung đã và đang sử dụng nguồn nước từ hồ Núi Cốc. |
Hoàng Nam-Doãn Kiên
Ý kiến bạn đọc