Giáo sư, nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất qua đời

20:54, 02/05/2014
|

Giáo sư, TSKH Nghệ thuật- nhà soạn nhạc Nga ưu tú gốc Việt Nguyễn Lân Tuất vừa qua đời ngày 29/4/2014 tại Liên bang Nga, sau một thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, hưởng thọ 80 tuổi. Lễ tiễn đưa ông vào ngày 1/5 tại thành phố Novoxibir.

Ảnh minh họa

Giáo sư, nhạc sỹ Nguyễn Lân Tuất

Bị ốm suốt chục ngày qua, tôi không thể bay về Novoxibir để nhìn thấy anh lần cuối, lòng nghẹn ngào một niềm ân hận sâu xa. Niềm ân hận đó càng trào dâng lên khi tôi một mình ngồi xem lại băng video buổi biễu diễn mừng năm mới do anh chỉ huy dàn nhạc. Nhìn những tràng vỗ tay không dứt, nhìn những bó hoa tươi thắm của khán giả tặng anh, nhìn những khuôn mặt đầy xúc cảm và biết ơn của công chúng Nga dành cho anh - Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất, sau khi kết thúc những nốt nhạc cuối cùng trong đêm biễu diễn, lồng tôi không khỏi bồi hồi xúc động và tự hào. Cảm xúc đó gắn với một niềm tiếc thương, khi tôi chợt hiểu rằng, con người đó đã ra đi mãi mãi, và sẽ không biết đến bao giờ, cộng đồng người Việt Nam mới có lại được một tài năng âm nhạc như thế!

Bao nhiêu năm sống ở Nga, tôi có được hai lần hưởng trọn niềm tự hào vẹn tròn như vậy.

Lần thứ nhất  là năm 1994, Hoà thượng Thích Nhất Hạnh được Vụ Tôn giáo của Bộ Văn hoá Nga mời sang giảng pháp tại Nhà văn hoá Thành phố Puskino. 

Lần thứ hai, tôi được dự buổi hoà nhạc của Nghệ sĩ Đặng Thái Sơn tổ chức trong Cung hoà nhạc của Nhạc viện Traikovxki vào năm 2003. Khuôn viên của Cung hoà nhạc chỉ có khoảng hai trăm chỗ ngồi, chủ yếu là quan khách và những nhà âm nhạc lớn của Nga và một số chỗ dành cho khách mời. Cả Cung hoà nhạc im phăng phắc lắng nghe từng nốt nhạc vang lên từ đôi tay tài hoa của người nghệ sĩ Việt Nam lừng danh. Cuối buổi biễu diễn là những tràng vỗ tay, cả một rừng hoa ngập tràn sân khấu. Nhưng chi tiết là tôi nhớ nhất, là sau khi anh Đặng Thái Sơn rời sân khấu, không ra phái sau cánh gà mà đi thẳng qua những dãy ghế. Trước cổng, có hai người phụ nữ Nga luống tuổi, ôm sẵn hai bó hoa hồng, quỳ xuống trao tặng cho người nghệ sĩ Việt Nam. Tôi lặng người khi được chứng kiến giây phút đó để hãnh diện, để trân trọng cả những người Nga và nghệ sĩ Đặng Thái Sơn.

Và với anh Nguyễn Lân Tuất, những trạng thái tình cảm của tôi cũng bừng sống dậy.

Quen anh gần hai chục năm, nhưng tôi phần vì là dân ngoại đạo, phần vì hời hợt trong cách cảm, cách nghĩ nên chưa hiểu hết được chặng đường đời không kém phần bi tráng và tầm vóc, ảnh hưởng trong lĩnh vực âm nhạc của anh đối với nền âm nhạc đương đại của Nga. Lần đầu tiên tôi gặp anh ở Hội trường Đại sứ quán năm 1996, ngay sau khi Ban Công tác Cộng đồng được thành lập. Anh mặc bộ complê trắng, tóc chải bồng bềnh, tươi cười đi lại, bắt tay và đưa cacvidit cho mọi người, phấn khởi hồn nhiên và có phần ngỡ ngàng trước sự trọng thị của anh em cán bộ Sứ quán và anh em văn nghệ. Đó là một sự hội nhập ban đầu của một người sau ba chục năm thu mình lại trước sự bủa vây của dư luận và thế sự, giờ đây đến lúc tự cởi trói cho mình. 

Nửa năm sau, anh tham gia vào chuyến về nước đầu tiên do Hội Doanh nghiệp tổ chức. Theo lịch của cuộc hành trình, chuyến đi sẽ xuất phát từ Moscow, về Hà Nội dự mấy cuộc gặp gỡ của Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Thương mại. Trong những ngày đó, anh Nguyễn Lân Tuất luôn là nhân vật chính, anh đăng đàn phát biểu, kể về nước Nga, kể về âm nhạc Nga, kể về mình, dường như sự dồn nén sau bao nhiêu năm giờ đây mới có cơ hội bày tỏ. 

Sau đó, Đoàn tiếp tục vào TP HCM, lên Đà Lạt, nhưng anh Nguyễn Lân Tuất "bỏ gánh giữa đường", anh ở lại Hà Nội để dành thời gian thăm lại bà con, anh em, những người mà gần nửa thế kỷ anh chưa một lần gặp mặt.

Anh còn lên Moscow và về Việt Nam nhiều lần nữa. Lần nào anh cũng mang cả một túi xách sách nặng lặc lè, phân phát cho mọi người, từ cả người không biết lấy một chút tiếng Nga, đến cả người chẳng quan tâm gì đến âm nhạc, anh không cần biết, được tặng sách, được mọi người đón nhận, thế là anh vui rồi. Tôi biết quyển "Chèo truyền thống Việt Nam" dù không dày dặn, đồ sộ, nhưng trong đó là tập hợp, tinh lọc những hiểu biết và nghiên cứu âm nhạc dân tộc hàng chục năm của anh. Khó có ai ở nước ngoài nhiều năm, trong điều kiện thiếu thốn tư liệu, chưa có internet và các phương tiện truyền thông cập nhật mà viết được một cuốn sách để đời như thế. 

Có mấy lần, gặp anh Dương Hải An, khi thì ở Moscow, khi thì ở Volgagrat, anh An cho biết: " Em vừa lấy vé để anh Nguyễn Lân Tuất về Việt Nam", lẽ ra tôi phải bảo rằng: "Cảm ơn An, em làm thế là đúng, anh Nguyễn Lân Tuất, nói không quá lời, là một cây đại thụ trong làng âm nhạc Việt Nam ở Nga", thì tôi lại chỉ nói: Thế à!  Thực ra lúc đó, tôi chỉ mới hiểu được rằng, anh Nguyễn Lân Tuất là một nhạc sĩ tài ba nhưng không hiểu anh vẫn sống vô cùng chật vật với đồng lương hưu ít ỏi của mình. Có thể trong thế giới âm nhạc, anh là một con người năng động, nhưng trong cuộc sống đời thường anh lại ngơ ngác, ngỡ ngàng. Chỉ một câu nói dửng dưng đó, giờ đây tôi cảm thết ân hận, tự trách mình vô tâm biết chừng nào.

Rồi những lần anh đến Moscow, mặc dùng anh em chúng tôi vẫn tổ chức những bữa ăn, cũng chuyện trò, cũng chúc tụng, nhưng dường như chúng tôi quên mất anh là một nhạc sĩ lớn, nên chưa bao giờ đặt vấn đề Hội Văn học Nghệ thuật đúng ra làm một đêm nhạc Nguyễn Lân Tuất hoành tráng, xứng danh với tên tuổi của anh. Giờ đây, dù có ân hận thì cũng đã muộn rồi, không còn bao giờ còn được cầm tay anh, ép anh uống rượu, nghe anh kể về Học viện âm nhạc Novoxibir mà anh yêu quý nữa. Mấy hôm trước, nhạc sĩ Hồng Hà gọi điện cho tôi rất khuya, báo tin anh Nguyễn Lân Tuất nguy kịch lắm, gia đình ở Hà Nội đã cho người sang rồi. Tôi đề nghị Hồng Hà và sau đó là Châu Hồng Thuỷ cố gắng tìm được điện thoại người nhà anh Nguyễn Lân Tuất hoặc một ai trong Hội Đồng hương ở thành phố Novoxibir để liên lạc. Một là để nắm thông tin, hai là chủ động để chuẩn bị....Vì đơn giản là tôi sợ. Bao nhiêu năm ở Nga, có những con người cao quý ra đi mà chúng tôi thiếu chu đáo trong lễ tiễn đưa, tôi sợ sự vô tình. 

Giáo sư Nhikulin, một bậc thầy và là một người bạn lớn của Việt Nam, một chuyên gia việt Nam học hàng đầu mất đi, ở Moscow có bao nhiêu học trò của ông, vì thiếu thông tin, chỉ có mỗi tôi và anh Lê Minh Dần kịp đến được nghĩa trang trong buổi lễ tang. 

Rồi Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, nhà ngôn ngữ học nổi tiếng nhất Việt Nam qua đời ở Moscow mà chỉ có mấy anh em chúng tôi mang hai vòng hoa khiêm nhường đến viếng... 

Chiều 29/4, sau khi nghe tin Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất tạ thế, tôi báo ngay cho anh Châu Hồng Thuỷ, Hồng Hà cùng anh em trong các Hiệp hội ở Nga, và chỉ sau hai tiếng, tạp chí nguoibanduong, baonga đã kịp thời đăng Tin buồn và bài viết rất đầy đủ về thân thế, sự nghiệp do anh Châu Hồng Thuỷ dày công tổng hợp. Và trên các trang báo cũng đã đăng ngay các bức điện chia buồn của Đại Sứ quán, Hội Người Việt... Và tôi không còn lo nữa, vì anh em trong Hội Văn học Nghệ thuật  đã có kế hoạch chuẩn bị chu đáo gửi tới gia quyến thư chia buồn, vòng hoa cho tang lễ. 

Anh ra đi ở tuổi tám mươi, tuổi mà nhà thơ Đỗ Phủ cho rằng xưa nay hiếm, để lại cho đời bao di sản vô giá về âm nhạc. Ngày 1/5/2014, tôi không có mặt trong dòng người tiễn đưa anh về miền cực lạc trong những bản nhạc anh sáng tác, đưa anh đến đỉnh vinh quang; mong anh hãy nhận lấy sự ân hận muộn màng và sự kính trọng của tôi, một người con nước Việt./.


Theo VOV News

Ý kiến bạn đọc