Đạo diễn Việt Tú: Tôi luôn cố "hạ mình xuống đất" nhanh nhất

07:15, 25/03/2015
|

(VnMedia) - Là một trong những đạo diễn ca nhạc hàng đầu Việt Nam trong vòng 10 năm trở lại đây, Việt Tú luôn đắt sô bất kể showbiz khủng hoảng ra sao. Với anh, mỗi khi xong một sô, anh lập tức "hạ" mình xuống đất để...làm tiếp.

>> Chương trình của năm: Căng thẳng và kịch tính
>> Cuộc đua của các "nghệ sỹ mới"

Ảnh minh họa


Đạo diễn Việt Tú trên "ghế nóng" SMĐH 2014


 - T rong năm qua, hàng loạt những show diễn của anh gắn liền với những cái tên Lý Nhã Kỳ, Hồ Ngọc Hà... Rồi người ta gọi show diễn của anh là show diễn "hàng hiệu", anh nghĩ chữ "hàng hiệu" đó có hợp với những gì anh làm?

Điểm chung của “hàng hiệu” dưới quan điểm của tôi là những tiêu chí sau: Đẹp, không nhất thiết phải đắt tiền, và quan trọng nhất…. không ai “bóc được mác” là hiệu gì. Chính vì vậy, không phải cứ những người nổi tiếng khi làm show là họ sẽ chi tiền bừa bãi như một số người nghĩ để từ đó mỗi khi các nhân vật đó làm show thì được gán vào hai chữ “hàng hiệu”.
 
Cá nhân tôi có một trải nghiệm, càng show nào lớn, thì tài chính được quản lý càng chặt chẽ, chính vì vậy tôi tập cho mình một thói quen là tách bạch hoàn toàn giữa hình thức bên ngoài, danh tiếng, thói quen tiêu dùng của các khách hàng với công việc mà họ định cộng tác với mình. Cuối cùng tôi nghĩ cách duy nhất để một show trở thành hàng hiệu đó chính là chất lượng nghệ thuật của mỗi show diễn đó chứ không phải số tiền họ chi cho nó là bao nhiêu mặc dù không có tiền thì cũng chẳng làm gì được.
 
- Thị trường show diễn tại Nam và Bắc đều đang không ở trong thời kỳ thịnh vượng, nhưng tôi thấy anh vẫn "bay như chim" với lịch làm việc dày đặc, có cách nào giữ khách hàng luôn bên cạnh anh ngoài vấn đề chất lượng của công việc?

Đúng, thị trường giải trí đang ở thời kỳ không thịnh vượng, vì vậy người làm nghề cần tìm cách thích nghi với nó, điều này tôi đã nói vài lần vào ngay cả thời kỳ mọi người đang lạc quan nhất về sự thịnh vượng của nó.
 
Thị trường giải trí có rất nhiều nhánh công việc chứ không chỉ đơn thuần là làm show, hay làm sự kiện, chính vì vậy việc phân tích thị trường và nhìn thấy trước được những diễn biến của ngành này là rất quan trọng. Về khối lượng công việc và mối quan hệ với khách hàng trong dài hạn tôi nghĩ mình cần luôn cố gắng trong hai việc: Chất lượng của sản phẩm, và Cách làm dịch vụ, nếu bạn luôn mang lại cho khách hàng những sản phẩm tốt, mỗi khi giao việc cho bạn họ có thể “kê cao gối ngủ” thì tôi nghĩ trong thời kỳ nào bạn cũng có thể tồn tại được.
 
- Hai show diễn của Hồ Ngọc Hà 2011 và 2014 với anh đã rất thành công về mặt dàn dựng, nếu cô ấy đưa ra lời mời tiếp theo, liệu anh có nhận hoặc cảm thấy áp lực hay không?

Nếu suy nghĩ một cách “logic” như vậy thì tôi nghĩ mình đã không nhận thực hiện show diễn của Hà vào năm 2014, vì tôi nghĩ cả tôi và Hà ngoài mong muốn khám phá những giới hạn mới của bản thân trong sáng tạo ra thì chúng tôi đều chưa nhất thiết phải làm Concert 2014. Hai show diễn của Hồ Ngọc Hà với tôi đều là hai cột mốc đẹp ở hai thời điểm khác nhau của công việc, chứ không phải là những đỉnh cao không thể vượt qua, chính vì vậy tôi luôn cố gắng “hạ mình xuống đất” nhanh nhất có thể trong mọi trường hợp.
 
- Show diễn Hồ Ngọc Hà được chuẩn bị trong thời gian ngắn kỉ lục, tại sao anh lại chấp nhận yêu cầu "chóng mặt" ấy của Hà?  

Vì tôi đã luôn chuẩn bị năng lượng và chất liệu cho công việc của mình chứ không phải khi có lời mời của Hà hay ai đó đến thì mới nghĩ rằng mình phải làm gì và mới bắt đầu chuẩn bị, bên cạnh đó những gì Hà làm lại rất hợp với tôi về mặt xu hướng, trào lưu ở thời điểm này nó giống như ai đó đến gặp và yêu cầu bạn làm một thứ vốn thuộc về bạn, tương tự như thời điểm 2002 Hà Trần mời tôi làm Nhật Thực, hay 2011 khi Tùng Dương và tôi thực hiện Concert Những chuyến đi của cậu ấy, đó là những gì xuất phát từ bản năng một cách rất tự nhiên thôi. 
 
Năm ngoái khi Hà điện thoại nửa đùa nửa thật hỏi tôi: “Nếu em định làm Live Concert nữa vào năm nay anh có làm cho em không?”, câu trả lời của tôi là: “Nếu em làm Concert vào năm nay mà không mời anh thì anh sẽ mua súng bắn chết em đấy“. 

- Anh có nghĩ đề cử Cống Hiến lần này cho concert của Hồ Ngọc Hà là một mức độ chấp nhận cao hơn về mặt chuyên môn đối với công việc của anh, anh có hy vọng mình sẽ lập lại được kỳ tích, vì Cống Hiến có xu hướng “ưu ái” những điều mới mẻ và ít có dáng dấp thương mại?

Tôi thì không xa lạ gì với giải Cống Hiến ở hạng mục Chương trình của năm cả và ở mọi cấp độ (nghệ thuật hay thương mại dưới tiêu chí của những nhà chuyên môn), cái tôi đi tìm không phải là sự chấp nhận cao hay thấp với công việc của mình mà là đi tìm sự thách thức với chính bản thân mình.

Với tôi, Cống Hiến là một giải thưởng “cởi mở” vì nếu theo lập luận là giải này thường ưu tiên tính hàn lâm thì hạng mục Chương trình của năm 2011 phải là Không Gian Âm Nhạc hoặc Tùng Dương Live Concert chứ không phải là Hồ Ngọc Hà Live Concert diễn ra cùng năm đó. Với Cống Hiến 2014, tôi thấy bất kỳ chương trình nào được đề cử mà đoạt giải cũng đều xứng đáng cả bất luận nó là thương mại, hay nghệ thuật vì từ vòng đề cử thì các hạng mục này đã được lựa chọn bởi chính những nhà chuyên môn rồi.
 
Ảnh minh họa


Liveshow Hồ Ngọc Hà Concert2014 đang được đánh giá là ứng viên "nặng ký" ở hạng mục Chương trình của năm (Giải Cống Hiến)


 
- Khán giả vẫn luôn mong chờ một chuỗi chương trình âm nhạc thưởng thức của anh trong tương lai, nhưng có phải hiện tại các nhà đầu tư đã không còn hứng thú rót tiền vào các hoạt động nghệ thuật nữa?

Chắc chắn đây đang là thời điểm khó khăn của nền kinh tế, chưa kể để rót tiền vào nghệ thuật thì chúng ta cần những nhà đầu tư cũng phải yêu và hiểu nghệ thuật đã, tuy nhiên cũng cần phải thừa nhận một thực tế rằng những người làm nghệ thuật chưa mang lại niềm tin cho những nhà đầu tư rằng những hoạt động nghệ thuật đủ sinh lợi và xứng đáng với những gì mà nhà đầu tư mong muốn.
 
Vì đã gọi là đầu tư thì không ai mang tiền đi để bỏ vào những chỗ vô nghĩa cả, cho dù về mặt nghệ thuật không ai phủ nhận rằng những chuỗi chương trình âm nhạc thưởng thức là điều rất tuyệt vời với đông đảo công chúng.
 
- Anh từng ngồi trên ghế giám khảo truyền hình thực tế, khi quan sát những gì diễn ra trong một chương trình như vậy, anh có thấy "ngứa nghề"?

Việc ai nấy làm, và cũng không ai làm hộ ai việc của ai được, chưa kể một tháng bạn chỉ làm một việc sẽ khác với một tháng bạn làm từ 3-4 việc, ngồi một chỗ làm “nhà phê bình” luôn dễ dàng hơn bắt tay vào làm. Cá nhân tôi cũng dị ứng nhất với những đối tượng không làm nhưng lại hay phán.

Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh!


Tùng Huy

Ý kiến bạn đọc