“Mùi cỏ cháy” và “Long ruồi” bội thu tại Cánh diều 2012

10:23, 18/03/2012
|

(VnMedia) - Bộ phim chiến tranh xôn xao dư luận “Mùi cỏ cháy” và tác phẩm điện ảnh thương mại phá kỷ lục doanh thu “Long ruồi” chiếm lĩnh những giải thưởng quan trọng nhất của Cánh diều 2012. Trong khi đó, bộ phim đề tài xã hội “Hot boy nổi loạn” chỉ được xếp ngang hàng với phim hài lãng mạn “Lệ phí tình yêu”.

Bội thu tại LHP Việt Nam cách đây vài tháng, “Hotboy nổi loạn” lại chỉ dừng lại ở Bằng khen của BGK Cánh diều. Đây là một ghi nhận khá khắt khe đối với tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Về mặt nghề nghiệp, đây có thể nói là tác phẩm điện ảnh… điện ảnh nhất, tức là hoàn thiện nhất trên phương diện kể chuyện bằng ngôn ngữ hình ảnh. Về mặt nội dung, với đề tài xã hội vừa mang tính thời đại vừa khá gai góc, xúc động như vậy nhưng phim được đặt ngang với một tác phẩm thuần giải trí như “Lệ phí tình yêu” thì BGK hẳn đã có thiên kiến.

Bộ phim còn dành được giải Diễn viên Nam phụ xuất sắc dành cho Hiếu Hiền và giải Báo chí cho phim truyện nhựa xuất sắc nhất.

Ảnh minh họa

"Mùi cỏ cháy" hân hoan tại Cánh diều 2012


Dừng lại ở Bông sen Bạc tại LHP Việt Nam lần thứ 17 cuối năm ngoái, “Mùi cỏ cháy” lần này đã có dịp ca khúc khải hoàn khi nhận Cánh diều Vàng duy nhất cùng 3 giải phụ quan trọng của Biên kịch, Quay phim và Âm nhạc.

Ngoài ra, tác phẩm duy nhất về đề tài chiến tranh còn nhận luôn giải thưởng bên lề (của Bộ Quốc phòng?) dành cho phim xuất sắc nhất về đề tài chiến tranh.

Chưa phát hành rộng rãi mà mới chỉ chiếu trong khuôn khổ hẹp tại 2 kỳ giải thưởng LHP quốc gia và Cánh diều cùng một số buổi chiếu giới thiệu nhưng bộ phim đã kịp tạo hiệu ứng rất tích cực, với những sự xúc động tập thể, những lời khen tặng… Dù chưa hoàn hảo, giải Cánh diều Vàng cho “Mùi cỏ cháy” là một ghi nhận xứng đáng khi so với nhiều Cánh diều trước đây.

Lên nhận giải, không rõ có phải do được phím trước hay không, cả đạo diễn Nguyễn Hữu Mười, biên kịch Hoàng Nhuận Cầm và nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân đều có những phần phát biểu hào hùng mang màu sắc tuyên truyền.

Ảnh minh họa

Quỳnh Hoa nhận giải Nữ chính xuất sắc


Cũng tạo bất ngờ là giải Bạc dành cho Long ruồi (đạo diễn Charlie Nguyễn), bộ phim giải trí có đề tài hơi nhảm và chuyện phim không mấy thuyết phục. Giải đạo diễn dành cho Charlie Nguyễn có thể là một sự hơi ưu ái khi không tính đến Vũ Ngọc Đãng, người đã chỉ đạo diễn xuất cho một dàn diễn viên với những vai diễn để lại dấu ấn mạnh.

So với mặt bằng nam diễn viên chính năm nay, sự lên ngôi của Thái Hoà ở hạng mục này cũng là một kết quả hợp lý. Trong khi đó, giải Nữ diễn viên phụ dành cho Tina Tình gây ngạc nhiên khi kể từ khi ra mắt, vai diễn của cô không mấy xôn xao. Trước đó, nữ diễn viên này hoàn toàn nằm ngoài dự đoán ở đề cử Cánh diều.

“Sài Gòn Yo!” của đạo diễn Stephan Gauger cũng có một kết quả tích cực với đồng giải Bạc với “Long ruồi” và vai Nữ diễn viên chính cho Quỳnh Hoa (vai Kim).

Ảnh minh họa

Hiếu Hiền và Tina Tình nhận giải Nam Nữ diễn viên phụ


Thất bại lớn nhất ở dịp này là “Tâm hồn mẹ”, bộ phim truyện nhựa của cặp bài trùng Nhuệ Giang - Hồng Ánh. Phim không dành một giải thưởng an ủi nào và thậm chí đứng ngoài toàn bộ các đề cử. Chỉ khác là, nếu trong LHP Việt Nam 17, sự dừng lại ở Bằng khen và đề cử Nữ chính cho Phùng Hoa Hoài Linh tạo nên một sự hoài nghi với đánh giá của BGK thì lần này, dù ra về trắng tay, sự kiện này lại hầu như không gây ra phản ứng nào (!).

“Lời nguyền huyết ngải”, bộ phim kinh dị của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cũng chỉ ra về với giải Thiết kế mỹ thuật - vốn quá nổi bật với sự cầu kỳ ở bối cảnh.

Việc công bố giải thưởng năm nay cũng có nhiều điều bất hợp nhất và thiếu khoa học. Khi xướng tên các phim đề cử có “Lời nguyền huyết ngải” và không có “Lệ phí tình yêu” nhưng lúc trao giải thì ngược lại.

Ảnh minh họa

"Tâm hồn mẹ" ra về trắng tay với thậm chí không đề cử nào


Ở nhiều hạng mục giải thưởng cá nhân như Biên kịch, Quay phim, Đạo diễn, Âm nhạc… hoàn toàn không công bố đề cử (để công chúng cũng có thể hình dung đánh giá xếp hạng của BGK). Cũng có thể kể thêm sự tiết kiệm của BGK ở các hạng mục đề cử hạng mục Diễn viên, khi hầu như chỉ có 2 đề cử - để rồi sau đó 1 người đoạt giải.

Trong khi phim truyện nhựa có Vàng sau 2 năm mất mùa thì thể loại phim truyền hình chỉ dừng lại ở giải Bạc dành cho “Công nghệ thời trang (đạo diễn Đỗ Phú Hải). Khá ngạc nhiên khi “Chủ tịch tỉnh”, bộ phim gây dư luận xã hội tích cực trong năm qua chỉ dừng ở giải an ủi là Bằng khen.

Mất cơ hội dự tranh cùng sự ra đi của “Thái sư Trần Thủ Độ”, nhà biên kịch Nguyễn Mạnh Tuấn vẫn chứng tỏ là cái tên uy tín của giới viết kịch bản truyền hình với giải Biên kịch xuất sắc cùng “Công nghệ thời trang”. Ở thể loại này, khá bất ngờ với sự lên ngôi của Elly Trần trong hạng mục Nữ phụ, còn hạng mục Nam phụ thuộc về 1 cái tên khá quen thuộc với màn ảnh nhỏ phía Nam: Cao Minh Đạt.

Sau mùa giải đầu tiên không có Vàng, phim ngắn đã đánh dấu sự hội nhập với Cánh diều cùng giải thưởng cao nhất cho 16h30 của Trần Dũng Thanh Huy. Các hạng mục khác, trừ phim Tài liệu nhựa cũng đều tìm ra chủ nhân giải Vàng của mình.

 Các giải thưởng Cánh diều 2012

Phim truyện nhựa:

Cánh diều Vàng: Mùi cỏ cháy (Nguyễn Hữu Mười)
Giải bạc: Long ruồi (Charlie Nguyễn) và Sài Gòn Yo! (Stephan Gauger)
Bằng khen: Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng) và Lệ phí tình yêu (Nguyễn Minh Chung)
Đạo diễn: Charlie Nguyễn (Long ruồi)
Biên kịch: Hoàng Nhuận Cầm (Mùi cỏ cháy)
Quay phim: Phạm Thanh Hà (Mùi cỏ cháy)
Thiết kế mỹ thuật: Họa sỹ Mã Phi Hải (Lời nguyền huyết ngải)
Âm nhạc: Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân (Mùi cỏ cháy)
Âm thanh: Không có
Nam chính: Thái Hòa (Long ruồi)
Nữ chính: Quỳnh Hoa (Sài Gòn Yo!)
Nam phụ: Hiếu Hiền (Hotboy nổi loạn)
Nữ phụ: Tina Tình (Long ruồi)
Giải báo chí: Hotboy nổi loạn (Vũ Ngọc Đãng)
Giải của Bộ Quốc phòng: Mùi cỏ cháy (Nguyễn Hữu Mười)

Phim truyện truyền hình:

Cánh diều Vàng: Không có
Cánh diều Bạc: Công nghệ thời trang (Đỗ Phú Hải) và Những đứa con biệt động Sài Gòn (Đặng Minh Quang – Khương Đức Thuận)
Bằng khen: Chủ tịch tỉnh (Bùi Huy Thuần – Bùi Quốc Việt) và Khát vọng thượng lưu (Nguyễn Dương)
Đạo diễn: Đỗ Phú Hải (Công nghệ thời trang) và Đặng Minh Quang (Những đứa con biệt động Sài Gòn)
Biên kịch: Nguyễn Mạnh Tuấn (Công nghệ thời trang)
Diễn viên nam: Cao Minh Đạt (Công nghệ thời trang)
Diễn viên nữ: Elly Trần (Khát vọng thượng lưu)

Phim ngắn:

Cánh diều Vàng: 16h30 (Trần Dũng Thanh Huy)
Cánh diều Bạc: Thứ 7 này bác có đến (Huỳnh Viết Phương)
Bằng khen: Cá chuối (Đỗ Quốc Trung), Lỗ thủng (Lê Bình Giang), Chở đá đi chơi (Trần Ngọc Sáng), Chuyện tào lao (Nguyễn Khắc Huy), Trái tim xanh (Đặng Cao Cường), Động lực sống (Chu Việt Nga).

Phim hoạt hình:

Cánh diều Vàng: Đôi bạn (Phạm Hồng Sơn)
Cánh diều Bạc: Chiếc lông công (Phạm Ngọc Tuấn)
Bằng khen: Quái vật hồ sen (Nguyễn Thị Phương Hoa) và Ước mơ của cây đàn (Trần Khánh Duyên)

Phim tài liệu nhựa:

Cánh diều Vàng: Không có
Cánh diều Bạc: Sóng nhà giàn (Phạm Huyên)
Bằng khen: Chuyện làng then (Trần Phi – Hoàng Dũng)

Phim tài liệu video:

Cánh diều Vàng: Tiếng vọng 50 năm (Trần Văn Trạng)
Cánh diều Bạc: Một đời nghiên cứu Hoàng Sa (Phạm Xuân Nghị), Đáy hàng khơi (Lê Vũ Hoàng)
Bằng khen: Những người chiến sỹ hải đồ, Góc khuất Hạ Long, Người con gái cụ Phan, Đỉnh trời – đáy vực, GS Vũ Khiêu, Việt phủ Thành Chương – Nơi trú ngụ tâm hồn người Việt.
Đạo diễn: Lê Vũ Hoàng (Đáy hàng khơi), Nguyễn Lê Văn (Việt phủ Thành Chương – Nơi trú ngụ tâm hồn người Việt)

Phim khoa học:

Cánh diều Vàng: Động đất, sóng thần – Thảm họa khôn lường (Nguyễn Như Vũ)
Cánh diều Bạc: Mùa chim làm tổ (Vũ Hoài Nam)
Bằng khen: Sự sống trên đá và dưới nước (Nguyễn Hoàng Lâm)

Giải cho công trình nghiên cứu phê bình – lý luận:

Cánh diều Vàng: Không có
Cánh diều Bạc: Đạo diễn Đặng Nhật Minh – Sự nghiệp và tác phẩm (Nguyễn Minh Phương)
Bằng khen: Khuôn mẫu văn hóa và nghệ thuật phim truyện VN (Trần Thanh Tùng)


Minh Phương

Ý kiến bạn đọc