Tính dân tộc trong phim truyện được “kêu cứu”

19:35, 31/08/2013
|

(VnMedia)Sự đổ bộ của dòng phim ngoại lai, với nhiều cảnh bạo lực, đồng tính, sexy nóng bỏng khiến cho tính dân tộc một lần nữa được các nhà làm điện ảnh lên tiếng cảnh tỉnh.

Tính dân tộc được coi là linh hồn và xương sống của điện ảnh Việt Nam . Điều này được nhiều nhà làm điện ảnh nhấn mạnh trong hội thảo “Tính dân tộc trong điện ảnh Việt Nam” do Hội Điện ảnh Việt Nam, Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam cùng Hội đồng lý luận Văn hóa nghệ thuật Trung ương tổ chức.

Trong khi nhiều diễn giả sa đà vào diễn giải thế nào là tính dân tộc, phân tích tính dân tộc trong điện ảnh Việt được thể hiện qua nội dung và phương pháp thể hiện, thì nhiều người làm điện ảnh lại có nhìn cái thực tế về thực trạng bị mai một tính dân tộc trong phim truyện Việt.

 Ảnh minh họa

 "Đừng đốt" được nhận định là bộ phim mang đầy bản sắc dân tộc


Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nhìn nhận, tính dân tộc trong phim Việt được thể hiện rõ nét qua 4 tiêu chí: bối cảnh hiện thực, Tính cách nhân vật, Khát vọng vươn lên và Thủ pháp thể hiện.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh thống thiết “Điện ảnh Việt Nam có thể chia ra hai thời kỳ. Đó là thời kỳ điện ảnh không lấy đồng tiền làm mục đích và thời kỳ điện ảnh bị chi phối bởi lợi nhuận đồng tiền. Ở đâu bị đồng tiền chi phối, ở đó không có nghệ thuật và dĩ nhiên không thể có tính dân tộc. Xu hướng thương mại đang thịnh hành trong điện ảnh Việt Nam hiện nay đã làm lu mờ tính dân tộc trong phim ảnh Việt Nam vốn có một thời”.

Vị đạo diễn lão làng này cũng bày tỏ “Bản sắc dân tộc nằm ngay trong tư tưởng, tâm hồn của mỗi người nghệ sĩ… Bản sắc dân tộc chỉ có thể có ở những tác phẩm chạm được tới thân phận của dân tộc, thông qua những số phận của những con người cụ thể”.

GS.VS Hồ Sĩ Vịnh bày tỏ “Tính dân tộc được thể hiện qua các nhân vật trung tâm còn thiếu tầm cao trí tuệ, chiều sâu nhân văn; tính đa nghĩa của thi pháp đạo diễn còn bị bó hẹp; tính hiện đại, tính kỳ, yếu tố lại trong văn hóa dân tộc chưa được ứng dụng vào nghệ thuật điện ảnh”.

Tuy nhiên, thực tế hơn, đạo diễn Vũ Xuân Hưng cho rằng, việc mai một tính dân tộc xuất phát từ một góc độ rất khách quan, đó là một bộ phận lớn khán giả, nhất là khán giả trẻ không hứng thú với những bộ phim có tính dân tộc đậm nét, sâu sắc mà họ chỉ hướng tới những bộ phim giải trí thuần túy, trong đó có không ít phim có chất lượng nghệ thuật nhạt nhòa, thậm chí thấp kém. Đó là điều làm lung lay các nhà sản xuất phim khi họ phải tính tới doanh thu khi tiến hành cho ra đời sản phẩm mới.

Sự đổ bộ ồ ạt của lớp các nhà làm điện ảnh Việt Kiều không phủ nhận đã mang lại cho diện mạo điện ảnh Việt Nam một sự tươi mới và đa dạng hơn. Nhưng theo quan điểm của đạo diễn Vũ Xuân Hưng, thì lớp làm điện ảnh mới này đã bị thị trường hóa và chạy theo tính giải trí của thị trường.

Diễn giả Nhật Ánh thì không ngại ngần chỉ ra sự “bạo phát, bạo tàn” của dòng phim thương mại là bài học về một cái chết yểu không thể tránh khỏi của những sản phẩm nghệ thuật chỉ chạy theo lợi ích thương mại trước mắt.

Cũng theo nhiều nhà làm điện ảnh, việc tìm bản sắc dân tộc không phải là sự thách đố các nhà làm phim tìm về nguồn cội về quá khứ. Tính dân tộc phải tìm thấy thấy ngay trong bản sắc dân tộc Việt Nam trong thời đại giao lưu hội nhập đầy thách thức.

Tính dân tộc trong âm nhạc và trong phục trang, mỹ thuật cũng được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và NSƯT Đoàn Thị Tình, TS Vũ Ngọc Thanh bàn luận trong tham luận của mình.

Việc đề xuất có một Quỹ hỗ trợ điện ảnh và sử dụng nó một cách hiệu quả cho các dự án sản xuất phim, mà trong đó ưu tiên cho các dự án giàu bản sắc dân tộc cũng được nhiều tham luận đề cập tới.

Tuy nhiên, sự thiếu vắng của lớp nhà làm phim trẻ với nhiều tiếng nói thiết thực để phát huy được tính dân tộc trong phim truyện khiến cho cuộc hội thảo không được trọn vẹn.


Lam Trần

Ý kiến bạn đọc